Thiết lập tổng thể mặt bằng nhà máy là một phần quan trọng nhất của việc thiết kế, trong đó phải giải quyết tất cả các vấn đề về bố trí mặt bằng của nhà máy nên cần phải đảm bảo các yêu cầu công nghệ kỹ thuật, mỹ quan và kinh tế nên cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
• Các tòa nhà, công trình và thiết bị kỹ thuật sản xuất cần phải được sắp xếp hợp lý, dây chuyền sản xuất nên tiến theo đường thẳng, chữ L hay chữ U, sao cho chiều dài của dây chuyền sản xuất ngắn nhất, không trùng lặp hoặc chồng chéo lên nhau.
• Những công trình có mối liên hệ với nhau cần phải bố trí gần nhau để giảm chi phí cũng thời gian lắp đặt vận chuyển, thuận lợi cho quá trình hoạt động sản xuất.
• Đảm bảo sự liên hệ chặt chẽ giữa các công trình sản xuất và hệ thống giao thông, các mạng lưới cung cấp kỹ thuật.
• Mặt bằng nhà máy phải đảm bảo diện tích cho tất cả công trình chính, công trình phụ và dự trù diện tích đảm bảo khả năng cải tạo, mở rộng và phát triển trong tương lai.
• Nhà máy nên cách ly với bên ngoài bằng hàng rào (bẳng tường, lưới B40, dây kẽm gai,…hoặc xây tường) để đảm bảo an ninh. Bên trong phải có diện tích trồng cây xanh để chắn bụi, giảm tiếng ồn và lấy bóng mát (vào khoảng 20 - 25% diện tích đất đai). Xung quanh nhà máy và các đường giao thông trong nhà máy cần bố trí đèn chiếu sáng vào ban đêm để bảo vệ.
• Giao thông vận chuyển trong nhà máy thông thoáng, hợp lý, không có các đoạn cua gấp, hạn chế đường giao nhau để di chuyển dễ dàng và giảm tai nạn.
• Nhà kho, xưởng sửa chữa, bãi rác, các bộ phận có mùi khó chịu, gây ô nhiễm như bụi, khí độc, hơi nóng, khói,…nên đặt ở góc nhà máy, cuối hướng gió. Và có hệ thống xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn.
• Bố trí mặt bằng phải đảm bảo khoảng cách giữa các công trình theo tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu thông gió, chiếu sáng tự nhiên cho nhà máy và an toàn về phòng cháy chữa cháy (phải có lối thoát hiểm, các cổng phụ để thoát hiểm khi có sự cố).