Khái niệm, công cụ

Một phần của tài liệu việc làm cho người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị khó khăn và sự thích ứng (Qua khảo sát tại thành phố Hà Nội (Trang 27 - 34)

10. Cấu trúc của luận văn

1.2.Khái niệm, công cụ

Các khái niệm chủ chốt trong báo cáo này là giới, vai trò giới, di cư, sự thích ứng và việc làm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn lưu ý đến quan điểm của nhà bác học Scharping cho rằng “Các nghiên cứu về di dân chưa bao giờ thành công trong việc đưa ra một lý thuyết tổng quan chung về di cư cũng như chưa bao giờ đưa ra được những kết luận có tính chất tổng thể và được chấp nhận” [14, tr.18]. Người ta có thể phân chia chúng tuỳ theo quan điểm xuất phát của hệ thống khái niệm thuộc về các chuyên ngành nào trong số các chuyên ngành như nhân khẩu học, kinh tế học, hoặc xã hội học.

1.2.1. Định nghĩa về giới và vai trò giới

Ngày nay, khái niệm gender đang dược sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu mặc dù nó mới chỉ xuất hiện trong các tài liệu nghiên cứu về nữ quyền đầu thập

kỷ những năm 70 và được giới thiệu và phát triển trong những tài liệu về phát triển sau này. Khái niệm về giới được định nghĩa thông qua việc làm rõ những khác biệt giữa hai khái niệm “sex” với nghĩa sinh học và “gender” với nội hàm đề cập đến văn hóa và xã hội. Bằng cách phân biệt này, những người theo chủ nghĩa nữ quyền mong muốn có thể tránh được việc giải thích sự khác biệt của các vai trò giữa phụ nữ và nam giới bởi các yếu tố sinh học và làm cho phụ nữ trở nên hữu hình [14, tr.18].

Nếu như giới tính (sex) phụ thuộc vào số lượng nhiễm sắc thể và được biểu hiện qua cơ quan sinh sản và hóc môn thì giới (gender) liên quan tới sự phân loại mà các chủ thể xã hội đặt ra để phóng đại một cách điển hình những khác biệt giữa nam và nữ [34, pg.3]. Giới là một thuật ngữ để chỉ vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội và những kỳ vọng liên quan đến nam và nữ. Phụ nữ và nam giới khác nhau về mặt sinh học – nhưng mọi văn hóa đều lý giải và quy định chi tiết những khác biệt sinh học vốn có đó thành một hệ thống kỳ vọng xã hội về những hành vi và hoạt động được coi là thích hợp, và những quyền hạn, nguồn lực hay quyền lực mà họ có. Giới là một phạm trù xã hội có vai trò quyết định chủ yếu đến cơ hội cuộc sống của con người, xác định vai trò của họ trong xã hội và trong nền kinh tế. Trong tất cả các xã hội đều có sự không tương xứng về giới – khác biệt và thiên lệch - ở các mức độ khác nhau [24, tr.36].

Giới có quan hệ chặt chẽ với loại hình công việc của từng giới lựa chọn trong quá trình làm việc tại nơi di cư. Phân tích giới có thể giúp cho chúng ta xác định được đóng góp của phụ nữ di cư cho hộ gia đình một cách rõ ràng và bằng cách này người ta có thể chống lại quan niệm về “sự vô hình của phụ nữ” trong phát triển [14, tr.18].

Trong Từ điển Xã hội học của G. Endruweit và G. Trommsdorff, khái niệm vai trò giới được hiểu như sau: Vai trò giới chỉ những kỳ vọng văn hóa chủ đạo và chuẩn mực xã hội về phương diện năng lực, đặc điểm nhân cách, thái độ, động cơ và phương thức hành vi đặc trưng và thích hợp đối với nam giới và nữ giới. Việc tiếp nhận vai trò cá nhân mang 4 thành phần như sau:

- Tự cảm nhận mình như là nam tính hay nữ tính (sự đồng nhất vai trò giới tính). - Quan niệm về phân biệt giới tính trong môi trường xã hội (quan niệm về vai trò xã hội).

