Chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật thời kỳ Pháp thuộc

Một phần của tài liệu Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình việt nam (Trang 31 - 37)

Trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp ban hành ở nước ta ba Bộ luật dân sự áp dụng cho ba miền:

- Ở Bắc Kỳ áp dụng BLDS năm 1931 (DLBK); - Ở Trung Kỳ áp dụng BLDS năm 1936 (DLTK);

- Ở Nam Kỳ cho ban hành tập Dân luật giản yếu năm 1883 (DLGYNK). Trong cả ba Bộ dân luật nói trên đều có phần quy định về HN&GĐ, trong đó có chế độ tài sản vợ chồng.

Bộ dân luật giản yếu Nam Kỳ có 5 tiết nói về hôn thú, ly dị, phụ hệ, nuôi con nuôi và phụ quyền; không có quy định về hôn sản, di sản và tư sản. Thời kỳ đầu các án lệ của Nam Kỳ có công nhận người vợ có của riêng và chế độ hôn nhân theo tục lệ là cộng đồng tạo sản. Nhưng sau đó các án lệ lại đổi hướng không công nhận quyền có tài sản riêng của người vợ, với lập luận rằng nếu công nhận chế độ cộng đồng tài sản tức là đã gán cho người vợ những quyền ngang hàng với quyền của người chồng, trong khi đó trong gia đình, người vợ chỉ có địa vị của một người con gái.

Chế độ hôn sản được áp dụng tại Nam Kỳ theo các nguyên tắc:

Người vợ không có của riêng, do đó không thể có cộng đồng tài sản giữa vợ và chồng. Toàn thể tài sản trong gia đình đều thuộc quyền sở hữu và

quyền quản lý của người chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng như sau khi người vợ chết. Trong trường hợp vợ chết thì chồng là chủ sở hữu đối với toàn bộ tài sản của gia đình do hiệu lực của hôn nhân chứ không phải là hưởng gia tài của người vợ; nhưng nếu người chồng chết thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng thu lợi trên toàn bộ tài sản gia đình trong khi còn ở goá.

Theo đó, các án lệ tại các Toà án ở Nam Kỳ đã áp dụng nguyên tắc chồng là chủ sở hữu duy nhất các tài sản của gia đình, bao gồm:

+ Các động sản đã mua trong thời kỳ hôn nhân, kể cả các động sản khi mua đã đứng tên vợ;

+ Các bất động sản đã ban cấp riêng cho người vợ;

+ Các bất động sản có được trong thời kỳ hôn nhân, mặc dù các bất động sản đó đứng tên người vợ khi mua …

Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng trong thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ là rất bất công đối với người vợ, nhất là khi tài sản mà vợ tạo ra được do hành nghề riêng trong thời kỳ hôn nhân vẫn phải coi là thuộc tài sản của người chồng.

Tuy nhiên, án lệ cũng công nhận trong một số trường hợp thì những tài sản sau đây được coi là tài sản riêng của vợ:

+ Các đồ tư trang của người vợ;

+ Tài sản người vợ có được do được gia đình vợ tặng cho hoặc được hưởng di sản của gia đình vợ;

+ Bất động sản đã ghi rõ tên vợ là chủ sở hữu trong sổ địa bộ.

Do các án lệ đã công nhận chồng là chủ sở hữu đối với tài sản của gia đình nên trong việc quản lý tài sản, người chồng có thể một mình đứng ra thực hiện các giao dịch và thu nhận hoa lợi; nếu con nợ vay tiền của vợ thì có thể trả nợ đó cho người chồng. Ngược lại, người vợ không được ký kết các hợp đồng một mình và người chồng có quyền khiếu nại để phủ nhận hợp

đồng đó. Là chủ sở hữu đối với tài sản của gia đình, người chồng có thể một mình ký kết để chuyển dịch động sản và bất động sản. Trên thực tế, mỗi khi chồng bán hoặc tặng cho bất động sản thì người vợ cũng thường ký cùng chồng vào các giấy tờ, nhưng các án lệ không coi đó là một thể thức có giá trị pháp lý [40].

