5. Kết cấu đề tài
2.1.2 Bất khả kháng theo quy định của Luật Thương Mại 2005
Trước hết, có thể thấy quy định tại Điều 294 Luật thương mại 2005 đã liệt kê sự kiện bất khả kháng là một trong những căn cứ để được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, Luật thương mại 2005 không hề giải thích thế nào là sự kiện bất khả kháng. Tại Luật thương mại 1997 đã có định nghĩa sự kiện bất khả kháng tại Khoản 2 Điều 77 như sau “Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, do những sự kiện có tính chất bất thường xảy ra mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được”. Tuy nhiên, khi các nhà làm luật xây dựng Luật thương mại 2005 thì lại không nhắc lại quy định này. Khi xét theo mối quan hệ
giữa luật riêng và luật chung, trong đó luật thương mại là luật riêng về hoạt động thương mại, nên có thể dẫn chiếu quy định của Bộ luật dân sự là luật chung để áp dụng trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên như đã phân tích, cách quy định theo phương pháp trừu tượng như ở Bộ luật Dân sự dẫn đến rất nhiều hạn chế trong việc hiểu và áp dụng. Mặt khác, mỗi lĩnh vực sẽ có những đặc điểm riêng biệt nên việc trong mỗi luật riêng có một quy định cụ thể và sát với lĩnh vực đó thì sẽ giúp cho các chủ thể trong lĩnh vực đó dễ dàng áp dụng hơn.
Thứ hai, nghĩa vụ chứng minh sự tồn tại của sự kiện bất khả kháng. Đây là một trong những nghĩa vụ quan trọng giúp bên vi phạm có căn cứ để yêu cầu miễn trách nhiệm. Tuy nhiên pháp luật lại không hề có bất kỳ điều khoản nào quy định cụ thể thời gian cung cấp hay cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy xác nhận về sự kiện đó. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các chủ thể khi gặp trường hợp bất khả kháng, khi đã thực hiện chậm trễ hay không thực hiện nghĩa vụ thông báo chứng minh của mình cho nên phải chịu những hậu quả mà lẽ ra mình được miễn trừ. Ngay cả các văn bản quốc tế như PICC5 2004 và Công ước viên 1980 cũng không có điều khoản cụ thể về vấn đề này.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là khi gặp phải trường hợp bất khả kháng thì cần được cơ quan có thẩm quyền nào cấp giấy chứng nhận?
Trong bộ tư liệu những phán quyết tiêu biểu của trọng tài tại Học viện tư pháp Việt Nam có ví dụ liên quan đến vấn đề này như sau:
“Hợp đồng mua bán xi-măng giữa công ty Việt Nam và công ty Ấn Độ. Bị đơn là công ty Ấn độ biện luận rằng Bị đơn ký hợp đồng mua xi măng của nhà cung cấp thuộc nước thứ ba nhưng vì nhà cung cấp gặp bất khả kháng (nhà máy ngừng sản xuất) không giao được hàng cho Bị đơn nên Bị đơn không giao được hàng cho Nguyên đơn. Do đó Bị đơn cũng được coi là gặp bất khả kháng và được miễn trách nhiệm.”
Điểm đặc biệt ở đây chính là Bị đơn đã gửi cho Nguyên đơn hai bản photo giấy chứng nhận bất khả kháng do bộ phận thương mại thuộc Đại sứ quán của nước người cung cấp và một bản photo giấy chứng nhận bất khả kháng của Uỷ ban xúc tiến thương mại quốc tế của nước người cung cấp. Tuy nhiên sau khi Uỷ ban trọng tài nghiên cứu và phân tích thì đã đưa ra kết luận không công nhận sự kiện bất khả kháng và buộc Bị đơn chịu trách nhiệm với Nguyên Đơn vì không giao hàng đúng thời hạn.
Qua ví dụ trên ta nhận thấy, đối với nghĩa vụ chứng minh thì bên vi phạm hiển nhiên phải dùng mọi cách để chứng minh sự ảnh hưởng của sự kiện đó. Tuy nhiên có
5 Principles of International Commercial Contracts - Bộ nguyên tắc trong hợp đồng thương mại quốc tế
được chấp nhận hay không thì còn phụ thuộc vào bên bị vi phạm hoặc cơ quan chức năng. Trong khi đó, điều khoản về bất khả kháng còn quá sơ sài sẽ khiến các bên khó có thể tìm được tiếng nói chung khi giải quyết mâu thuẫn.
Trong khi sự kiện bất khả kháng còn chưa được quy định một cách rõ ràng thì pháp luật Việt Nam còn thừa nhận thêm khái niệm “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015. Điều khoản này được bắt nguồn từ thuật ngữ “Hardship” trên thị trường quốc tế.
