Hiện đại hóa công nghệ

Một phần của tài liệu Tiểu luận quan hệ kinh tế quốc tế HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY TRONG NƯỚC (Trang 42 - 44)

3. Tác động của TPP đến ngành dệt may Việt Nam

3.4.2.1.Hiện đại hóa công nghệ

Đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ là nhân tố đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của ngành dệt may. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần mạnh dạn đổi mới quy trình công nghệ, kết hợp đúng mức các trình độ công nghệ hiện có, đầu tư mua sắm thiết bị dệt may đồng bộ, đạt tiêu chuẩn kĩ thuật cao, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ lạc hậu, không còn thích hợp. Đầu tư công nghệ hiện đại, các công nghệ thuộc thế hệ mới nhất trên thế giới cho các dự án đầu tư mới với quy mô đủ lớn. Tập trung các dự án đầu tư mới, với quy mô đủ lớn, đủ tiềm lực về vốn để tiếp cận công nghệ hiện đại tiên tiến nhất, công nghệ thế hệ mới nhất.

Hàng dệt may có đặc điểm là có tính linh động cao trên thị trường, chu kỳ sản phẩm ngắn, tính mốt thể hiện rõ, tính quốc tế cao. Do đó công nghệ phải đổi mới nhanh và theo hướng hiện đại. Đổi mới máy móc thiết bị giúp năng suất tăng cao, chất lượng sản phẩm được đảm bảo tốt hơn, đảm bảo số lượng các đơn đặt hàng mà khách hàng yêu cầu. Khi thiết bị hiện đại, chúng ta có đủ điều kiện để sản xuất những sản phẩm thời trang, các sản phẩm đa dạng hơn, nhiều mẫu hơn, đáp ứng được những khách hàng khó tính. Khi các mặt hàng có chất lượng tốt, kiểu dáng hấp dẫn dần dần Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu về sản phẩm dệt may của mình. Đối với các khâu kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn

tất thì trình độ công nghệ hiện đại sẽ trở thành yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của ngành.

Phát triển công nghiệp dệt phải gắn liền với công nghiệp may nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu các doanh nghiệp may, giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, tạo điều kiện cung cấp vải sợi ổn định, chủ động cho may hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng ngân sách quốc gia và tăng tích luỹ để tiếp tục tái đầu tư cho công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành may.

Xu thế hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trên thế giới đang chuyển đến sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn do vậy cần chú ý để tiếp nhận tốt sự chuyển dịch này. Chúng ta cần tăng cường mối liên kết hợp tác với các tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn trên thế giới nhằm ổn định khách hàng và từng bước tham gia vào các chuỗi liên kết của họ. Sự liên kết này còn nằm trong chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cùng hệ thống các nhà tiêu thụ sản phẩm. Hướng phát triển của ngành cần được chuyên môn hóa và hợp tác hóa nên do vậy cần đầu tư ngay vào công nghệ mới để tạo bước nhảy vọt về chất lượng và mang lại giá trị gia tăng.

Đối với các dự án các nhà đầu tư trong nước, cần phải cân nhắc kỹ càng trong việc lựa chọn công nghệ. Tập đoàn dệt may Việt Nam cần tư vấn, hỗ trợ về thông tin các nguồn cung cấp công nghệ, các thế hệ công nghệ giúp các nhà đầu tư tránh được việc nhập khẩu các công nghệ đã lạc hậu, công nghệ thải hồi của các nước, nhất là các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Trung Quốc…Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thanh khoản hợp đồng gia công, triển khai quản lý rủi ro luồng hàng hóa, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp… giúp các doanh nghiệp may có thể tối ưu hóa sản xuất, cắt giảm chi phí… Doanh nghiệp có thể quản lý thông tin sản phẩm, quản lý nhà cung cấp, quản lý đơn vị sản xuất, quản lý các đơn vị gia công và thầu phụ, quản lý nhà tiêu thụ và phân phối lẻ, quản lý thương hiệu một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm – may. Bao gồm hạ tầng cơ sở đường xá, thoát nước, xây dựng khu nhà ở cho công nhân viên, đặc biệt chú ý đến vấn đề xử lý nước thải, đây là vấn đề rất quan trọng

đối với các cơ sở in nhuộm, hoàn tất. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dệt nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để giúp dệt Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại thế giới.

Một phần của tài liệu Tiểu luận quan hệ kinh tế quốc tế HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY TRONG NƯỚC (Trang 42 - 44)