KTĐL ở Việt Nam
Để duy trì và cải thiện tính chuyên nghiệp của KTV và các CTKT độc lập ở Việt Nam, chúng em kiến nghị một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Về phía các CTKT
Một là, Không ngừng nâng cao trình độ và năng lực hành nghề của KTV, thông qua các chính sách về tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo, khen thưởng, xử phạt. Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn cho từng cấp bậc, chức danh và tạo cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho các nhân viên là cách thức hiệu quả để tăng động lực khuyến khích các KTV không ngừng nâng cao khả năng chuyên môn. Hơn nữa, để góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng cho các nhân viên, các CTKT cần tiến hành đánh kết quả công tác và định kỳ thông báo cho họ triển vọng và cơ hội thăng tiến của từng cá nhân.
Hai là, Cần tăng cường trao đổi, chia sẻ giữa các CTKT về chuyên môn và các vấn đề đào tạo, hợp tác kiểm toán, trong việc thiết kế các quy trình kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán và thiết kế bộ máy tổ chức thực hiện chuyên trách nhiệm vụ này. Đồng thời, CTKT phải kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty một cách thường xuyên.
Ba là, Công việc kiểm toán phải được hướng dẫn và giám sát thực hiện đầy đủ ở tất cả các cấp nhân viên. Đối với mỗi cuộc kiểm toán, cơ cấu, thành phần nhóm kiểm toán luôn được xác định cụ thể, phù hợp với đối tượng kiểm toán và yêu cầu pháp lý của cuộc kiểm toán, gồm: Giám đốc, chủ nhiệm kiểm toán, giám sát kiểm toán, KTV chính và các trợ lý kiểm toán. Cấp độ giám sát kiểm toán sẽ tăng dần lên theo phạm vi của đối tượng và tính chất pháp lý của cuộc kiểm toán. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định trong việc soát xét công việc kiểm toán của công ty trong từng nhóm kiểm toán, việc giám sát có thể do các KTV trong các nhóm kiểm toán khác thực hiện.
Bốn là, Luôn xem xét về tính tuân thủ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên của mình. Việc theo dõi, kiểm tra sự tuân thủ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp bao gồm kiểm tra tính độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, bí mật, tư cách, đạo đức nghề nghiệp. Các CTKT có thể yêu cầu cán bộ công nhân viên chuyên nghiệp nộp bản giải trình về tính độc lập đối với khách hàng, phân công người có đủ thẩm quyền kiểm tra tính độc lập của các nhân viên. Có biện pháp kịp thời phát hiện và ngăn chặn mối quan hệ lợi ích vi phạm tính độc lập khách quan trong hoạt động kiểm toán. Trong quá trình đào tạo và hướng dẫn thực hiện, các CTKT cần nhấn mạnh và đưa ra những đòi hỏi cụ thể về tính độc lập và tư cách nghề nghiệp của KTV.
Năm là, các CTKT cần phải xây dựng cho mình một chương trình kiểm toán riêng, điều đó sẽ tạo điều kiện nâng cao uy tín chuyên môn của công ty, xây dựng và áp dụng một hệ thống kiểm soát chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và có thể cạnh tranh có hiệu quả tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài
Thứ hai, Về phía các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán
Một là, Các cơ sở đào tạo kiểm toán cần đổi mới chương trình, nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo kiểm toán ở mọi trình độ, mọi cấp độ. Trong quá trình đào tạo, nên chú trọng đến chuyên đề về đạo đức
nghề nghiệp cho các học viên, tăng cơ hội cho học viên tiếp cận thực tế. Tổ chức các chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở có uy tín của nước ngoài.
Hai là, Xây dựng lộ trình tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới. Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) đã và đang tiến hành làm việc với những cơ sở đào đạo nhằm hướng tới đưa những chương trình đào tạo kế toán - kiểm toán chuẩn quốc tế vào các trường. Vì thực tế hiện nay khi xem xét kết quả đào tạo trong các cơ sở đào tạo thì việc miễn các môn thi theo chương trình của ACCA, CAT... là không có. Như vậy, người học của chúng ta rất thiệt thòi cho nên cần thiết và cấp bách các cơ sở đào tạo phải đặt mục tiêu và thái độ sẵn sàng hơn nữa trong việc tiếp cận các chương trình tiến tiến trong khu vực nói riêng, trên thế giới nói chung để dần các bằng cấp này sẽ được thừa nhận rộng rãi.
Ba là, Việc đào tạo cần có sự kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, Hiệp hội nghề nghiệp, CTKT trong và ngoài nước, BTC để tiến hành đào tạo, tổ chức thực tập, thi tuyển KTV độc lập một cách có hiệu quả.
