Thách thức của du lịch sinh thái tại Việt Nam

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế du lịch giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại việt nam (Trang 28 - 33)

Bên cạnh những cơ hội lớn trong phát triển loại hình du lịch sinh thái tại Việt Nam, không thể không kể đến các thách thức có thể gặp phải trong quá trình phát triển loại hình du lịch này.

2.3.4.1 Ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu

Trước hết, DLST có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình biến đổi khí hậu. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành và đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch. Chính vì vậy, du lịch sinh thái nhạy cảm hơn cả đối với biến đổi khí hậu. Theo ước tính, nếu nước biển dâng một mét thì 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động và không ít bãi biển đẹp của Việt Nam sẽ biến mất. Các loài cá, san hô, và thực động vật dưới biển cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí

hậu. Theo Rijnsdorp và cộng sự (2009); Cheung và cộng sự (2010), nhiệt độ ngày càng cao lên sẽ dẫn tới sự suy giảm về sự đa dạng sinh học của các loài cá, kéo theo đó ngành du lịch sinh thái biển cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra bão lũ, và các dị tượng sẽ khiến lượng mưa, và nhiệt độ biến động khó lường hơn (IPCC, 2007), gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái nói chung, qua đó cũng sẽ phần nào gây ảnh hưởng tới chất lượng thổ nhưỡng của rừng, gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hoá, tài nguyên du lịch đặc biệt. Ví dụ điển hình về tác động của biến đổi khí hậu là khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Khai Long (Cà Mau) đã phải đóng cửa sau 5 năm hoạt động bởi xói lở do nước biển dâng. Thông qua đây, có thể thấy, thách thức đầu tiên đối với du lịch sinh thái tại Việt Nam là hiện tượng biến đổi khí hậu.

2.3.4.2 Nguy cơ suy giảm tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học

Bên cạnh biến đổi khí hậu, hoạt động du lịch sinh thái còn chịu đe dọa từ sự suy thoái của tài nguyên du lịch và mất đa dạng sinh học, bắt nguồn từ hoạt động khai thác quá mức, trái phép; hoạt động dân sinh và đầu tư.

Tình trạng khai thác, chặt phá rừng; săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp, hay tập quán đốt nương làm rẫy tại vùng núi. Những hành vi này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học của thảm thực động vật tại rừng. Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, từ 1/2013 - 12/2017, cả nước có 1504 vi phạm; 41.328kg cá thể và sản phẩm, 1461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; 432 bị cáo bị xét xử trong các vi phạm hình sự về động vật hoang dã. Ngoài các tài nguyên rừng, tài nguyên sinh thái biển cũng có thể đối mặt với nguy cơ tương tự. Tại Việt Nam, rừng ngập mặn bị hủy hoại nặng nề do người dân lấy củi, khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, và do cả xói lở bờ biển. Diện tích bãi biển, vùng triều giảm mạnh do xói lở và khai thác cát. Độ phủ các rạn san hô giảm nhanh, hiện chỉ còn khoảng 1122 km2, tập trung ở ven biển Trung Bộ và vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Một số ví dụ điển hình khác của hoạt động dân sinh và đầu tư gây ảnh hưởng tới chất lượng tài nguyên du lịch sinh thái. Tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ô nhiễm và hủy hoại sinh vật biển hoang dã do các tàu thuyền du lịch và làng chài trong Vịnh là vấn đề tồn tại lâu nay. Mặc dù chính quyền đã tiến hành những biện pháp quan trọng trong những năm qua, nhưng rủi ro vẫn tiếp diễn do lưu lượng tàu thuyền lớn và đội tàu cũ kỹ, không chỉ gây ảnh hưởng đối với môi trường địa phương mà còn ảnh hưởng đến trải nhiệm chung của du khách.

2.3.4.3 Khả năng tiếp cận đối với các điểm du lịch sinh thái còn khó khăn

Xét về khả năng tiếp cận các điểm du lịch sinh thái, có thể nhìn nhận ở 2 phương diện

Thứ nhất, khả năng tiếp cận về cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại. Xét ở phương diện này, du lịch sinh thái ở Việt Nam còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đặc thù cho phát triển du lịch sinh thái; hoặc có phần xây dựng bừa bãi, không tuân thủ các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, gây phá vỡ cảnh quan. Hơn thế nữa, trên thực tế, các điểm đến sinh thái nổi tiếng phần lớn là các khu vực vườn quốc gia hay rừng núi, nên khả năng tiếp cận di chuyển lại càng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thiên nhiên và điều kiện thời tiết. Chính vì thế, khả năng tiếp cận cũng là một thách thức đối với sự phát triển của riêng ngành du lịch sinh thái.

Thứ hai, khả năng tiếp cận về thông tin, cũng như sự đa dạng về điểm đến du lịch sinh thái còn hạn chế, dẫn tới rủi ro dư cầu du lịch. Như đã đề cập ở phần trước, sự đa dạng về điểm đến du lịch sinh thái nhìn chung mới chỉ dừng lại ở các loại hình đơn lẻ, ở mỗi loại hình cũng chỉ có 1 đến 2 điểm đến nổi tiếng với du khách quốc tế. Các hoạt động du lịch sinh thái cũng chưa cung cấp các trải nghiệm của du khách ở mức độ sâu và rộng hơn, hầu hết là hoạt động vãng lai, ngắm cảnh, chụp hình, và tiếp nhận thông tin một chiều. Điều đó cho thấy thách thức đối với ngành du lịch sinh thái của nước ta đó là khả năng khai thác còn hạn chế, các công cụ truyền thông, marketing còn kém và đặc biệt hơn, các loại hình chưa đủ mức độ đa dạng về cả lượng lẫn chất, các loại hình phái sinh kết hợp khác chưa thực sự phổ biến và được đưa vào khai thác. Nói cách khác cầu và thị hiếu về du lịch ngày càng tăng nhưng cung thì chưa đủ khả năng để đáp ứng.

