Thứ nhất, Đảm bảo vai trò và vị trí của KTĐL trong nền kinh tế quốc dân
Trong nền kinh tế thị trường, ngoài các nhà quản lý đơn vị và Nhà nước, số liệu kế toán ở các đơn vị còn thu hút sự chú ý của bên thứ ba như các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, người bán… Thông tin kinh tế tài chính của doanh nghiệp là cơ sở để các bên thứ ba xem xét đưa ra các quyết định trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Tuy nhiên ý nghĩa, vai trò của các thông tin kế toán chỉ có thể thực hiện được nếu các thông tin này có chất lượng và đáng tin cậy. Trên thực tế các thông tin tren BCTC thường có rủi ro sai lệch lớn. Khi xã hội ngày càng phức tạp, khả năng thông tin kém tin cậy được cung cấp cho các nhà ra quyết định càng tăng lên. Các nguyên nhân rủi ro thông tin có thể bao gồm:
Một là, Sự cách trở của thông tin: Người ra quyết định khó có khả năng hiểu biết cụ thể, tường tận về đối tác mà họ có quan hệ. Thông tin sử dụng là do người khác cung cấp và khả năng bị chủ ý hoặc không chủ ý xuyên tạc, bóp méo sẽ tăng lên.
Hai là, Thành kiến và động cơ của người cung cấp thông tin: Nếu lợi ích của người cung cấp thông tin trái ngược với lợi ích của người sử dụng thông tin thì thông tin có thể được biến tướng theo lợi ích của người cung cấp thông tin.
Ba là, Dữ kiện quá nhiều: Khi quy mô hoạt động càng lớn thì càng có nhiều giao dịch và quy mô của thông tin sẽ ngày càng to lớn. Nhiều thông tin sai lệch có thể được ẩn giấu trong một khối lượng lớn các thông tin khác.
Bốn là, Tính phức tạp của các thông tin kinh tế: Xã hội ngày càng phát triển, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp thì rủi ro tiềm tàng sai lệch các thông tin là ngày càng tăng.
Luật pháp yêu cầu và để yên lòng cho người sử dụng thì các BCTC phải được kiểm toán và chỉ có những thông tin kinh tế đã được kiểm toán mới là căn cứ tin cậy cho việc đề ra các quyết định hiệu quả và hợp lý. Việc các quy định mang tính pháp lý bắt buộc các thông tin tài chính trước khi công bố phải được kiểm toán, điều này thể hiện rõ nét vai trò của kiểm toán trong quá trình đổi mới nền kinh tế. KTĐL không thể thiếu được của hoạt động kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kiểm toán làm tăng mức độ tin cậy đối với các thông tin tài chính, góp phần lành mạnh hoá các quan hệ kinh tế. Dựa vào kết quả kiểm toán, những người sử dụng BCTC được kiểm toán có được các thông tin khách quan, chính xác theo đó có thể đánh giá một cách đúng đắn tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp làm cơ sở cho các quyết định kinh tế của mình. Chính vì thế mà lợi ích của KTĐL rõ ràng lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra trong quá trình kiểm toán và đó cũng là phần lợi ích kinh tế chung của xã hội.
Ngoài ra, KTĐL còn góp phần hướng dẫn nghiệp vụ và củng cố nề nếp hoạt động tài chính kế toán. Mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động tài chính đều bao gồn những mối qua hệ đa dạng, luôn luôn biến đổi và được cấu thành bởi hàng loạt nghiệp vụ cụ thể. Để hướng các nghiệp vụ này vào mục tiêu giải quyết tốt các quan hệ trên không chỉ cần có định hướng đúng và thực hiện tốt mà cần thường xuyên soát xem việc thực hiện để hướng các nghiệp vụ vào quỹ đạo mong muốn. Hơn nữa chính định hướng và tổ chức thực hiện tốt trên cơ sở những bài học thực tiễn soát xét và luôn uốn nắn thường xuyên những lệch lạc trong quá trình thực hiện. Nước ta đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế trong đó các quan hệ tài chính chế độ kế toán thay đổi nhiều lần. Trong khi đó công tác kiểm tra kiểm soát chưa chuyển hướng kịp thời, dẫn tới
tình trạng vi phạm các nguyên tắc chế độ tài chính kế toán. Đã có ý kiến cho rằng chưa thể cải cách công tác kiểm tra trong khi chưa triển khai toàn diện và rộng khắp công tác kế toán. Tuy nhiên kinh nghiệm thực tế đã chỉ rõ chỉ có triển khai tốt công tác kiểm toán mới có thể nhanh chóng đưa tài chính kế toán đi vào nề nếp.
