Giải pháp về khả năng tiếp cận tín dụng đối với hộ vay vốn

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao kết quả hoạt động của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV tình thương (Trang 69 - 74)

5. Kết cấu của khóa luận

3.7. Giải pháp về khả năng tiếp cận tín dụng đối với hộ vay vốn

Những giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ vay vốn, nâng cao hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững, có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, các nội dung cần tập trung thực hiện gồm:

(1) Đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng chính sách

Chính sách tín dụng cho công tác xóa đói, giảm nghèo nếu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ NSNN thì việc triển khai sẽ bị động, dẫn đến chính sách thiếu bền vững. Bởi vậy, ngoài nguồn vốn từ NSNN, để đảm bảo huy động đủ nguồn lực thực hiện chính sách, về lâu dài tổ chức tài chính vi mô TYM cần tìm một nguồn ổn định và bền vững hơn, bằng cách huy động từ chính những người đi vay thông qua hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm. Trong những năm qua, tổ chức đã triển khai thực hiện tốt nhận tiết kiệm từ người nghèo, tuy nhiên, nguồn vốn huy động được vẫn chưa bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, tổ chức cần tiếp tục đẩy mạnh việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ những người đi vay dưới 2 hình thức là tiết kiệm tự nguyện và tiết kiệm bắt buộc.

- Đối với huy động tiết kiệm theo hình thức tự nguyện, người vay đóng tiết kiệm hàng tháng hoặc quý với số tiền nhất định. Điều chắc chắn là số tiền huy động từ một người nghèo theo thời gian nhất định sẽ không nhiều nhưng nó có tác dụng khuyến khích người vay với dư nợ tiền vay lớn có thể tiết kiệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, người vay được khuyến khích gửi tiết kiệm với nhiều hình thức hợp đồng tiền gửi phù hợp với họ để khuyến khích người vay tiết kiệm cho các mục đích cụ thể như học tập, mua sắm tài sản…

- Đối với huy động tiết kiệm theo hình thức bắt buộc, người vay phải đóng tiết kiệm vào một tài khoản có lãi suất đầu tư và họ có thể được rút ra để sử dụng sau

một thời gian nhất định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ít nhất là sau 3 năm thì số tiền tiết kiệm này mới có ý nghĩa, vì giúp cho người vay có một khoản tiền đáng kể và có thể sử dụng được vào việc khác. Ở Việt Nam, hình thức này bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, kết quả đạt được còn thấp, vì việc triển khai chưa đồng bộ ở các địa phương và quan trọng hơn với cách huy động như hiện nay thì chưa tạo ra một sự gắn kết chặt giữa người nghèo và cơ quan thực hiện chính sách.

Với chương trình bảo hiểm, người đi vay tiền đóng vào một tài khoản tiết kiệm - nhân thọ (số tiền này ngân hàng sẽ dùng để xóa nợ nếu người vay chết, hoặc người thân chết). Thực hiện chương trình bảo hiểm này không những giúp người nghèo hạn chế được rủi ro, đem lại lợi ích cho chính người nghèo mà còn giúp cho ngân hàng huy động được một khoản tiền tiết kiệm dài hạn. Bên cạnh đó, TYM cần huy động tiền tiết kiệm từ người không phải là đối tượng hưởng lợi của chính sách (chưa được vay). Hoạt động này sẽ giúp cho ngân hàng tự thu hút đủ vốn để cho vay. Tuy nhiên, để thực hiện điều này trên thực tế hoàn toàn không dễ, ở đây cần có một chính sách lãi suất cạnh tranh thì mới tính đến huy động được từ nguồn này.

(2) Kết hợp chặt chẽ giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại

Sự kết hợp giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nếu được thực hiện một cách chặt chẽ sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn và thoát nghèo bền vững.

(3) Tăng nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Mặc dù, nguồn tín dụng cho vay của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách liên tục gia tăng theo từng năm, song nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu cần vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Hiện nay có số hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này, độ bao phủ của chính sách còn yếu. Do vậy, trong thời gian tới, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của TYM, cần huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài như của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và tài trợ của các doanh nghiệp trong nước bằng cách cho vay không tính lãi suất hoặc lãi suất thấp.

(4) Điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp đối với từng đối tượng

Để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn, cần phải điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với từng đối tượng của chính sách để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình khó khăn có thể tiếp cận được nhiều hơn nữa đến nguồn vốn tín dụng chính sách.