Bốn là, Tăng cường giao lưu 2 chiều giữa giảng viên và sinh viên với các đơn vị thực tế như: Tổ chức cho giảng viên và sinh viên đi khảo sát tại các doanh nghiệp, các CTKT; mời báo cáo viên của vụ Chế độ kế toán, kiểm toán BTC, Kế toán trưởng các đơn vị, KTV tại các CTKT, cán bộ của trung tâm đào tạo và tư vấn kế toán, kiểm toán, Hội kế toán viên công chứng ACCA ... về tập huấn chuẩn mực, chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo kinh nghiệm thực tiễn, tham gia giảng dạy thực hành, tham gia viết giáo trình ...
Năm là, Một giải pháp quan trọng mà chúng em đang mong muốn được thực hiện đó là bổ sung những giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn và trình độ ngoại ngữ tốt vào đội ngũ giảng dạy ở các trường đại học, các trung tâm đào tạo. Đồng thời tạo điều kiện giúp các giảng viên hiện tại nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức thực tiễn.
Một là, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật KTĐL để phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động kiểm toán, có biện pháp thúc đẩy việc thực hiện quy chế về kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán và thực hiện các biện pháp quản lý kiểm toán. Nhanh chóng bổ sung, sửa đổi hệ thống CMKT Việt Nam cho phù hợp với sự thay đổi của CMKT quốc tế.
Hai là, Rà soát và bổ sung những quy định pháp lý về tài chính, kế toán và kiểm toán, về hành nghề kiểm toán nhằm đảm bảo một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho kiểm toán trong nền kinh tế thị trường phù hợp với Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực quốc tế về kế toán và kiểm toán. Tăng cường các chế tài xử phạt hành vi vi phạm đạo đức hành nghề của KTV.
Ba là, Cơ quan quản lý Nhà nước cần chuẩn bị tốt lực lượng, cơ chế, điều kiện vật chất để tiếp nhận sự chuyển giao cho Hiệp hội nghề nghiệp nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, đánh giá và kiểm soát chất lượng hành nghề của các công ty, của các KTV. Việc nghiên cứu, soạn thảo CMKT chủ yếu là hướng dẫn cho các KTV hành nghề thực hiện các thủ tục và kỹ thuật kiểm toán nhằm kiểm tra và đánh giá các thông tin một cách trung thực và khách quan. Do vậy hơn ai hết với VACPA, các hội viên là những người thực sự hành nghề sẽ có thuận lợi hơn trong việc nghiện cứu, soạn thảo và cập nhật các chuẩn mực nghề nghiệp (có thể huy động được nhiều người tham gia, có khả năng sử dụng ngoại ngữ trực tiếp, có hiểu biết và kinh nghiệm thực tế thành thạo ...).
Bốn là, VACPA phải thường xuyên hỗ trợ cập nhật kiến thức chuyên môn và các kiến thức pháp luật cho các Hội viên của mình thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề, kết hợp với BTC tổ chức các đợt cập nhật kiến thức hàng năm giúp các Hội viên có đủ năng lực về chuyên môn và đạo đức hành nghề nhằm tránh được các sai phạm đạo đức. Đối với những KTV có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp là Hội viên của VACPA, VACPA cần phải xem
xét và phân tích hành vi vi phạm đạo đức của Hội viên đó nặng hay nhẹ, đồng thời kết hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý cương quyết.
Năm là, Có thể tham khảo một số mô hình của nước ngoài để thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như xét xử các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một hệ thống đầy đủ phải bao gồm tổ chức và quy chế, trong đó, tổ chức phải có khả năng hướng dẫn, giám sát, thu thập thông tin phản hồi và hoàn thiện các quy định như là:
- Thành lập Uỷ ban Kiểm soát chất lượng: Thông thường, việc giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp được tiến hành đồng thời với kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động KTĐL đã trở thành bắt buộc tại nhiều nước phát triển. Tại Hoa Kỳ, việc kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán được thực hiện thông qua cách thức kiểm tra chéo giữa (các CTKT) kể từ thập niên 1960. Các CTKT được tự nguyện chọn các công ty khác để kiểm tra cho công ty mình theo định kỳ 3 năm một lần. Đây là yêu cầu bắt buộc và được xem như là một phần trong chương trình tự kiểm soát của nghề nghiệp theo quy định của Hiệp hội kế toán viên công chứng Mỹ (AICPA).