Điều khoản Hardship này được hiểu là điều khoản quy định về các trường hợp mà khi nó xảy ra làm phá vỡ cán cân lợi ích giữa các bên đã được thỏa thuận trước đó trong hợp đồng, đồng thời cho phép các bên đàm phán lại để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong quốc tế, hiện nay chỉ có 2 văn bản chính thức quy định về điều khoản Hardship này đó là tại Mục 2 Chương 6 PICC (Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế) và “sự thay đổi của hoàn cảnh” (change of circumstances) tại
Điều 6:111 PECL (Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng).
Điều khoản về Hardship được quy định tại Điều 6.2.2 của Bộ nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế của UNIDRPOIT 2004 (PICC) như sau:
“Hoàn cảnh hardship được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, hoặc do giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống:
a) Các sự kiện này xảy ra hoặc được bên bị thiệt hại biết đến sau khi giao kết hợp đồng;
b) Bên bị bất lợi đã không tính đến một cách hợp lý các sự kiện đó khi giao kết hợp đồng;
c) Các sự kiện đó nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị bất lợi; d) Rủi ro về các sự kiện này không được bên bị bất lợi gánh chịu.”
Nhìn chung thì quy định về điều kiện áp dụng cũng như hoàn cảnh của sự kiện hardship, hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong PICC hay của Bộ luật Dân sự Việt Nam đều không có sự khác biệt gì lớn. Tuy nhiên khi so sánh giữa điều khoản bất khả kháng và điều khoản Hardship thì chúng ta sẽ nhận ra những điểm khác biệt về cả nội dung và hậu quả:
Thứ nhất, điều khoản quy định các trường hợp Hardship chỉ làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hơn bởi vì nó phá vỡ sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong hợp đồng. Trong khi đó bất khả kháng là các sự kiện khách quan diễn ra làm
một bên dù áp dụng mọi biện pháp cũng không thể tiếp tục thực hiện được nghĩa vụ của mình.
Ví dụ khi tin tức một cơn bão lớn sắp đổ bộ sẽ khiến nguồn cầu mặt hàng gạo tăng, kéo theo giá gạo tăng cao. Như vậy thì bên cung cấp gạo cho các nơi bán hàng sẽ chịu thiệt hại vì giá cả đã được định từ trước trong hợp đồng. Tuy làm mất sự cân bằng cán cân lợi ích giữa các bên nhưng vẫn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng đây là Harship. Khi cơn bão đổ bộ khiến kho hàng của bên cung ứng bị sập, toàn bộ gạo dự trữ bị hỏng khiến hợp đồng không thể thực hiện thì đây mới xem là bất khả kháng.
Thứ hai, về hậu quả pháp lý khi các trường hợp xảy ra. Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, mọi trách nhiệm nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ được miễn trừ mà không cần chịu bất kì chế tài gì. Bên vi phạm sẽ được miễn toàn bộ trách nhiệm, hoặc nếu vẫn còn khả năng thì các bên sẽ gia hạn hợp đồng thêm một khoảng thời gian hợp lý để tiếp tục thực hiện hợp đồng khi sự kiện kết thúc. Ở điều khoản Hardship thì các bên chỉ có thể yêu cầu bên còn lại đàm phán chứ không có quyền chấm dứt hợp đồng. Chỉ trừ khi các bên không thể đàm phán thì các bên mới nhờ đến sự phán xét của các cơ quan có thẩm quyền chính là Tòa án. Tòa án có thể chỉnh sửa lại một số điều khoản nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên trong hợp đồng hay trực tiếp chấm dứt hợp đồng.
Ví dụ một hợp đồng được ký kết giữa Việt Nam và Singapore, theo hợp đồng thì Việt Nam sẽ xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ cho Singapore theo mức giá cố định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng thì Nhà nước Việt Nam ban hành sắc lệnh đánh thuế các mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu có nguồn gốc từ gỗ nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên lên 10% so với quy định cũ chỉ là 6%. Nếu tiếp tục giữ giá cam kết cố định ngay từ đầu thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu tổn thất nặng nề. Trong trường hợp trên mặc dù sắc lệnh ban hành nằm ngoài sự kiểm soát và gây thiệt hại cho phía doanh nghiệp Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam không thể viện dẫn điều khoản bất khả kháng để chấm dứt hợp đồng được. Bởi vì trong quy định tại Khoản 1 điều 35 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì sẽ có một “thời hạn chờ” trước khi văn bản đó có hiệu lực. Trong thời hạn chờ đó thì dự thảo sẽ được đăng lên trang thông tin điện tử của Chính Phủ để lấy ý kiến từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu ảnh hưởng trong vòng ít nhất là 60 ngày theo Khoản 4 Điều 81 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể dự đoán trước khi sắc lệnh ban hành, tránh nguy cơ thiệt hại khi ký kết hợp đồng. Trong trường hợp này việc sắc lệnh được ban hành và đánh thuế lên mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu đã làm phá vỡ cán cân cân bằng giữa Việt Nam và Singapore. Doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay Hardship để yêu cầu
đàm phán lại với Singapore, hoặc nhờ tòa án can thiệp nếu Singapore không đồng ý đàm phán.