Một vai trò nữa là kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý, thông qua quá trình kiểm toán, KTV đưa ra những kiến nghị giúp doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống kiểm soát, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý tài chính nói riêng cũng như hoạt động kinh doanh nói chung. Những nhận xét của KTV sẽ giúp cho các chủ doanh nghiệp kịp thời phát hiện những sai sót, lãng phí hoặc vi phạm pháp luật do cố ý hay vô ý để xử lý kịp thời hay ngăn ngừa các tổn thất. Điều đó giúp doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro hay phát hiện ra thế mạnh những tiềm năng tài chính nội tại có trong doanh nghiệp.
Thứ hai, Môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động KTĐL
Một đặc thù của ngành kiểm toán Việt Nam là môi trường kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ nên người hành nghề KTĐL chưa thể độc lập. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn quan điểm “trốn được cái gì là trốn”. KTV hay kế toán trong doanh nghiệp dù biết làm sai nhưng nhiều khi không thể một mình chống lại chủ. Khi làm việc, vẫn còn tình trạng KTV nể nang, vì bạn học, vì đồng hương, người quen giới thiệu... Thậm chí, đã có những trường hợp KTV làm hộ BCTC của doanh nghiệp rồi sau đó lại kiểm toán chính báo cáo đó, cho nhau mượn thẻ hành nghề… Một vấn đề nữa là hối lộ trong khu vựa tư. Mục tiêu phấn đấu cho môi trường kinh doanh ở nước ta là “Văn hoá không hối lộ”. Trong Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam đã có riêng một phần về Hối lộ, điều 327 thừa nhận rằng “Việc nhận được các đề nghị ưu đãi có thể tạo ra các nguy cơ đối với sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chuẩn mực đạo đức …”, điều 328 cho rằng “Mức độ nghiêm trọng của những nguy cơ này sẽ phụ thuộc vào bản chất, giá
trị và dự tính tiềm ẩn đằng sau sự mời chào đó …”. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, trong công việc hàng ngày, KTV luôn phải đối mặt với “thói quen” quà biếu, phong bì của các đơn vị “bị” kiểm toán và khiến nhiều KTV phải lưỡng lự. Điều này làm cho KTV bị chi phối, tác động làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan và độc lập nghề nghiệp của mình trong quá trình kiểm toán.
Thứ ba, Nâng cao uy tín, hình ảnh của các CTKT
Kiểm toán là một trong những ngành nghề đòi hỏi nhiều niềm tin của người tiêu dùng, danh tiếng hãng và được kiểm soát bởi các quy định rất chặt chẽ về chất lượng dịch vụ. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao cùng cung cấp một loại hình dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính giống nhau cho cùng một khách hàng, chưa xét đến chất lượng kiểm toán (vì chất lượng kiểm toán chỉ xác định được chính xác sau khi cuộc kiểm toán kết thúc) nhưng phí kiểm toán mà các công ty đưa ra lại khác nhau, thậm chí là chênh lệch rất lớn mà vẫn được khách hàng chấp thuận? Câu trả lời nằm chính ở uy tín, hình ảnh công ty. Một công ty, muốn phát triển bền vững, phải tạo được uy tín, thương hiệu cho riêng mình, đó thực sự là mong muốn, mục đích lâu dài của ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong bất kỳ công ty nào. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng, khẳng định được thương hiệu kiểm toán? Chắc chắn với gần hai thập kỷ hoạt động và phát triển của ngành KTĐL ở Việt Nam đây là vấn đề được nhiều lãnh đạo CTKT trăn trở và đi tìm lời giải.
Cho tới thời điểm này, trên thế giới có hàng trăm ngàn CTKT đăng ký hoạt động và được công nhận, thế nhưng, trong số các công ty lớn nhỏ trên toàn cầu chỉ có 4 công ty - thường được gọi là "Big Four" - là những "đại gia" hàng đầu trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn (Pricewaterhouse Coopers, Deloitte & Touche, KPMG, Ernst & Young). Vậy điều gì khiến 4 đại gia này trở nên nổi tiếng và khác biệt với tất cả các CTKT khác trên thế giới? Câu trả lời đó là tính chuyên nghiệp của các KTV và CTKT đã được người ta quan tâm đúng mực, bao gồm các tiêu chuẩn về đội ngũ KTV hành nghề, các cơ chế kiểm soát chất lượng… Hiện nay, Việt Nam đang có trên 150 CTKT hoạt
động tạo nên môi trường cạnh tranh ngày càng sôi động. Do vậy muốn có được vị thế của mình trong ngành KTĐL, các CTKT cần phải khẳng định sự khác biệt về chất lượng dịch vụ thông qua nguồn nhân lực và các cơ chế kiểm soát chất lượng của mình. Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được nó còn khó hơn. Vì thế các CTKT cần không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cẩu của khách hàng, bảo vệ uy tín, phát triển một cách bền vững, khẳng định được vị thế trên thị trường và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kiểm toán Việt Nam.