THÁI TẠI VIỆT NAM
3.4 Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực DLST
Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng phải được phát triển có hệ thống cả về số lượng và chất lượng. Ngoài việc đào tạo mới nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng tăng lên, tương đương 40.000 mỗi năm,thì việc đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lao động hiện tại cũng cần được quan tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý và giám sát du lịch, và nhân viên phải được đào tạo chuyên sâu và có bài bản cả về trình độ chuyên môn cũng như khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học và có sự hiểu biết về pháp luật. Cụ thể:
- Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch và các chủ trương chính sách liên quan đến phát triển du lịch của tỉnh, huyện đến các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
- Rà soát tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên tại điểm. Phổ biến, đào tạo cho người dân, thuyền viên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về quy trình đón tiếp, phục vụ khách du lịch, kỷ năng giao tiếp, kỷ năng bán hàng, tiếp thị du khách…
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ giao tiếp, marketing trên mạng xã hội căn bản cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
- Đầu tư, thành lập các đội cứu hộ, cứu nạn tại địa phương, đặc biệt là tại các bãi tắm, khu leo núi nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan, vui chơi giải trí.
- Tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh về nghề du lịch để nâng cao nhận thức, tạo nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Cụ thể theo trường hợp của công ty Oxalis tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Phạm Hồng Long và Đinh Khanh Tùng, 2018); đội ngũ hướng dẫn viên được tập huấn thường xuyên hằng năm về các kỹ năng leo núi, sơ cấp cứu, các kỹ năng hướng
dẫn và phục vụ khách hàng…Hơn nữa, Oxalis còn tổ chức các khóa đào tạo về bán hàng và marketing cho nhân viên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Việc xây dựng Trung tâm giáo dục môi trường và du lịch sinh thái nhằm phát triển du lịch kết hợp với tuyên truyền, giáo dục bảo tồn là một hướng đi đúng để có thể phát triển năng lực của đội ngũ lao động (Ngô Thanh Loan, 2018). Thuận lợi của khu du lịch này là đã có một đội ngũ nhân viên có chuyên môn, kỹ năng truyền thông tốt, vì chức năng ban đầu của họ là tuyên truyền bảo tồn. Bên cạnh việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thuyết minh, việc nâng cao kiến thức và nhận thức về DLST sẽ tạo cơ sở vững chắc cho nhân viên khu DLST tác nghiệp, cũng như tạo ý thức bảo tồn và hướng dẫn du khách thực hiện đúng các nguyên tắc DLST.