Hiện nay, các chương trình cho người nghèo vay vốn của Chính phủ thường được thực hiện thông qua tổ chức tài chính vi mô dưới hình thức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi đã dẫn đến nhiều hệ quả đi ngược lại với mục đích hỗ trợ người nghèo của các chương trình này. Vì vậy, để giải quyết mâu thuẫn này, cần có quy định khác nhau cho các đối tượng khác nhau. Cụ thể ở đây sẽ chia thành 2 nhóm trong đối tượng của chính sách: (i) Nhóm người nghèo nhất và có nguy cơ tổn thương cao sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi (có thể với lãi suất hỗ trợ bằng 0); (ii) Nhóm người nghèo còn lại theo chuẩn nghèo của quốc gia và các hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay không cần tài sản thế chấp nhưng lãi suất thấp hơn một ít và thậm chí bằng lãi suất của thị trường. Kinh phí thực hiện huy động từ các nguồn khác.

Cả 2 nhóm đối tượng này sẽ cùng được hưởng hỗ trợ chung từ Nhà nước đó là các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Hiện nay, ở các địa phương có kinh phí cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật qua các hộ hay phòng khuyến nông. Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính hình thức, đại trà, ít tác dụng. Vì thế, nên kết hợp hoạt động khuyến nông với các dự án xin vay vốn. Để đảm bảo sự phù hợp và bền vững của chính sách, vấn đề là cần có tiêu chí rõ ràng đối với 2 nhóm nghèo trên và các hoạt động hỗ trợ để sử dụng hiệu quả vốn vay cần được cung cấp với chất lượng cao.

Về lãi suất: Lãi suất cho vay sẽ được áp dụng cho 2 nhóm, tuy nhiên với nhóm áp dụng lãi suất theo lãi suất thị trường có thể sẽ có nhiều mức lãi suất khác nhau tương ứng với các khoản vay khác nhau. Để đảm bảo huy động được từ các nguồn lực khác nhau, lãi suất tiền gửi cần được tính đến như là một yếu tố quyết định sự bền vững của chính sách. Lãi suất tiền gửi được xác định theo nguyên tắc thị trường. Nếu khống chế mức lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ hạn chế mở rộng đối tượng cho vay cũng như huy động tiền gửi từ các nguồn khác nhau. Do đó, mức lãi suất cần phải linh động để phản ứng với mức lãi suất bên ngoài.

Về thời hạn và mức cho vay: Tăng cường tín dụng ưu đãi trung hạn và dài hạn. Điều này chỉ có thể giải quyết được khi nguồn vốn cho vay ưu đãi lớn. Bởi vậy, nếu làm tốt công tác đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng sẽ không chỉ giải quyết được việc cung cấp tín dụng trung và dài hạn mà còn tăng được mức cho vay hiện nay.

Đối với nhóm đối tượng thứ nhất, trước mắt cần áp dụng hạn mức cho vay vì với những đối tượng nghèo thực sự, chủ yếu đầu tư vào sản xuất nhỏ như chăn nuôi thì mức cho vay hiện nay là phù hợp vì bản thân người nghèo cũng không muốn vay khoản vay lớn vì sợ không có khả năng thanh toán và không đủ năng lực quản lý vốn.

Đối với nhóm đối tượng thứ hai, thì không áp dụng hạn mức mà cho vay theo nhu cầu. Nếu áp dụng lãi suất linh hoạt cùng với không khống chế mức vay sẽ cho phép huy động được nhiều tiền gửi hơn và khi đó sẽ có nhiều nguồn lực để cho vay đến nhiều người nghèo hơn. Hơn thế nữa, khi huy động được nhiều tiền gửi thì những khách hàng gửi tiền luôn chịu sức ép phải duy trì giá trị tài sản để đảm bảo các khoản tiền gửi của mình. Chính điều này cũng hỗ trợ bảo vệ những người vay. Đồng thời, cơ quan thực hiện chính sách luôn phải tổ chức hoạt động có hiệu quả vì họ luôn chịu sự giám sát của các cá nhân, tổ chức gửi tiền. Đây chính là yếu tố đảm bảo tính bền vững của chính sách.

(5) Mở rộng phạm vi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi

Việc cải thiện cuộc sống của những người tàn tật, người yếu thế trong xã hội là mục tiêu của chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước chỉ tập trung vào 2 đối tượng là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Các gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn do có thành viên trong gia đình bị tàn tật, sức khỏe yếu, mất khả năng lao động, sống phụ thuộc vào các thành viên khác thì không được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Vì vậy, cần phải bổ sung thêm đối tượng này vào diện được hỗ trợ tín dụng của Nhà nước nhằm tạo thêm cơ hội cho các gia đình này có thể cải thiện được cuộc sống, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Chính phủ.

