Chính sách phát triển hoạt động KTĐL được Nhà nước rất quan tâm thể hiện ở việc xây dựng khá đầy đủ và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra quy chế hoạt động kiểm toán, ban hành các văn bản pháp quy tạo nhu cầu kiểm toán đối với một số loại doanh nghiệp, quy định một số trường hợp bắt buộc phải kiểm toán… mà quan trọng hơn, còn thể hiện ở chỗ ngày càng có nhiều cơ quan Nhà nước sử dụng kết quả kiểm toán như một công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý.
Thứ nhất, Về trách nhiệm pháp lý của KTV và CTKT: Theo Nghị định của Chính phủ số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 về KTĐL trách nhiệm của KTV hành nghề và CTKT được quy định như sau:
Trước hết là trách nhiệm của KTV hành nghề: (1) Chấp hành các nguyên tắc hoạt động KTĐL, đó là: Tuân thủ pháp luật, chuẩn mực Việt Nam; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả kiểm toán; Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp kiểm toán; Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, lợi ích, và tính trung thực, đúng pháp luật, khách quan của hoạt động KTĐL; Bảo mật thông tin của đơn vị được kiểm toán đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác. (2) Trong quá trình thực hiện dịch vụ, KTV không được can thiệp vào công việc của đơn vị đang được kiểm toán. (3) Ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình. (4) Từ chối làm kiểm toán cho khách hàng nếu xét thấy không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện hoặc khách hàng vi phạm quy định của Nghị định này. (5) Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp. Thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của BTC. (6) KTV hành nghề vi phạm thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ, cấm vĩnh viễn đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của CTKT được quy định như sau: (1) Trực tiếp quản lý hoạt động nghề nghiệp của KTV đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Chịu trách nhiệm dân sự đối với các hoạt động nghề nghiệp do KTV thực hiện liên quan đến doanh nghiệp kiểm toán. (2) Mọi dịch vụ cung cấp cho khách hàng đều phải lập hợp đồng dịch vụ hoặc văn bản cam kết theo quy định của pháp luật về hợp đồng và theo quy định của CMKT. (3) Thực hiện đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng dịch vụ đã ký kết. (4) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng và người sử dụng kết quả kiểm toán và các dịch vụ đã cung cấp. (5) Tự tổ chức kiểm soát chất lượng hoạt động và chịu sự kiểm soát
chất lượng hoạt động kiểm toán của BTC hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.
Thứ hai, Về quy định về hành nghề kiểm toán và tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán: Cũng theo Nghị định của Chính phủ số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 về KTĐL điều kiện hành nghề của KTV và CTKT được quy định như sau:
KTV phải có các tiêu chuẩn sau đây: (1) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật. (2) Có bằng cử nhân chuyên ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng hoặc chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán và thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 4 năm trở lên. (3) Có khả năng sử dụng tiếng nước ngoài thông dụng và sử dụng thành thạo máy vi tính. (4) Có Chứng chỉ KTV do Bộ trưởng BTC cấp. (5) Những người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán, kiểm toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp, được BTC Việt Nam thừa nhận thì phải đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán Việt Nam do BTC tổ chức và được Bộ trưởng BTC cấp Chứng chỉ KTV thì được công nhận là KTV.
Điều kiện thành lập và hoạt động của CTKT: (1) Doanh nghiệp kiểm toán chỉ được thành lập khi có ít nhất 3 KTV có Chứng chỉ hành nghề kiểm toán, trong đó ít nhất có một trong những người quản lý doanh nghiệp kiểm toán phải là KTV có Chứng chỉ hành nghề. (2) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kiểm toán phải thông báo với BTC việc thành lập doanh nghiệp kiểm toán và danh sách KTV đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. (3) Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kiểm toán phải thường xuyên đảm bảo có ít nhất 3 KTV hành nghề. Sau 6 tháng liên tục doanh nghiệp kiểm toán không đảm bảo điều kiện này thì phải ngừng cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Môi trường pháp lý đối với KTĐL chưa được hoàn thiện. Theo quy định, chỉ cần có 3 KTV được cấp chứng chỉ trở lên là có thể thành lập CTKT. Do là ngành dịch vụ có điều kiện đặc thù nên không yêu cầu vốn lớn. Hiện xuất hiện tình trạng mỗi CTKT có 3 KTV, họ cố kết lại thành lập CTKT chỉ nhằm mục đích có tư cách pháp nhân. Dựa trên quan hệ của mình, KTV sẽ tự tìm khách hàng và ký hợp đồng. Như vậy, mỗi báo cáo kiểm toán chỉ do một người thực hiện, mà không có quy trình giám sát rủi ro. KTV có khi đồng thời là giám đốc CTKT ký vào bản báo cáo đó. Như vậy, sẽ mất đi tính khách quan, trung thực, độc lập trong báo cáo kiểm toán. Những câu chuyện trên xảy ra chủ yếu ở các CTKT quy mô nhỏ, nhưng nhìn rộng ra về mặt pháp lý cho hoạt động kiểm toán vẫn còn nhiều lỗ hổng.
KTĐL hiện nay hoạt động theo Nghị định 105/2004/NĐ-CP và Nghị định 133/2005/NĐ-CP. Các nghị định này đã có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của KTV và CTKT nhưng chưa thật sự rõ ràng. Có hiện tượng KTV, thậm chí người đứng đầu CTKT có thể vừa làm ở CTKT, vừa làm ở DN khác không phải là CTKT; có trường hợp KTV đã đăng ký hành nghề nhưng trên thực tế không hành nghề, không ký báo cáo kiểm toán; có hiện tượng cho mượn, cho thuê chứng chỉ KTV. Các hiện tượng trên xảy ra chủ yếu tại nhiều CTKT nhỏ và những vấn đề này chưa quy định rõ trong các nghị định về hoạt động kiểm toán nên không có cơ sở xử lý.