Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho nông dân huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Trang 50 - 52)

Huyện Phù Ninh là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội 100km. Phía Bắc huyện giáp huyện Đoan Hùng; phía nam giáp thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao; phía Tây giáp Thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Ba; phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Phù Ninh nằm trong vùng kinh tế động lực và trọng điểm của tỉnh Phú Thọ (Việt Trì - Lâm Thao - Phù Ninh - Thị xã Phú Thọ), có nhiều tuyến giao thông trọng điểm chạy qua như quốc lộ 2, cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh, đường liên tỉnh 323, 325B và tuyến đường thủy trên sông Lô. Phù Ninh còn nằm trong trục du lịch cội nguồn Việt Trì - Lâm Thao- Phù Ninh. Với vị trí địa lý thuận lợi như vậy Phù Ninh có nhiều điều kiện để giao thương, phát triển kinh tế và du lịch cội nguồn, tâm linh.

Diện tích tự nhiên của Huyện là 156,48km2, mật độ dân số là 612 người/km2, nhiệt độ trung bình là 23,9oC, số giờ nắng trung bình cả năm là 1.378,3 giờ, lượng mưa trung bình năm là 1.195 mm, độ ẩm trung bình là 85%. Địa hình dốc theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ dốc từ 3-25o, chủ yếu là đồi núi thấp xen thung lũng, sông Lô chảy dọc theo địa giới phía Đông Bắc huyện. Điều kiện khí hậu và địa hình của Phù Ninh rất thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp đặc biệt là cây nguyên liệu giấy và cây chè,

cây sơn và cây sắn, ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cả nước đã biết đến Phù Ninh là trung tâm của ngành giấy Việt Nam. Ngoài ra với địa hình và điều kiện khí hậu như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho Phù Ninh đẩy mạnh ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đồi thương phẩm.

Vị trí địa lý tự nhiên của huyện chia thành ba khu vực rõ rệt: vùng ven sông Lô bao gồm các xã Hạ Giáp, Tiên Du, An Đạo, Bình Bộ, Vĩnh Phú, Lệ Mỹ. Đất đai ở vùng này tương đối bằng phẳng hơn so với các địa phương khác nên ở đây nông nghiệp phát triển rất đa dạng với các sản phẩm nông nghiệp như: lúa, ngô, rau màu, cây lương thực, trồng hoa, trồng nấm. Ở các địa phương này đang dần hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Vùng trung tâm của huyện bao gồm các xã Phú Lộc, Phú Nham, Thị Trấn Phong Châu, Phù Ninh, An Đạo, Tử Đà. Ưu thế của vùng này là nằm trên trục đường quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài – Lào Cai đồng thời giáp gianh với khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là trung tâm của huyện, nơi tập trung các nhà máy, xí nghiệp như Tổng công ty giấy Bãi Bằng, các xí nghiệp chế biến nguyên liệu giấy, cụm công nghiệp Đồng Lạng và đang đẩy mạnh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Tử Đà - An Đạo.

Vùng đồi gò thấp, tập trung ở các xã phía bắc như Phú Mỹ, Lệ Mỹ, Trị Quận, Trạm Thản, Tiên Phú, Liên Hoa, Bảo Thanh, Gia Thanh, Trung Giáp. Đây là vùng đất giữa kết hợp đồi gò và ruộng lúa xen kẽ, khí hậu thuận lợi, đặc biệt ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Thổ nhưỡng vùng này thích hợp trồng cây nguyên liệu giấy, cây chè, cây ăn quả như như bưởi diễn, Hồng Gia Thanh. Nơi đây có thể kết hợp phát triển các trang trại nông, lâm kết hợp, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và lợn. Vùng này hiện nay đang khôi phục các

làng nghề như nghề làm nón Gia Thanh, chế biến sản phẩm chè Chùa Tà- Tiên Phú hay hình thành nghề nuôi rắn thương phẩm ở xã Trung Giáp.

Tuy nhiên về điều kiện tự nhiên của huyện cũng có nhiều khó khăn phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động. Tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, chủ yếu khai thác cát ở ven sông Lô, khai thác đá ở xã Trị Quận, diện tích đất đồi gò chiếm 64,2 %/tổng diện tích đất canh tác, đa phần cằn cỗi nên năng suất nông nghiệp còn khá thấp.

Dân số và lao động

Theo số liệu thống kê của huyện Phù Ninh, dân số của huyện năm 2012 là 95790 người trong đó số người trong độ tuổi có khả năng lao động khoảng 74411 người (chiếm 77,9% tổng dân số). Số lao động tham gia trong nền kinh tế quốc dân là 58763 người (chiếm 79% tổng số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động). Trong đó lực lượng lao động ở nông thôn là 47544 người chiếm 80,9% lực lượng lao động của huyện. Cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2012 là: Nông, lâm nghiệp là 21799 người chiếm 44%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là 16597 người chiếm 33,5%, lĩnh vực thương mại và dịch vụ là 11148 người chiếm 22,5 %. Cơ cấu dân số trong độ tuổi, dân số trẻ, dồi dào, Phù Ninh đang thời điểm dân số vàng rất thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại là sức ép lớn về giải quyết việc làm vì số lượng lao động bước vào độ tuổi lao động cao, trình độ của người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động [55].

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho nông dân huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)