Campuchia là quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á và là láng giềng thân thiết với Việt Nam. Campuchia đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất ấn tượng trong lịch sử phát triển của mình. Tăng trưởng GDP hàng năm đạt gần 10%, chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm từ 56% trong giai đoạn 1990 – 1998 xuống trung bình 3,5% trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, hiện nay Campuchia vẫn là quốc gia có tình trạng đô-la hoá cao, nếu không muốn nói là cao hơn so với 10 năm trước. Ở Campuchia, USD đã thực hiện cả 3 chức năng tiền tệ: phương tiện trao đổi, phương tiện thanh toán, phương tiện cất trữ giá trị.
NHNN Campuchia ước tính tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đã tăng mức kỷ lục đạt 75% vào năm 2006 và hiện nay là 97%.
Tại Campuchia, trong khi đồng Riel rất ít được sử dụng thì USD lại rất được ưa chuộng. Có đến 90% các giao dịch thương mại được thực hiện bằng USD. Hơn nữa, hầu hết giá cả mọi hàng hoá, dịch vụ đều được quy đổi ra USD. Người dân mua bán, trao đổi đều bằng USD. Hiện nay tình trạng đô-la hoá cao đang làm đau đầu các nhà chức trách ở Campuchia. Mới đây nhất là việc khó khăn khi quyết định đồng tiền nào sẽ được sử dụng cho sàn chứng khoán sắp khai trương của Campuchia. Chính phủ thì muốn sử dụng đồng Riel nhằm mục đích quảng bá cho đồng nội tệ và thực hiện mục tiêu chống đô-la hoá. Tuy nhiên, theo quan điểm của giới đầu tư và thị trường thì lại muốn sử dụng USD do tính an toàn của nó và thói quen sử dụng của thị trường.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đô-la hoá cao và dai dẳng tại Campuchia? Đó chính là sự mất niềm tin của người dân vào đồng Riel trong một thời gian dài, dẫn đến việc sử dụng một ngoại tệ khác an toàn hơn để thay thế. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ một hệ thống tiền tệ kém phát triển, bất ổn chính trị, sự yếu kém của hệ thống pháp lý và buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Nhưng tại sao gần đây khi chính sách kinh tế, hệ thống luật pháp và sự quản lý của các cơ quan chức năng đã được cải thiện mà tình trạng đô-la hoá ở Campuchia vẫn không ngừng gia tăng? Vậy lý do giải thích cho tình trạng đô-la hoá dai dẳng ở Campuchia là gì? Có 2 nhân tố quyết định: mức độ cải cách và vấn đề lịch sử.
Về mức độ cải cách, vấn đề không nằm ở việc Campuchia đã tiến bao xa trong thời gian qua mà nằm ở chỗ Campuchia cần đạt được những gì. Mặc dù Campuchia đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, nhưng hiện nay vẫn là quốc
gia có thu nhập thấp, nghèo nàn, và mức độ chênh lệch giàu nghèo lớn, thường xuyên xảy ra bất ổn chính trị, tệ nạn tham nhũng. Đặc biệt là sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, tiền tệ. Campuchia đang phải đối mặt với thách thức phát triển một hệ thống ngân hàng độc lập với một khung pháp lý chặt chẽ. Tóm lại, những thành tựu về kinh tế, xã hội, chính trị mà Campuchia đã đạt được vẫ chưa đủ để bắt đầu quá trình chống đô-la hoá hiệu quả.
Về vấn đề lịch sử, Campuchia có một độ trễ khá lớn so với các nền kinh tế khác. Đô-la hoá ở Campuchia là hậu quả của nền kinh tế và tài chính bị tàn phá nặng nề sau những năm 70 của thế kỷ XX, sự yếu kém trong quản lý kinh tế vào những năm 80 và một lượng lớn USD được chuyển vào nước này trong thời kỳ UNTAC① ở những năm 90, chưa kip gượng dậy thì nền kinh tế lại chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998 khiến tình trạng đô-la hoá càng trầm trọng. Không giống các quốc gia khác, nơi mà sự không ổn định của nền kinh tế vĩ mô và lạm phát cao làm gia tăng tình trạng đô-la hoá, thì ở Campuchia đô-la hoá là hậu quả của một loạt những bất ổn về chính trị và yếu kém trong quản lý Nhà nước.
Tóm lại, tình trạng đô-la hoá ở Campuchia đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Campuchia muốn khắc phục tình trạng này thì phải giải quyết triệt để những vấn đề còn đang tồn tại. Quá trình này đòi hỏi phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều mà giải quyết hết được.