Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng

Một phần của tài liệu Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình việt nam (Trang 66 - 69)

Luật HN&GĐ năm 1959 đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản, toàn bộ tài sản do vợ, chồng có được hoặc tạo ra trước và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung của vợ chồng.

Luật HN&GĐ năm 1986 được ban hành vào thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới, lần đầu tiên ghi nhận vợ chồng có tài sản riêng tại Điều 16. Kế thừa và phát triển quy định của Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định chế độ sở hữu riêng của vợ, chồng cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý thống nhất khi áp dụng vào thực tế.

Khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân [54]. Đến Luật HN&GĐ năm 2014 đã bổ sung thêm nội dung: Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng [60, Điều 43].

Tài sản riêng của vợ, chồng được xác lập dựa vào thời điểm tài sản đó phát sinh trước khi kết hôn; sự định đoạt của chủ sở hữu tài sản đã chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng và trên sự kiện chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.

2.2.1.1. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có từ trước khi kết hôn

Thông qua lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập hợp pháp khác, mỗi người có thể tạo ra một khối tài sản hoặc có được tài sản thông qua các giao dịch dân sự trước khi kết hôn. Những tài sản này thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi bên và được pháp luật thừa nhận, bảo hộ. Những tài sản này không phải do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, không chịu sự tác động bởi tính chất cộng đồng của quan hệ hôn nhân và lợi ích chung của gia đình. Vì vậy, vợ chồng có thể xác lập quyền sở hữu của mình đối với những tài sản phát sinh trước khi kết hôn dựa trên các căn cứ được quy định từ Điều 233 đến Điều 247 BLDS năm 2005.

Quy định tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ, chồng đã bảo vệ được quyền sở hữu cá nhân của vợ, chồng, là căn cứ pháp lý bảo đảm tài sản riêng của vợ chồng khi giải quyết tranh chấp trên thực tế, đồng thời phù hợp với quy định quyền sở hữu riêng của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.

2.2.1.2. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân

Những tài sản này không do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân mà được định đoạt bởi ý chí của chủ sở hữu. Việc pháp luật quy định những tài sản này thuộc khối tài sản riêng của vợ, chồng nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của các chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về việc chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng được hưởng. Những tài

sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thường do những người thân thuộc, bạn bè của mỗi bên cho vợ, chồng được hưởng giá trị tài sản đó. Đó có thể là những tài sản do cha, mẹ cho riêng con trong ngày cưới, cha mẹ một bên khi chết để lại di chúc cho con mình là người vợ, chồng được hưởng… Những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng.

2.2.1.3. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm đồ dùng, tư trang cá nhân

Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1997 thì “đồ dùng là vật do con người tạo ra để dùng trong sinh hoạt, hoạt động hàng ngày”, còn “tư trang là các thứ quý giá đi theo người của một cá nhân” [74].

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người đều cần có những đồ dùng phù hợp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và công việc chuyên môn của mình. Ví dụ như quần áo, giày dép, sách vở phục vụ cho việc học tập… Vì vậy, pháp luật quy định những đồ dùng, tư trang cá nhân là tài sản riêng của vợ, chồng là cần thiết và phù hợp với thực tế cuộc sống, mọi cá nhân đều cần đến những đồ dùng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, làm việc thường ngày của bản thân. Đây là một trong những điểm mà Luật HN&GĐ năm 2014 đã kế thừa của Luật HN&GĐ năm 2000, quy định này đảm bảo được quyền tự do cá nhân và cuộc sống riêng tư của vợ chồng.

Tuy nhiên, từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực cho đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích và hướng dẫn cụ thể trường hợp này. Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ngày càng cao, những đồ dùng, tư trang cá nhân cũng rất phong phú và có giá trị. Việc xem xét những trường hợp này gặp những khó khăn nhất định và còn nhiều quan điểm chưa thống nhất. Vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc giải quyết được thống nhất, đáp ứng quyền lợi hợp pháp của những người

2.2.1.4. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm những tài sản mà vợ, chồng được chia khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Xuất phát từ thực tế cuộc sống, Luật HN&GĐ năm 2014 trên cơ sở kế thừa Luật HN&GĐ năm 1986 và năm 2000 đã quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung. Theo đó, Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 1 Điều 40 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng” [54]; [60]. Như vậy, phần tài sản chung đã được chia riêng cho mỗi bên vợ, chồng là tài sản riêng của người đó. Những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản riêng được chia là tài sản riêng của vợ, chồng. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác [10].

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ tài sản riêng của vợ, chồng còn có những tài sản mà vợ, chồng có được khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Một phần của tài liệu Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình việt nam (Trang 66 - 69)