Nhóm giải pháp liên quan đến gia đình, nhà trường và xã hộ

Một phần của tài liệu Toàn cầu hoá và tác động của nó đến lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 57 - 60)

Gia đình, nhà trường, xã hội là những yếu tố liên quan trực tiếp đến việc giáo dục nhân cách và định hướng lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay. Vì vậy, đây là những địa chỉ hướng tới đầu tiên của tất cả các giải pháp thực tiễn nhằm xây dựng lối sống cho thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhóm giải pháp này bao gồm một số giải pháp sau:

* Cần có các thiết chế hỗ trợ gia đình và giáo dục gia đình.

Gia đình và giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, lối sống cho thanh niên. Vì vậy, đây là một trong những yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Việc lập ra các thiết chế có chức năng và điều kiện hỗ trợ giáo dục gia đình là điều cần thiết.

Điều này được thể hiện thông qua việc các luật về gia đình và các quy định pháp lí phải chế định rõ nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội có

nghĩa vụ, điều kiện như thế nào để cha mẹ, ông bà hoàn thành được nghĩa vụ, đảm đương được trách nhiệm giáo dục con cháu trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, “sự lạc hậu tương đối” giữa các thế hệ đi trước (anh chị, cha mẹ, ông bà) so với các thế hệ trẻ ngày càng trở nên “một tất yếu khách quan” có tính phổ biến. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, xã hội và các cơ quan hữu trách, thì các bậc ông bà, cha mẹ không có đủ phương tiện vật chất, tri thức và kỹ năng thực hiện tốt chức năng giáo dục của mình. Khi giáo dục gia đình không được thực hiện tốt thì thanh niên rất dễ bị các khủng hoảng tâm lý, sa đà vào các lối sống tiêu cực. Vì vậy, giáo dục gia đình cần nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các đoàn thể, các cơ quan tư vấn và cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó cần có những chính sách và hoạt động tôn vinh các gia đình, họ tộc, địa phương tổ chức tốt giáo dục gia đình với thế hệ trẻ.

* Cần xác định lại chiến lược, quy hoạch lại tổng thể nền giáo dục để giảm áp lực học đường đối với thanh niên nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Áp lực học đường quá lớn chính là nguyên nhân bóp nghẹt môi trường giáo dục ở nước ta, tạo ra hiệu ứng xã hội tiêu cực và góp phần nảy sinh những hiện tượng và những xu hướng lối sống tiêu cực trong thanh niên học sinh hiện nay. Do vậy, một trong những mục tiêu chiến lược của những cuộc cải cách giáo dục ở nước ta trong thời gian qua là phải tìm cách giảm áp lực học đường đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Để đạt được mục tiêu nói trên, đầu tiên là phải nghiên cứu, quy hoạch lại toàn bộ nền giáo dục quốc dân Việt Nam. Loại bỏ tình trạng tất cả các loại hình giáo dục phổ thông đều hướng tới cổng trường đại học như hiện nay, thay vào đó là mở rộng hơn cơ hội để nhiều thanh niên được theo học ở các bậc trung học phổ thông, dạy nghề và các hình thức giáo dục chuyên nghiệp khác. Nhờ đó để thanh niên có thể tiếp tục học tập suốt đời, tự chuẩn bị và định đoạt tương lai của chính bản thân mình.

Bên cạnh đó cũng cần phải quy hoạch và tổ chức lại giáo dục chuyên nghiệp ở nước nhà. Quan trọng hơn là trong những thập kỷ tới cần phải mở rộng quy mô giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề, trung học và cao đẳng.

Cùng với việc quy hoạch nền giáo dục Việt Nam cần có những nghiên cứu để đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục - đào tạo, tránh gò ép, áp đặt nhiều môn học, nhiều kiến thức không thực sự cần thiết hoặc quá xa vời cuộc sống. Mặt khác, cần phải đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục các môn học giáo dục đạo đức, giáo dục công dân và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên hiện nay.

Một trong những giải pháp góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, vừa góp phần giảm thiểu áp lực học đườnglà phải đổi mới cách thức tổ chức thi cử, đánh giá.

Những giải pháp này góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, toàn diện, tác động tốt tới quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của thanh niên.

* Phải thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, đảm bảo sự phối hợp tốt hơn nữ giữa gia đình, nhà trường, nhà nước và toàn xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Trong những năm gần đây, giáo dục và đào tạo đã thực sự trở thành “vật hiến tế” của giới truyền thông đại chúng Việt Nam. Họ khai thác triệt để các mặt tiêu cực và khiếm khuyết của giáo dục Việt Nam.

Vì vậy, Đảng và nhà nước phải thực sự coi giáo dục và đòa tạo là quốc sách hàng đầu, thực sự đi vào cuộc sống. Cần phải yêu cầu tất cả các bộ ngành, các địa phương, các tổng công ty, các tập đoàn lớn và các tổ chức đoàn thể, … công bố, công khai chương trình hành động vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo của mình.

Trên cơ sở đó thể chế hóa trách nhiệm của từng bộ phận, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn, công ty, các cấp chính quyền và mỗi gia đình đối với công tác giáo dục - đào tạo. Trong đó đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên học tập được đào tạo trong môi trường giáo dục toàn diện cả về nhân cách, lối sống.

Như vậy,cần có sự kết hợp giáo dục chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành nhân cách, lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Toàn cầu hoá và tác động của nó đến lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 57 - 60)