Tại Bắc và Trung Kỳ, ảnh hưởng của BLDS Pháp (1804) thể hiện trong việc nhà làm luật dự liệu chế độ tài sản ước định và áp dụng nguyên tắc bất di, bất dịch của chế độ tài sản của vợ chồng theo hôn khế. Điều 104 DLBK quy định:

Về đường tài sản, pháp luật chỉ can thiệp đến đoàn thể vợ chồng là khi nào vợ chồng không có tuỳ ý lập ước riêng với nhau mà thôi, miễn là ước riêng ấy không được trái với phong tục và không được trái với quyền lợi người chồng là người chủ trương trong đoàn thể [6]. Tiếp đó, Điều 105 quy định: Phàm tư ước về tài sản giá thú phải làm thành chứng thư tại trước mặt, hoặc do Lý trưởng thị thực, mà phải làm trước khi khai giá thú. Đã khai giá thú rồi thì không được thay đổi gì nữa [6].

Quy định chế độ tài sản ước định này lần đầu tiên được dự liệu trong hệ thống pháp luật Việt Nam theo quan niệm của nhà làm luật tư sản là không phù hợp với tục lệ và truyền thống của gia đình người Việt Nam, nên mặc dù được hai bộ DLBK và DLTK dự liệu, các cặp vợ chồng thường không thoả thuận lựa chọn loại chế độ tài sản ước định này.

Trường hợp vợ chồng không thoả thuận lập hôn khế khi kết lập giá thú, DLBK và DLTK đều dự liệu một chế độ tài sản pháp định để áp dụng cho họ, đó là chế độ cộng đồng toàn sản. Theo tục lệ của người Việt Nam thì mọi tài sản trong gia đình đều là tài sản chung và đều để dành cho con cháu. Các quy định trong hai Bộ Dân Luật Bắc kỳ và Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật cũng

chấp nhận tục lệ này. Điều 106 DLBK và Điều 104 DLTK quy định: “Nếu hai vợ chồng không lập hôn ước riêng thì hai người đã theo chế độ cộng đồng toàn sản, gồm tất cả của cải và hoa lợi của chồng cũng như của vợ” [6]; [73].

Vợ hoặc chồng có thể có của riêng trước khi kết hôn, nhưng kể từ khi kết hôn và trong suốt thời kỳ hôn nhân thì các tài sản riêng đó (bao gồm cả động sản và bất động sản) hợp nhất thành khối tài sản chung. Tuy nhiên, đó chỉ là sự hợp nhất tạm thời trong thời kỳ hôn nhân. Chỉ có những tài sản do hai vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân mới là tài sản chung chính thức. Khi hôn nhân chấm dứt thì các tài sản riêng của vợ chồng đã được hợp nhất tạm thời vào khối tài sản chung lại được tách ra để chia theo nguyên tắc của ai thì người đó lấy lại, còn các tài sản chung thì được chia đôi cho vợ và chồng.

Theo quy định tại Điều 107 DLBK và Điều 105 DLTK thì tài sản chung của vợ và chồng gồm có:

- Các tài sản do vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân; - Tài sản do vợ chồng làm việc mà kiếm ra;

- Lợi tức của toàn bộ tài sản trong gia đình, không phân biệt lợi tức từ tài sản riêng hay lợi tức từ tài sản chung [6]; [73].

Như vậy, toàn bộ tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân (cả động sản và bất động sản) đều là tài sản chung của vợ chồng. Để phân biệt được động sản hoặc bất động sản nào là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng, thì căn cứ vào việc đăng ký hoặc có chứng thư xác nhận nguồn gốc của tài sản đó. Đối với các động sản không được đăng ký và cũng không có chứng thư xác nhận nguồn gốc thì Toà án suy đoán là tài sản chung của vợ chồng; nếu vợ hoặc chồng muốn khiếu nại đó là tài sản riêng của mình thì phải chứng minh.

