3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.6.1. Những khó khăn, tồn tại
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đã chú trọng, tuy nhiên vẫn còn hình thức, sơ sài, chưa tuyên sâu rộng đến tất cả các hộ gia đình, cá nhân (chỉ một số điểm thôn, bản của một xã, thị trấn) nên việc nhận thức về pháp luật và việc tiếp cận thông tin về pháp luật giao dịch bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi đăng ký thực hiện. Quá trình tuyên truyền thường phải lồng ghép nhiều nội dung khác như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật lâm nghiệp…).
Hệ thống dữ liệu hồ sơ địa chính tuy đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu sót như: chưa đo đạc hết theo diện tích tự nhiên, vẫn có sự sai khác về chủ sử dụng đối với đất nương rẫy, quá trình quản lý, sử dụng đất có biến động chưa được cập nhật thường xuyên, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử đất lần đầu còn một số ít chưa hoàn thành, công tác lưu trữ và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai vẫn còn thủ công và có nhiều thiếu sót, việc chỉnh lý thông tin về nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ theo dõi biến động đất đai, Sổ địa chính chưa được thực hiện được một cách đầy đủ, thường xuyên, chưa đúng với quy định.
Các thủ tục hành chính về đăng ký giao dịch bảo đảm còn rườm rà, phức tạp, cán bộ tiếp nhận tại Bộ phận tiến nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính huyện Phong Thổ tuy có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng đôi khi tiếp nhận và hướng dẫn người dân vẫn chưa được đầy đủ, chi tiết, thời gian đăng ký giao dịch còn có trường hợp quá thời gian so với quy định, một số cán bộ bộ còn có biểu hiện nhũng nhiễu... điều này đã gây khó khăn cho người dân khi thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy đã có Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký đất đai với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ và các cơ quan chuyên môn khác nhưng việc thực hiện còn chưa thực sự tốt.
Việc thực hiện thủ tục vay vốn tại các ngân hàng còn quá chặt chẽ, thủ tục phiền hà, còn yêu cầu thêm nhiều giấy tờ khác theo quy đinh như để chứng minh nguồn tài chính, khả năng thanh toán... một số ít người dân có nhu cầu được vay ở mức vay trên 70% giá trị tài sản nhưng không được Ngân hàng đáp ứng, mặc dù họ có khả năng thanh toán.
Qua thực tế nghiên cứu công tác giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn huyện Phong Thổ cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không ngừng tăng qua các năm. Trong khi đó, biên chế của các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện chỉ bố trí được 01 đến 02 cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, mặt khác còn phải đảm nhiệm thêm các công việc thuộc nhiệm vụ khác của Văn phòng. Do đó, việc tổ chức, thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương còn chưa đạt được hiệu quả cao.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai còn chật hẹp, thiếu thốn. Do đó việc triển khai công tác đăng ký, công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm trong một chừng mực nào đó còn hạn chế và chưa đạt hiệu quả cao.