(6) Nguồn tín dụng đến đúng đối tượng cần hỗ trợ

Theo Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2019, có đến 3% số hộ khá và 2,2% hộ giàu được vay vốn ưu đãi của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương. Thực tế này cho thấy, những sơ hở trong quản lý nguồn vốn và đối tượng của chính sách. Trong khi NSNN còn hạn hẹp thì việc chi sai mục đích sử dụng đã gây lãng phí nghiêm trọng và tạo ra bất bình đẳng lớn giữa người giàu và người nghèo.

Để hạn chế tình trạng cho vay sai đối tượng làm giảm hiệu quả tín dụng, cần thiết phải thiết lập một hệ thống thực thi và giám sát có quy mô rộng từ Trung ương xuống đến các địa phương mà quan trọng nhất là quy trình cho vay tại các địa phương cần được cải tiến theo hướng tăng cường vai trò của cán bộ tín dụng ngay từ khâu bình xét, lập danh sách cho vay đến khâu tiến hành kiểm tra thực tế các gia đình nằm trong diện được vay để đánh giá chính xác nhất đối tượng của chính sách, hạn chế tối đa việc sử dụng vốn sai mục đích.

KẾT LUẬN

Thông qua việc phân tích thực trạng hoạt động của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương có thể thấy rằng: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại không ít những “rào cản” đối với sự phát triển hoạt động của tổ chức. Vấn đề chủ yếu của TYM là khả năng tự chủ trong hoạt động còn yếu, lệ thuộc quá nhiều vào trợ cấp vốn từ bên ngoài. Điểm sáng trong hoạt động của TYM là chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ hoàn trả cao. Đây là cơ sở để nâng cao kết quả hoạt động của tổ chức.

Mô hình tài chính vi mô đang ngày càng hoàn thiện song song với quá trình bùng nổ của ngành tài chính hết sức đặc biệt này. Quá trình xây dựng tài chính vi mô tại mỗi quốc gia đang từng bước đóng góp nhiều phát triển kỳ diệu cho tình hình kinh tế - chính trị - xã hội. Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển nhiều hơn nữa ngành tài chính vi mô. Hoàn thiện nguồn cung tài chính, khơi dậy nguồn cầu tài chính và hướng đến việc sử dụng bền vững, hiệu quả các khoản tiền vi mô là những điều tài chính vi mô VN trong tương lai cần hướng tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

2. Liên Hợp Quốc (1995), Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, Hà Nội.

3.Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 –2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

4. Các website: sbv.gov.vn, mof.gov.vn, nhcsxh.chinhphu.vn, tapchitaichinh.vn, tailieu.vn, tapchicongthuong.vn, http://econ.worldbank.org…

5. Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP. Hồ Chí Minh (2007).

6. Tài liệu hướng dẫn kiến thức tín dụng vi mô cho cán bộ quận, phường. 7.TS. Đào Văn Hùng (2005). Phát triển hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động và Xã hội.

8.TS. Đinh Phi Hổ - TS. Lê Ngọc Uyển - ThS. Lê Thị Thanh Tùng (2006), Kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Thống kê TP. Hồ Chí Minh.

9. Nghị định Chính phủ số 28/2005/NĐ-CP ngày 09/3/2005. 10. Nghị định Chính phủ số 165/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007. 11. Quỹ Trợ vốn TYM (2015 - 2018). Báo cáo hoạt động.

12. Nguyễn Quỳnh Phương (2017). Phát triển các hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam, Luận văn tiến sĩ.

13. TYM, 2014. Kế hoạch hoạt động kinh doanh 2015-2019, Hà Nội năm 2014 14. Tran, T.N.H (2014). Cấp phép thành lập và hoạt động tài chính vi mô – Những kinh nghiệm từ tổ chức đầu tiên được cấp phép.

15. IFC (2013). Đánh giá thể chế đối với M7-MFI. Dự án IFC “Tăng cường năng lực cho ngành Tài chính vi mô Việt Nam”.

16. M7MFI (2015). Báo cáo kiểm toán năm 2014 của M7-MFI. 17. Bản tin TCVM năm 2014 của VMFWG.

18.Nhóm công tác TCVM Việt Nam, 2013. Tài chính vi mô việt nam: thực trạng và khuyến nghị chính sách, Hà Nội: Nhà xuất bản giao thông vận tải.

19. Lê Thanh Tâm, 2007. Mức độ bền vững của các tổ chức tài chính nông thôn Việt nam – Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học và đào tạo Ngân hàng số 67, tháng 12/2007.

20. TS. Đào Văn Hùng (2005), Phát triển hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động và Xã hội.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao kết quả hoạt động của tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV tình thương (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(74 trang)
w