- Thành lập Uỷ ban Kỷ luật: Đối với Hoa Kỳ, Uỷ ban Kỷ luật này trực thuộc Uỷ ban Đạo đức nghề nghiệp, tức thuộc hội nghề nghiệp. Còn ở Pháp, Uỷ ban Phụ trách kỷ luật trực thuộc Uỷ ban Kiểm toán cấp cao. Do BTC đã giao cho VACPA việc hướng dẫn và kiểm tra thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề, vì thế, Uỷ ban kỷ luật nên trực thuộc VACPA. Uỷ ban này sẽ có trách nhiệm điều tra về bất cứ trường hợp nào được cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
- Thành lập Ban đạo đức nghề nghiệp để hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp và đưa ra những hướng dẫn chi tiết. Việc ban hành và giám sát không nên giao phó cho các cơ quan nhà nước mà nên giao cho hội nghề nghiệp đảm nhận. Nhưng trong giai đoạn đầu, Uỷ ban này nên là bộ phận tư vấn cho BTC để hiệu đính chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khi hội nghề
nghiệp đủ mạnh, sẽ đảm nhận vai trò cập nhật, sửa đổi các quy định đạo đức nghề nghiệp và lúc đó, Uỷ ban này sẽ trực thuộc Hội.
Sáu là, vấn đề giá phí hiện nay. Một trong những bất cập được nêu ra trong báo cáo tổng kết sau đợt kiểm tra định kỳ năm 2008 tại một số CTKT được VACPA đưa ra đó là tình trạng hạ phí kiểm toán. Theo VACPA, với mức phí bình quân 30 - 40 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán và doanh số bình quân dưới 150 triệu đồng/người/năm tại một số CTKT như vừa qua là thấp. Điều này dẫn đến việc các CTKT khó có thể đáp ứng đầy đủ tất cả các quy trình của kiểm toán theo quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán. Bởi vậy Nhà nước cần phải tìm biện pháp ngăn chặn sự cạnh tranh về giá phí. BTC nên ngồi lại với các CTKT để có thể đưa ra quyết định quy định mức sàn phí kiểm toán hợp lý.
Bảy là, Các cơ quan quản lý chức năng và Hiệp Hiệp hội nghề nghiệp tăng cường kiểm tra việc tuân thủ luật pháp và các quy định pháp lý. Đồng thời có biện pháp khuyến khích các CTKT đã tuân thủ tốt (tuyên dương, công bố danh sách công khai …) và có biện pháp xử lý thích đáng với các CTKT còn vi phạm. Điều đó giúp các CTKT xác định rõ hơn trách nhiệm đối với việc tuân thủ CMKT.
Kết luận
Thế kỷ 21 là một thế kỷ của hội nhập quốc tế về kinh tế về thương mại, đầu tư tài chính. Sự hội nhập tạo thành một thì trường chung quốc tế nó không còn chỉ mang tính quốc gia. Việt Nam đang chủ động và tích cực vận động để tham gia vào tiến trình này. Hệ thống ngành kiểm toán Việt Nam còn non trẻ, mới được hình thành còn có nhiều khó khăn, song nó cũng kế thừa được những kinh nghiệm của các nước có ngành kiểm toán phát triển. Với một hệ thống chuẩn mực đang được hình thành dựa trên những lý luận chung của kiểm toán quốc tế đó là cơ hội thuận lợi tiến tới quá trình hội nhập.
Qua quá trình nghiên cứu, chúng em nhận thấy tính chuyên nghiệp của kiểm toán độc lập ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập, nguyên nhân khách quan có, nguyên nhân chủ quan cũng có. Tuy nhiên chặng đường 17 năm qua, kiểm toán độc lập ở nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc và ngày càng thể hiện mình thực sự là “vị quan tòa công minh của quá khứ, người dẫn dắt hiện tại và là nhà cố vấn sáng suốt của tương lai”.
Chúng em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy giáo hướng dẫn Tiến sĩ Phan Trung Kiên đã nhiệt tình giúp đỡ chúng em hoàn thành bài nghiên cứu này.
Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2009
Sinh viên
Nguyễn Tự Hành - Kiểm toán 48A Phạm Thị Hà - Kế toán 48D
Nguyễn Thị Diệu Huyền - Kế toán 48C Nguyễn Thị Liên - Kế toán 48C
Tài liệu tham khảo
- Giáo trình Lý thuyết Kiểm toán - Trường ĐH Kinh tế quốc dân - NXB Tài chính, năm 2008.
- Giáo trình Kiểm toán tài chính - Trường ĐH Kinh tế quốc dân - NXB Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2006.
- Trang tin điện tử Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam: www.vacpa.org.vn.
- Trang tin điện tử Hội kế toán, kiểm toán: www.vaa.vn.
- Trang tin điện tử Kiểm toán Việt Nam: www.kiemtoan.com.vn. - Trang tin điện tử của Bộ Tài Chính: www.mof.gov.vn.
- Tạp chí Nghiên cứu Tài Chính - Kế toán số 5, 6, 9, 10 năm 2008. - Tạp chí Nghiên cứu Tài Chính - Kế toán số 7 năm 2007.
- Tạp chí Kiểm toán số 4 (89) tháng 4 năm 2008.