Nội dung quan hệ lao động

Một phần của tài liệu Bài giảng môn quản trị nhân lực phần 2 PGS TS nguyễn thị minh an (Trang 80 - 81)

Nội dung quan hệ lao động là toàn bộ các mối quan hệ qua lại giữa các bên tham gia quan hệ lao động. Tùy theo các cách tiếp cận có thể phân chia các nội dung của quan hệ lao động theo các nhóm khác nhau:

a. Phân loại theo trình tự thời gian hình thành và kết thúc của một quan hệ lao động Theo cách phân loại này, các quan hệ lao động gồm có:

- Các quan hệ lao động thuộc thời kỳ tiền quan hệ lao động như học nghề, tìm việc làm, thử việc… Đó là các mối quan hệ lao động trước khi tiến tới quan hệ chính thức giữa các bên tham gia quan hệ lao động - là những mối quan hệ mang tính điều kiện, nó diễn ra trong quá trình tuyển lao động.

- Các mối quan hệ lao động trong quá trình lao động tức là quan hệ từ khi hợp đồng có hiệu lực cho đến khi kết thúc. Đây là giai đoạn cơ bản nhất của mọi quan hệ lao động. Đó là những quan hệ lợi ích vật chất, quan hệ liên quan đến an toàn và bảo vệ sức khoẻ của người lao động, liên quan đến chất lượng chuyên môn tay nghề, đến thời gian làm việc, số lượng,

chất lượng công việc, liên quan đến cung cấp việc làm, kỷ luật lao động, liên quan đến bảo hiểm xã hội, tới chấm dứt quan hệ lao động trước thời hạn, liên quan đến tự do nghiệp đoàn, tự do đình công.

- Các quan hệ thuộc hậu quan hệ lao động tức là các quan hệ còn tiếp tục phải giải quyết giữa người sử dụng lao động với người lao động mặc dù hợp đồng đã kết thúc. Đó là những quan hệ xử lý các vấn đề khi chấm dứt hợp đồng lao động giữa các bên mà nghĩa vụ và quyền lợi vẫn còn tiếp tục đặc biệt là nghĩa vụ của người chủ sử dụng đối với người lao động.

b. Phân loại theo quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động

Theo cách phân loại này quan hệ lao động gồm có:

Các quan hệ liên quan đến quyền lợi của người lao động như:

- Các quan hệ về quyền lợi vật chất: quy chế về tiền lương, tiền thưởng, hưu trí… - Các quan hệ liên quan đến quyền được nghỉ ngơi, bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động.

- Các quan hệ liên quan đến quyền lợi về hoạt động chính trị - xã hội: quyền được tham gia công đoàn, nghiệp đoàn, được đình công…

Các quan hệ liên quan đến nghĩa vụ của người lao động: nghĩa vụ chấp hành nội quy kỷ luật lao động, phải đóng bảo hiểm xã hội (theo quy định) và một số nghĩa vụ khác.

Với cách tiếp cận này, ứng với mỗi quyền của người lao động là một nghĩa vụ của người sử dụng lao động hoặc của Nhà nước và xã hội nói chung.

Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định nội dung của quan hệ lao động chủ yếu là:

- Những vấn đề tiền lương, tiền thưởng và phân phối lợi nhuận (chương 4, 5, 6).

- Những vấn đề về điều kiện lao động, thời gian lao động và nghỉ ngơi (chương 2, 7, 9, 10).

- Những vấn đề về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe (chương 9, 12).

- Vấn đề tham gia các hoạt động chính trị, gia nhập công đoàn, nghiệp đoàn của người lao động (chương 13).

- Tranh chấp lao động và đình công (chương 14).

Một phần của tài liệu Bài giảng môn quản trị nhân lực phần 2 PGS TS nguyễn thị minh an (Trang 80 - 81)