Có thể thấy việc thừa nhận quy định về hoàn cảnh thay đổi này là quy định khá tiến bộ của pháp luật Việt Nam khi đã tính đến cả những sự kiện nằm ngoài khuôn khổ của bất khả kháng. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập như sau:
Thứ nhất, không quy định nghĩa vụ tham gia đàm phán lại, không quy định nghĩa vụ bên xảy ra tình huống hoàn cảnh thay đổi phải đưa ra căn cứ chứng minh có thật sự ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng hay không, không có quy định chế tài trong trường hợp từ chối việc đàm phán mà không có lý do hợp lý. Tương tự như điều khoản bất khả kháng là không giải thích rõ “thời gian hợp lý6” yêu cầu đàm phán là bao lâu.
Thứ hai, chính là hệ quả của việc đàm phán không thành. Khoản 3 điều 420 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “trường hợp các bên không thể thảo thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án…”. Qua quy định trên chúng ta sẽ có hai cách hiểu khác nhau, một là, chỉ khi tất cả các bên không thể thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng thì mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, và hai là khi bên không gặp trường hợp hoàn cảnh thay đổi không chấp nhận yêu cầu đám phán. Như vậy thì bên gặp hoàn cảnh thay đổi có quyền yêu cầu tòa án giải quyết hay không?
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 thì có 03 trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng bao gồm: “Sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm và thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng”.
Trong khi đó, Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 lại quy định 4 căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, thêm vào “hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
Điểm cần lưu ý ở đây chính là quy định miễn trách nhiệm khi thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả, thì đây là một quy định không cần thiết. Bởi vì từ trước đến nay, pháp luật quốc tế và các chủ thể sử dụng pháp luận vẫn luôn quan điểm rằng hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là một trong những trường hợp đặc trưng của bất khả kháng. Kể cả các văn bản quốc tế như Công ước viên 1980 hay Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004,
cũng không có quy định tách riêng nào nói về việc vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước là một căn cứ miễn trách nhiệm của bất khả kháng.
Ngay cả trong phán quyết của Tòa án Anh - một trong những hệ thống pháp luật có uy tín bậc nhất cũng đã khẳng định hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là bất khả kháng. Ví dụ sau đây được đưa ra để chứng mình rằng việc vi phạm nghĩa vụ do lý do trên là một trường hợp cụ thể của bất khả kháng.
“Một công ty thương mại nhà nước của Ba Lan thực hiện hợp đồng bán đường cho một công ty của quốc gia Anh. Hợp đồng được ký kết vào tháng 5 năm 1974 và thời hạn giao hàng là tháng 10 đến tháng 11 năm 1974. Đối tượng của hợp đồng chính là đường được tinh chế từ củ cải đường. Trong hợp đồng của hai bên có quy định điều khoản miễn trách nhiệm có sự can dự của chính phủ thì thời hạn sẽ được gia hạn thêm.
Vì tháng 8 có mưa nhiều nên hầu như củ cải đường đều chết, vào tháng 11 Bộ ngoại thương Ba Lan đã ban hành quyết định cấm xuất khẩu đường cho đến tháng 6 năm sau đó là 1975.
Công ty thương mại nhà nước Ba Lan vì thực thi quyết định trên nên đã không thể thực hiện nghĩa vụ giao hàng của mình với căn cứ là trường hợp bất khả kháng. Tòa án Anh đã tuyên bố rằng lí do công ty của Ba Lan vi phạm là do thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ và cần được miễn trừ trách nhiệm.” (C.Czaroikow Ltd. V.Rolimpex, 1979)”
Như vậy có thể thấy việc phân biệt hai trường hợp “miễn trách nhiệm do bất khả kháng” và “miễn trách nhiệm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước” là không thực sự cần thiết và không có nhiều giá trị thực tiễn. Hơn nữa, nếu xét cả về mặt lý luận hay thực tiễn, nếu một bên vi phạm muốn viện dẫn điều khoản bất khả kháng hay do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước trên cũng cần chứng minh những điều kiện giống nhau đó chính là: việc vi phạm là do trường hợp vượt ngoài tầm kiểm soát, không thể lường trước hay dự đoán vào lúc giao kết hợp đồng và hậu quả không thể khắc phục được.