Không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, nhà trường và giáo dục học đường vẫn luôn là một trong những nhân tố định hướng quan trọng đối với quá trình phát triển nhân cách, hội nhập xã hội và định hướng lối sống cho thanh niên.
Điều này xuất phát từ những lí do hiển nhiên được tất cả mọi người thừa nhận là:
Thứ nhất, thời gian đi học trong đời người chiếm một phần lớn độ tuổi
thanh niên. Chính vì vậy, những gì diễn ra trong nhà trường (dù tốt hay không tốt), trước và trong tuổi thanh niên đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của họ trong tuổi thanh niên.
Thứ hai, tại nhà trường và nhờ giáo dục học đường mà thanh niên trưởng
thành cả về mặt nhận thức và hoàn thiện dần về nhân cách. Tri thức về tự nhiên và xã hội, các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống, những bài học về đạo đức, pháp luật, tôn giáo, chính trị, và văn hóa.v.v. mà con người tiếp thu được tại nhà trường và thông qua giáo dục học đường không chỉ là hành trang bước vào đời mà thực sự là những yếu tố góp phần tạo nên nội dung nhân cách cho mỗi con người trong tuổi thanh niên và trong suốt cuộc đời.
Thứ ba, nhà trường chính là một môi trường xã hội đặc biệt, trong đó diễn ra nhiều tương tác xã hội đặc thù mà thanh niên chính là chủ thể trung tâm. Hai mối quan hệ xã hội đặc biệt trong nhà trường đó là mối quan hệ thầy trò và mối quan hệ giữa học sinh hay sinh viên với nhau. Thông qua hai mối quan hệ quan trọng này mà nội dung giáo dục được thực hiện, tác động hàng ngày lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng lối sống của thanh
niên, đồng thời để lại dấu ấn đối với con người trong suốt cuộc đời sau tuổi thanh niên.
Đặc điểm trước tiên phải nói đến trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay đó là vấn đề áp lực học tập đối với thanh niên. Đây là một trong những lí do chủ yếu, được cho là có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến đời sống tâm lí và định hướng lối sống của số thanh niên đi học. Hiện nay với chương trình học tập quá tải và áp lực khi mọi con đường giáo dục đều hướng đến cổng trường đại học đã làm cho phần đông thanh niên rơi vào trạng thái bi quan, chán nản. Ngoài ra, những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như bệnh thành tích, gian lận trong thi cử cũng có tác động tiêu cực đến việc định hướng lối sống cho giới trẻ nước ta.
Bên cạnh những khuyết tật của chương trình giáo dục, nội dung một số môn học như giáo dục công dân, đạo đức ở phổ thông hay môn học lý luận chính trị Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã mất dần tính hấp dẫn và ít có tác động tới bản thân thanh niên và chưa được chú trọng đúng mức.
Những vấn đề này cần được khắc phục để làm cho nhà trường và giáo dục học đường trở thành môi trường tốt nhất định hướng lối sống cho thanh niên Việt Nam.