Tình hình kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho nông dân huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Trang 52 - 56)

Phù Ninh là một trong số những huyện có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao của tỉnh Phú Thọ, đây là cái nôi của ngành giấy Việt Nam. Nơi đây có một nền văn hóa lâu đời từ thời Hùng Vương dựng nước, miền quê của những con người kiên cường, chăm chỉ và đầy bản lĩnh. Tháng 4/1997 huyện Phong Châu tách ra hai huyện là Phù Ninh và Lâm Thao, từ ngày tái lập

huyện đến nay, Phù Ninh đã có bước chuyển biến rõ rệt về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Phù Ninh có 19 đơn vị hành chính trong đó có 18 đơn vị hành chính cấp xã và một thị trấn, trải qua nhiều năm khó khăn trên con đường phát triển. Là một huyện miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp nhưng với sự nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ Huyện Phù Ninh trong những năm qua, đến nay tình hình kinh tế- xã hội của huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Hiện nay Phù Ninh đang dần thoát khỏi huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng của huyện đã có sự phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Người nông dân dần hình thành thói quen làm ăn theo cơ chế thị trường.

Về cơ cấu kinh tế của huyện có xu hướng chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng của các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong tổng thu nhập của huyện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2010, tỉ trọng công nghiệp chiếm 42,7% GDP, nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 33,5%, dịch vụ là 29% [9]. Năm 2012 cơ cấu kinh tế có sự thay đổi đáng kể, tỷ trọng công nghiệp tăng lên đạt 51,4%, dịch vụ là 28,5% và nông - lâm- ngư nghiệp giảm còn 20,1%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện (giai đoạn 2006-2010) đạt 12,05%/năm; tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 5,8% [56].

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hiện nay cả huyện có 22 trường mầm non với tổng số 185 lớp, có 44 trường phổ thông, trong đó có 20 trường tiểu học; 19 trường trung học cơ sở và 5 trường phổ thông trung học, trong đó có hai trường tư thục, trên địa bàn huyện có một trường cao đẳng nghề công nghệ giấy và cơ điện, trung tâm giáo dục thường xuyên và một trường trung cấp nghề nông nghiệp.

Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 14 triệu đồng/người/năm, năm 2011 là 19 triệu đồng/người/năm, năm 2012 là 20 triệu đồng /người/năm; đã có 99% dân số được dùng điện thắp sáng, 100% số xã, thị trấn trong huyện có cơ sở bưu điện, có 92,7 % số hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 (theo tiêu chí mới) là 5,2% giảm 1% so với năm 2011, ước tính năm 2013 giảm xuống còn là 4,59%. Tổng số đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa đạt 40%; 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong toàn huyện được kiên cố hóa; 27/44 trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, có một trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao, số máy điện thoại đạt 30/100 dân, thuê bao Internet đạt 3,5 thuê bao/100 dân. Đài truyền thanh của huyện đã phủ sóng 19/19 xã và thị trấn.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được nâng lên, toàn huyện hiện có một bệnh viện phụ sản, một phòng khám đa khoa nằm trong bệnh viện phụ sản, 19 trạm y tế xã, thị trấn; 9 phòng khám tư nhân quy mô lớn. 100% số xã , thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay trong toàn huyện 64% khu dân cư văn hóa, hàng năm có khoảng 88% số hộ đạt gia đình văn hóa [56].

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2010 đến nay do tác động tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước cộng với những nhân tố khách quan nên tình hình kinh tế - xã hội trong huyện còn những hạn chế trong quá trình phát triển: tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP đầu người hàng năm còn thấp so với bình quân của cả nước và một số huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, nền kinh tế nông nghiệp chưa thực sự chuyển sang sản xuất hàng hóa, vẫn còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Mặc dù huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện

chính sách “dồn điền đổi thửa” nhưng đa phần các địa phương mới chỉ thực hiện được trên giấy tờ, tư tưởng sản xuất nhỏ, phân tán còn ảnh hưởng nặng nề tâm lý của nông dân.

Ngoài các doanh nghiệp lớn như nhà máy giấy Bãi Bằng, các công ty liên doanh với nước ngoài ở khu công nghiệp Đồng Lạng thì việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc giản đơn, sản xuất gia công, chế biến là chủ yếu. Hai năm gần đây, do sự hỗ trợ của nhà nước trong chương trình “xây dựng nông thôn mới” và chính sách vay vốn của ngân hàng chính sách, ở các địa phương đã tiến hành cơ giới hóa máy móc trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên số lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được hết nhu cầu sản xuất của nông dân.

Người lao động Phù Ninh có truyền thống yêu nước, cần cù, chịu khó, thông minh, hiếu học, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, người dân ở đây tư duy về kinh tế thị trường còn hạn chế do một thời gian dài bị ảnh hưởng của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp cuộc sống sản xuất tự cung tự cấp; mặt khác còn nặng về quan niệm “làm thầy hơn làm thợ”; tư tưởng dễ thoả mãn. Lực lượng lao động này phần lớn tập trung ở nông thôn vì thế họ thường cam chịu với hoàn cảnh thực tế của mình. Không ít lao động còn nặng tư tưởng phải được “biên chế”, làm việc trong các cơ quan nhà nước để có công việc ổn định, lâu dài.

Trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, thu nhập từ trồng lúa, chăn nuôi và trồng rừng thấp hơn nhiều so với ngành khác trong huyện. Công tác đào tạo nghề còn hạn chế, cơ cấu đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của xã hội, lao động được đào tạo nghề chủ yếu nghề thủ công, đào tạo ngắn hạn. Tình trạng thiếu và không có việc làm vẫn là vấn đề bức xúc của địa phương.

Tất cả các yếu tố trên đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết việc làm cho người lao động cả về đào tạo nghề, tạo mở việc làm và nâng cao chất lượng việc làm nhất là việc làm của nông dân.

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho nông dân huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)