giải toán có lời văn nhằm phát triển năng lực HS: * Mục tiêu:
- GV nắm chắc các phương pháp dạy học toán ở tiểu học.
- Có kĩ năng sử dụng và phối hợp hài hoà các phương pháp dạy học toán phát huy năng lực HS.
* Nội dung và cách thức tiến hành:
Trong dạy học giải toán có lời văn ở Tiểu học nói chung và ở lớp 1 nói riêng có rất nhiều phương pháp dạy học (PPDH) khác nhau, mỗi phương pháp có ưu điểm và hạn chế riêng, mỗi PPDH lại phù hợp với đặc trưng của từng dạng bài khác nhau. Hiện nay, mặc dù ngành giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực HS, nhưng thực tế trong dạy học giải toán, GV thường sử dụng một số phương pháp như: Thuyết trình; Giảng giải minh hoạ; Gợi mở vấn đáp; Trực quan; Thực hành - luyện tập; Phát hiện và giải quyết vấn đề; Kiến tạo; Hợp tác theo nhóm; Trò chơi....
Trong các PPDH trên, các phương pháp Thuyết trình; Giảng giải minh hoạ; Gợi mở vấn đáp; Trực quan; Thực hành - luyện tập được coi là PPDH truyền thống. Còn những PPDH như Phát hiện và giải quyết vấn đề; Kiến tạo; Dạy học theo nhóm; Tổ chức trò chơi là những PPDH mới phát huy tính tích cực của HS.
Mỗi PPDH dù là truyền thống hay PPDH mới nó vẫn có những mặt tích cực và hạn chế riêng, không có PPDH nào là vạn năng. Để tổ chức hoạt động dạy học có hiệu quả, GV không thể chỉ sử dụng một PPDH duy nhất mà cần biết cách lựa chọn, sử dụng ưu thế của từng PPDH, phối hợp hài hoà các PPDH cả PPDH truyền thống và PPDH tích cực sao cho phù hợp với mục tiêu, nội dung ở từng loại bài học, ở từng lớp học, ở từng giai đoạn dạy học, nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS.
Nội dung các bài toán có lời văn trong chương trình lớp 1 thường có 2 dạng bài sau:
Dạng thứ nhất, hình thành biểu tượng và hình thành tri thức mới (dạng bài mới).
Dạng thứ hai, dạng bài luyện tập bao gồm các bài Luyện tập, Luyện tập chung, Ôn tập.
* Dạng bài hình thành kiến thức mới: Đối với dạng bài này GV nên sử
dụng PPDH trực quan hay PPDH nêu và giải quyết vấn đề là chủ đạo kết hợp với các PPDH khác như thuyết trình, giảng giải, vấn đáp, … Đối với những bài sử dụng đồ dùng trực quan, GV có thể sử dụng vật thật, người thật, tranh ảnh, tranh động để biểu thị các tình huống cho các em vì HS lớp 1 tư duy của các em là tư duy cụ thể, tưởng tượng của các em còn rất hạn chế. Nên qua các tranh động, hay các tình huống với người thật, việc thật HS sẽ dễ hình dung, dễ tiếp thu.
Ví dụ 1: Tình huống bài 4 trang 48.
- Đối với tình huống này, GV có dùng PPDH trực quan kết hợp với PP vấn đáp. GV có thể thực hiện như sau:
+ Đưa hình ảnh 1 bạn đang cầm quả bóng. Hỏi ”Có mấy bạn đang đi chơi bóng?” hoặc ”Bức tranh vẽ mấy bạn nhỏ?”,... HS sẽ trả lời: ”Có 1 bạn”.
+ Đưa tiếp hình ảnh 3 bạn chạy tới. Hỏi: ”Có mấy bạn đang chạy tới?” (3 bạn).
+ Tất cả có mấy bạn? (4 bạn).
+ Muốn tìm tất cả có mấy bạn ta làm phép tính gì? (phép tính cộng). - Yêu cầu HS viết phép tính vào 5 ô trống cuối bài.
Như vậy ở bài này GV đã sử dụng 2 PPDH đó là Trực quan và Vấn đáp.
Ví dụ2: bài Giải toán có lời văn (trang 148), sau khi GV nêu bài toán “Nhà
An có 9 con gà, mẹ đem bán 3 con gà. Hỏi nhà An còn lại mấy con gà?”. Ở bài này, GV sử PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề là chủ đạo kết hợp với các PPDH khác như vấn đáp.
Bằng vốn sống của HS, sau khi đọc xong đề bài các em có thể nêu ngay được phép tính và kết quả của bài toán. Từ việc giải quyết vấn đề thực tế của cuộc sống đó, GV dẫn dắt các em và định hướng cho các em xác định dạng toán “bớt đi một số đơn vị” và cách giải dạng toán này ta phải làm phép tính trừ.
* Đối với dạng bài Luyện tập: GV nên sử dụng PPDH Thực hành – Luyện
tập là chủ đạo kết hợp với phương pháp trò chơi và một số PPDH khác vì thông qua việc HS tự vận dụng những kiến thức kĩ năng của bản thân vào giải quyết những bài tập và những tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày theo tiến độ của bản thân năng lực toán học của HS được bồi dưỡng và được nâng cao hơn.
Ví dụ dạy bài Luyện tập (trang 121), GV yêu cầu HS làm bài cá nhân 3 bài tập trong SGK. Trong thời gian HS làm bài, GV quan sát, kiểm tra, giúp đỡ HS (chú ý tới những HS còn hạn chế giúp các em hoàn thành bài tập để đạt mục tiêu tiết học) còn đối với những em có năng khiếu, GV có thời gian nâng cao năng lực cho các em bằng cách giao thêm các bài tập ở mức độ cao hơn.
Như vậy trong khoảng thời gian 35 đến 40 phút, HS đạt yêu cầu mục tiêu tối thiểu của bài học, những em HS năng khiếu có cơ hội phát triển hơn nhờ được thực hành luyện tập nhiều hơn.
Cuối tiết học GV nên tổ chức Trò chơi cho các em để các em được chuyển từ trạng thái “căng thẳng” sang một trạng thái ‘hưng phấn” sẽ phù hợp với độ tuổi các em hơn giúp các em tiếp thu bài, nhớ bài lâu hơn.