Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về công tác chuyển đổi HTX theo Luật 1996. Tính đến 31/12/2000, Hà Nội có 535 HTX đã chuyển đổi theo Luật bao gồm cả HTX chuyển nguyên HTX sang và các HTX cũ chuyển đổi tách ra.
- Tình hình chuyển đổi các HTX nông nghiệp.
Đến năm 2001 có 211 HTX nông nghiệp trong tổng số 248 HTX chiếm 85,1% số HTX đủ điều kiện chuyển đổi đã chuyển đổi xong 100%. Các HTX nông nghiệp chuyển đổi theo 3 hình thức sau:
+ Giữ nguyên địa bàn, các loại hình dịch vụ và đăng ký lại xã viên để chuyển sang HTX mới. Hình thức chuyển đổi này được đại đa số các HTX nông nghiệp ở Hà Nội áp dụng.
+ HTX cũ tách ra thành các HTX theo địa bàn nhỏ hơn (HTX toàn xã tách ra thành HTX liên thôn, hoặc HTX 1 thôn). Hoặc HTX cũ hợp nhất theo địa bàn lớn hơn. (Một số HTX phạm vi thôn, liên thôn hợp nhất thành HTX liên thôn, HTX toàn xã) và đăng ký lại xã viên.
+ HTX cũ tách ra thành một số HTX mới trên cơ sở chuyên môn hóa một hoặc một số khâu dịch vụ và đăng ký lại xã viên.
Nhìn chung, các HTX nông nghiệp chuyển đổi đã thực hiện đúng theo các quy định của Luật HTX và Nghị định 16/CP của Chính phủ. Tuy vậy, do đặc thù của HTX nông nghiệp ở Hà Nội có nguồn tài sản vốn quỹ được hình thành từ nhiều năm, lại do một thời gian dài trước chuyển đổi quản lý lỏng lẻo, không xác định được rõ danh sách xã viên nên việc phân chia quyền lợi cho xã viên cũ tham gia HTX mới gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc chuyển một phần tài sản của HTX cũ dùng chung cho cộng đồng dân cư (trạm điện, kênh mương…) cho chính quyền xã quản lý theo quy định của Nghị định 16/CP, phần tài sản vốn quỹ còn lại được giao cho HTX mới quản lý hoặc
tính thành tài sản của HTX mới, điều này gây thắc mắc cho một số xã viên cũ ở những nơi mà xã viên HTX mới chỉ là một số ít người hoặc đại diện một số ít hộ trên địa bàn hoạt động của HTX cũ. Cá biệt có một số HTX vẫn trích một phần vốn quỹ của HTX cũ chia làm vốn góp của xã viên khi tham gia HTX mới nhưng quy định không được rút vốn ra, không trả khi xã viên không tiếp tục tham gia HTX.
Mức vốn góp theo điều lệ của một xã viên HTX nông nghiệp chuyển đổi theo quy định rất thấp, đa số các HTX chỉ từ 20.000đ đến 50.000đ. Nhưng nhiều nơi trên thực tế vẫn không thu được. Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, bình quân tại một HTX Nông nghiệp mới chỉ thu được 25% (10,5 triệu/40 triệu) vốn góp của xã viên theo Điều lệ. Bên cạnh đó, thực tế một số HTX thu đủ vốn góp nhưng chưa có phương án sử dụng vốn có hiệu quả.
- Tình hình chuyển đổi các HTX phi nông nghiệp.
Trong số 366 HTX phi nông nghiệp của thành phố thời điểm cuối năm 1996 có 240 HTX đủ điều kiện chuyển đổi đã chuyển đổi xong 100%. Trong 240 HTX này có 180 HTX tiểu thủ công nghiệp; 11 HTX xây dựng, 22 HTX vận tải, 16 HTX thương mại dịch vụ; 9 quỹ tín dụng nhân dân và 2 HTX làm dịch vụ văn hóa.
Tại các HTX phi nông nghiệp sau chuyển đổi, tài sản, vốn, quỹ, lao động được xác định rõ rang, các HTX đều có Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh mới và thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đổi con dấu mới theo quy định. Nhiều HTX sau chuyển đổi đã thu hút thêm lao động, tăng thêm vốn góp của xã viên, nên số vốn góp của các HTX phi nông nghiệp tăng từ 1,5 đến 2 lần.
Đến năm 2001, trên địa bàn hiện còn 70 HTX chưa chuyển đổi và chờ giải thể, chiếm tỷ lệ 9,62% tổng số HTX. Trong đó có 32 HTX nông nghiệp, chiếm 45,7% trong tổng số các HTX chưa chuyển đổi. Có 25/32 HTX nông nghiệp nội thành chưa chuyển đổi tập trung ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Các HTX nông nghiệp chưa chuyển đổi hoặc giải thể chủ yếu còn vướng mắc về đất đai, quyền lợi của xã viên hoặc phương án sản xuất kinh doanh mới. Một số HTX nông nghiệp ngoại thành chưa chuyển đổi được như Sở Thượng, Cổ điển A (huyện Thanh Trì)… Ngoài những vướng mắc về đất đai còn vì không phân định tài sản và vướng mắc tài chính nên chưa chuyển đổi và giải thể được.
Các HTX phi nông nghiệp chưa chuyển đổi được của Hà Nội là 38 HTX. Phần lớn các HTX này chỉ có tên trong danh sách, trên thực tế đã ngừng hạt động, nhà xưởng đã chuyển nhượng, máy móc, thiết bị và tài sản đã tự thanh lý, xã viên tự giải tán đi làm ở nơi khác. Số ít các HTX khác hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động, đa số xã viên yêu cầu giải thể nhưng HTX chưa giải thể được vì nhữngvướng mắc trong phân chia tài sản, giải quyết chính sách đối với những xã viên đã làm việc lâu năm.
- Tình hình thành lập mới các HTX.
Sau 5 năm thực hiện Luật HTX (1996 – 2001), số HTX được thành lập mới trên địa bàn Hà Nội là 123 HTX, chiếm 16,9% trong tổng số HTX hiện có của Hà Nội. Trong số các HTX mới thành lập có 12 HTX nông nghiệp bao gồm HTX nuôi trồng thủy sản, dịch vụ điện và chế biến tiêu thụ nông sản…
Trong số các HTX phi nông nghiệp thành lập mới thì nhiều nhất là HTX tiểu thủ công nghiệp có 66 HTX chiếm 59,5% trong tổng số HTX phi nông nghiệp thành lập mới và 53,66% trong tổng số HTX thành lập mới trên
địa bàn. Ngoài ra có 3 HTX thương mại – dịch vụ, 6 HTX xây dựng, 3 HTX vận tải, 1 quỹ tín dụng nhân dân và 3 HTX khác được thành lập mới.