Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, tất yếu cần phải thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đất nước. Trong quá trình đó, ở mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mỗi
thành phần kinh tế phải có những hình thức, những bước đi thích hợp. Sự ra đời của các hình thức kinh tế hợp tác chính là cầu nối trung gian để đưa những người tiểu nông, những người sản xuất hàng hóa nhỏ lên sản xuất lớn XHCN.
Sự hình thành và phát triển HTX là một tất yếu khách quan, do đó muốn phát huy vai trò của HTX phải trên cơ sở vận dụng các quy luật kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng nơi. Các hình thức kinh tế hợp tác và HTX với các quan hệ sở hữu, quản lý, phân phối đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của sự hợp tác, từ yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất để có hình thức hợp tác thích hợp.
Tuy là một khu vực kinh tế rộng lớn, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội nhưng hiện tại các HTX mới chỉ là nơi tập hợp các nhóm dân, hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, những người thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Chính vì thế, các HTX hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng, trong đó có phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, để cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh té quốc dân. Thành phố Hà Nội đã quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ tình hình, đặc điểm của địa phương, đề ra những giải pháp cụ thể để không ngừng phát triển các hình thức kinh tế hợp tác và HTX. Nhất là khi hiện nay, Hà Nội vừa mới được mở rộng thêm một số tỉnh, huyện sát nhập làm cho quy mô về số lượng, các loại hình HTX trên địa bàn Hà Hội ngày càng đa dạng, phong phú, tuy nhiên cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với loại hình HTX nông nghiệp.
Hà Nội hiện có 1.587 HTX, trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%. Nhiều HTX nông nghiệp đã mở rộng hoạt động theo hướng kinh doanh dịch vụ tổng hợp như: dịch vụ nước sạch, dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề. Trước tác động của cơ chế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực, nhiều HTX nông nghiệp đã liên kết với ngành Điện và Cty khai thác thủy nông làm dịch vụ cho nông dân, ký hợp đồng với doanh nghiệp Nhà nước hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, rau sạch. Một số mô hình tổ chức hợp tác liên kết đã xuất hiện, như Hội Gốm sứ Bát Tràng, Hội Nhựa, Hội Da giày Hà Nội... Điển hình là Liên hiệp HTX Thương mại Hà Nội từ năm 2002 đến nay đã khai trương 4 siêu thị tại Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và đang đầu tư xây dựng 6,5 ha trong khu công nghệ cao tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.Tuy nhiên, hiện tại còn rất nhiều HTX nông nghiệp không có mặt bằng để tổ chức sản xuất, kinh doanh; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngoài một số HTX truyền thống có quy mô khá, làm ăn hiệu quả, còn hầu hết các HTX nông nghiệp rất khó khăn, kết quả hoạt động thấp.
Liên minh HTX thành phố đã tư vấn lập 22 dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ cho 22 HTX, doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng; hướng dẫn các đơn vị đã có dự án đầu tư tiếp cận vay vốn tín dụng... Liên minh HTX còn triển khai và phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, như: “Nghiên cứu biện pháp khôi phục và xây dựng một số làng nghề thủ công truyền thống”, “Nghiên cứu điều kiện, giải pháp thực hiện bảo hiểm xã hội cho xã viên, lao động HTX phi nông nghiệp”,
“Nghiên cứu, xây dựng thí điểm Quỹ Bảo lãnh tín dụng hỗ trợ HTX và cơ sở sản xuất làng nghề”, “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhuộm đồng cho các sản phẩm thủ công mỹ nhệ bằng đồng”, “Bảo tồn nghề làm giấy sắc phong - làng Nghĩa Đô và bảo tồn nghề làm giấy dó - Bưởi”... Những đề tài nghiên cứu khoa học trên đều được triển khai ứng dụng đạt kết quả cao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, hạn chế, phát triển không đồng đều... Nguyên nhân bên cạnh nhận thức của một bộ phận người dân, cán bộ chính quyền cơ sở về HTX chưa đầy đủ; việc chuyển đổi ở nhiều HTX mang tính hình thức, quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh đạt thấp, lợi ích đem lại cho xã viên chưa cao... thì có một thực tế là hiệnnhững mô hình HTX có đủ năng lực đầu tư phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bảo quản, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí có một số HTX (cũ) tồn tại một cách hình thức
Để đạt mục tiêu đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém còn tồn tại, trong đó HTX làm nòng cốt, thành phố xác định phương hướng gắn liền việc đổi mới, phát triển kinh tế với tiến trình phát triển kinh tế nhiều thành phần và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Mở rộng, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, HTX ở làng nghề, vùng nghề hiện có và trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn có điều kiện với quy mô, trình độ khác nhau, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Lành mạnh hóa tình hình tài chính của HTX, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho xã viên, xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng cũ. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý, đổi mới tổ chức theo các nội dung mới mà Nghị quyết số 13- NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng (khóa IX) đề ra, đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết; xây dựng, phát triển các liên hiệp HTX sản xuất -
dịch vụ theo ngành, lĩnh vực; giải thể những HTX không còn hoạt động từ lâu và không có khả năng củng cố, duy trì hoạt động. .
Thành phố phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN khu vực HTX đến năm 2010, hằng năm tăng từ 12-15%, doanh số bán hàng và dịch vụ khác tăng từ 20-30%; giá trị dịch vụ của HTX nông nghiệp tăng từ 3-4%; phát triển nhân rộng các mô hình HTX điển hình, tiên tiến, xây dựng một số mô hình mới góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở, y tế... của thành phố.
Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của các HTX, bằng những giải pháp nêu trên, nhất định trong thời gian tới, HTX ở Hà Nội sẽ phát huy được những thành tựu đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn thử thách và có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của Thủ đô, xúng đáng là Trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước./.