Điều 111 Bộ DLBK và Điều 109 HVTKHL quy định khối tài sản cộng đồng phải gánh chịu các khoản nợ sau đây:

- Các khoản nợ của vợ chồng đã vay trước khi kết hôn; - Các khoản nợ của chồng vay trong thời kỳ hôn nhân;

- Các khoản nợ do vợ vay với tư cách là đại diện cho đoàn thể vợ chồng hoặc vay với sự ưng thuận của người chồng;

- Các khoản nợ do hành vi phạm pháp của người vợ gây ra [6]; [40]. Theo quy định trên, tất cả các khoản nợ của chồng, dù vay từ trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân, không phân biệt là do ký kết hợp đồng hoặc do hành vi phạm pháp mà gây ra thì đều phải coi là nợ của hai vợ chồng và do khối cộng đồng phải gánh chịu. Mặc dù các món nợ do hành vi phạm pháp của người chồng gây ra không được quy định rõ trong hai bộ dân luật, nhưng theo đạo lý thì phải trích từ khối tài sản chung của gia đình để thanh toán.

Về việc quản lý tài sản của gia đình, theo Điều 100, Điều 111 DLBK và Điều 98, Điều 109 DLTK quy định đối với các nhu cầu của gia đình thì vợ hoặc chồng đều có thể đại diện cho gia đình để giao dịch và được trích từ khối tài sản của gia đình để chi dùng.

Theo quy định tại Điều 109 Bộ DLBK và Điều 107 HVTKHL vợ chồng muốn sử dụng tài sản chung thì phải có sự ưng thuận của vợ và của chồng, chồng có quyền sử dụng các động sản mà không cần phải có sự đồng ý của vợ, miễn là việc sử dụng đó đem lại lợi ích cho gia đình; việc ưng thuận của người chồng phải được thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của người chồng, còn việc ưng thuận của người vợ thì chỉ cần là sự ưng thuận công nhiên hoặc mặc nhiên không cần phải ghi chép hoặc giấy tờ. Quy định này cũng nói lên sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng khi định đoạt các tài sản của gia đình. Ngoài ra, pháp luật còn cho phép người chồng có đặc quyền được thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản và các bất động sản chung của gia đình (chỉ trừ bất động sản riêng của người vợ) mà

không cần phải có sự tham gia hoặc ưng thuận của người vợ, miễn là việc mua bán đó đem lại lợi ích cho gia đình [6, Điều 109].

Để bảo vệ khối tài sản của gia đình, các Bộ dân luật đều có quy định trong trường hợp người vợ một mình thực hiện các giao dịch cho gia đình mà lạm dụng quyền đó thì người chồng có quyền thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyền của người vợ [6, Điều 100].

Ngược lại, trong trường hợp người chồng không chu cấp để nuôi dưỡng vợ con hoặc phá tán tài sản của gia đình thì người vợ có quyền xin Toà án cấm người chồng sử dụng kỷ phần của mình, và tất cả các tài sản do nghề nghiệp riêng của vợ tạo ra. Trong trường hợp này, Toà án có thể cho phép người vợ được quản lý, hưởng dụng các tài sản đó [6, Điều 110].

Khi ly hôn, nếu người vợ không có con thì được lấy lại kỷ phần của mình bằng hiện vật và được nửa của chung. Nếu là vợ thứ thì không được dự phần của chung, chỉ được lấy lại tài sản riêng [6, Điều 112].

Trong trường hợp vợ chồng ly dị mà có con thì pháp luật quy định sẽ không thanh toán tài sản. Điều 112 Bộ DLBK quy định trong trường hợp này, người vợ được hưởng một phần từ khối tài sản chung, phần đó nhiều hay ít tuỳ thuộc vào sự đóng góp của người vợ đã là tăng khối tài sản chung và do Toà án quyết định; nếu người vợ thông gian mà bị ly hôn thì phần đó sẽ bị bớt đi 1/2; Người vợ bị ly hôn bao giờ cũng có quyền lấy lại các đồ tư trang, phục sức của mình. Tuy nhiên, Bộ HVTKHL quy định phần của người vợ khi vợ chồng ly hôn mà có con bằng 1/3 khối tài sản chung, nếu người vợ thông gian mà bị ly dị thì bị mất cả quyền lợi về tài sản chung (Điều 110).

Khi người chồng chết mà người vợ không tái giá, của chung vẫn để nguyên, người vợ goá được thay quyền chồng quản lý tài sản chung.

Nếu người vợ chết trước, người chồng thành sở hữu tất cả tài sản chung kể cả kỷ phần của người vợ.

Vợ thứ được giữ quyền sở hữu và quản lý, hưởng thụ cùng định đoạt tài sản riêng của mình.

Một phần của tài liệu Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình việt nam (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)