2.3.4.4 Rủi ro đạo đức

Trong hầu hết các rủi ro liên quan, rủi ro đạo đức luôn gắn liền với phát triển không chỉ du lịch sinh thái nói riêng mà còn là toàn ngành du lịch nói chung. Rủi ro đạo đức có thể đến từ chính du khách. Thật vậy, gần đây, có ghi nhận nhiều các hiện tượng du khách xả rác bừa bãi tại các điểm du lịch, hiện tượng khắc chạm hay phá hoại lên các hiện vật trong các địa điểm sinh thái như tại Vịnh Hạ Long. Các hiện tượng này có thể mang tới những hệ lụy lớn đối với môi trường, sinh vật và toàn bộ hệ sinh thái nói chung. Bởi lẽ, qua quá trình bảo tồn và phát triển hàng ngàn năm, các địa điểm du lịch sinh thái mới được hình thành và đưa vào khai thác, nhưng với sự vô ý của khách du lịch, sự cân bằng tự nhiên và các cảnh quan có thể bị phá hủy.

Bên cạnh đó, rủi ro đạo đức có thể đến từ chính những người hoạt động du lịch. Hàng loạt các hàng quán tự phát, hiện tượng “chặt chém” giá cả hàng hóa đối với du

khách nước ngoài tác động xấu đến hình ảnh du lịch của quốc gia. Ngoài ra, đối với loại hình du lịch sinh thái, nhiều nhà kinh doanh và cơ quan quản lý du lịch hiện nay vẫn sử dụng nhãn hiệu du lịch sinh thái để khuếch trương sản phẩm của họ, nhằm thu hút khách DLST mà không thật sự tuân theo các nguyên tắc của loại hình du lịch này.

2.3.4.5 Tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn thấp, bản thân du lịch sinh thái gặp sự cạnh tranh với các loại hình du lịch khác.

Xét về tính cạnh tranh của du lịch trong nước, theo đánh giá của Tổ chức Bloom Consulting về xếp hạng thương hiệu du lịch và thương mại trên thế giới, Việt Nam được xếp hạng 47, tăng 10 bậc so với xếp hạng toàn cầu và tăng 2 bậc, xếp thứ 15 của châu Á. Được đánh giá có sự vượt hạng khá ấn tượng, đứng sau một số quốc gia như Thái Lan (thứ 2 thế giới/dẫn đầu về thương hiệu tại châu Á), Singapore (thứ 5 thế giới/thứ 3 châu Á), Malaysia (thứ 23 thế giới/thứ 9 châu Á), Indonesia (thứ 35 thế giới/thứ 11 châu Á), Philipines (thứ 40 thế giới/thứ 12 châu Á) và đứng trước Campuchia, Lào, Myanmar nhưng thương hiệu du lịch Việt Nam vẫn xếp hạng khá khiêm tốn, còn cách khá xa so với một số quốc gia trong cùng khu vực.

Hình 2.1: Điểm số WEF về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu

Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (2017)

Về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017, Việt Nam xếp thứ 67 trên toàn cầu, ngang hàng với mức điểm bình quân của các đối thủ cạnh tranh còn lại trong khu vực, nhưng chưa đạt kết quả cao nhất trong khu vực ở bất kỳ nội dung nào về năng lực cạnh tranh. Có thể thấy, du lịch Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức tiệm cận với trung bình của khu vực, đặc biệt là còn cần phải học hỏi nhiều hơn từ nước bạn ở các khoản mục liên quan đến cơ sở hạ tầng, an toàn an ninh và

chế độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành (Hình 2.1). Tóm lại, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới là còn tương đối khiêm tốn.

Bên cạnh ngành du lịch nói chung, bản thân du lịch sinh thái nói riêng và các địa điểm du lịch sinh thái nói riêng cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình du lịch khác. Hiện nay có rất nhiều loại hình du lịch khác nhau tồn tại như du lịch tâm linh, du lịch MICE,… Hầu hết các loại hình du lịch phái sinh này đều có chung một mối quan tâm đó là khách hàng – chính là du khách du lịch, người có mong muốn đi du lịch. Chính vì thế, giá trị cốt lõi nằm ở chính sản phẩm mà các loại hình du lịch này có thể phục vụ tới khách hàng quan tâm, đưa cho họ cái họ muốn. Do vậy, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhánh nhỏ trong ngành chính là một thách thức đối với loại hình du lịch sinh thái, đặt ra yêu cầu về các sản phẩm du lịch tốt hơn, có nhiều sự khác biệt hơn và đặc biệt là chất lượng dịch vụ phải song song với việc bảo tồn, gìn giữ, và giáo dục – các mục tiêu chính mà loại hình du lịch sinh thái muốn hướng tới.

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế du lịch giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại việt nam (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(48 trang)
w