- Đánh giá và tính ưu việt về các đặc điểm và hoạt động giới tính đặc trưng - Phương thức hành vi có đặc trưng giới tính (hành vi có vai trò giới tính) [7, tr.543-545]

Vai trò giới được hiểu là những trông đợi về những hành vi và quan điểm mà nền văn hóa xác định là phù hợp đối với phụ nữ và nam giới. Những vai trò giới được các cá nhân học hỏi thông qua quá trình xã hội hóa. Các vai trò giới cơ bản bao gồm: vai trò sản xuất, vai trò tái sản xuất và vai trò cộng đồng. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào vai trò sản xuất. Theo Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, ở Việt Nam, người đàn ông thực hiện vai trò sản xuất còn đối với phụ nữ vai trò tái sản xuất cũng quan trọng như việc làm có trả công [19, tr.23].

Các vai trò giới không phải là bất biến mà cũng có thể biến đổi qua các thời kỳ khác nhau, theo các hoàn cảnh khác nhau. Quá trình di cư cũng làm thay đổi hai vai trò đó nhiều nhất. Khi di cư, phụ nữ và nam giới để lại gia đình đằng sau họ. Tuy nhiên với phụ nữ, xung đột vai trò giới là một trong những cản trở phụ nữ di cư. Những thay đổi trong phân công lao động trong gia đình đã diễn ra theo trình tự đảo ngược lại với truyền thống. Đối với phụ nữ di cư, việc thực hiện các vai trò, đặc biệt là vai trò kiếm tiền cho gia đình cùng với nam giới có thể là một trong động cơ thúc đẩy phụ nữ quyết tâm bám trụ lại đô thị nhưng họ vẫn bị áp lực bởi vai trò tái sản xuất cao hơn nam giới. Như vậy, để có thể gia nhập thị trường lao động nơi đô thị, ngay từ những bước đi đầu tiên, phụ nữ đã phải nỗ lực hơn nam giới rất nhiều để có thể đáp ứng và tồn tại ở môi trường lao động mới. Nhưng không phải là nam giới khi di cư không có những xung đột về vai trò như nữ giới, hay là không có những cản trở cho nam giới cho quá trình di cư và tồn tại của họ. Vì thế, nam giới di cư cũng có những vấn đề của họ. Chính quan niệm của phần đông vẫn coi nam giới là người kiếm tiền trụ cột cho các gia đình đã trở thành một trong những áp lực lớn của những người đàn ông khi lập gia đình và vì thế, họ phải “quay cuồng và cố gắng bằng mọi cách” để có thể làm trọn “vai trò chính” của họ.

1.2.2. Di cư và di cư tự do

Thật khó có thể đưa ra một định nghĩa thống nhất về di cư vì trên thực tế di cư được phân loại theo những các khác nhau. Theo nghĩa rộng, di dân là sự chuyển

dịch bất kỳ của con người trong một không gian và thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Với khái niệm này, di dân đồng nhất với sự di động dân cư. Theo nghĩa hẹp, di dân là sự di chuyển dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác, nhằm thiết lập một nơi cư trú mới trong một khoảng thời gian nhất định. Tóm lại, di dân là sự di chuyển của người dân theo lãnh thổ với những chuẩn mực về không gian và thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú [2, tr.37]. Di dân là sự di động về mặt địa lý bao gồm cả sự thay đổi chỗ ở thường xuyên giữa các khu vực chính trị nhất định [33, pg.448]. Tùy theo mục đích nghiên cứu, có nhiều cách phân loại di dân theo các góc độ khác nhau.

Căn cứ vào hướng di cư và nơi đến, người ta phân loại di cư đó là di cư nông thôn - đô thị, di cư nông thôn - nông thôn hoặc di cư đô thị -nông thôn. Trong các nước ASEAN, loại di cư thứ ba là rất hiếm, trong khi đó phần lớn di cư xảy ra theo hướng nông thôn - đô thị do sự chênh lệch rất lớn về mức thu nhập giữa hai khu vực này.

Dựa trên khoảng thời gian người di cư cư trú, người ta cũng có thể phân loại thành di cư tạm thời (gồm cả di cư theo mùa vụ) hay di cư ổn định. Di cư ổn định bao gồm các hình thức thay đổi nơi cư trú thường xuyên và nơi làm việc, với mục đích định cư sinh sống lâu dài tại nơi ở mới, thường không quay trở về sống tại quê hương cũ. Ngược lại, đối với loại hình di cư tạm thời, khả năng người di cư quay trở về nơi xuất cư là chắc chắn. Loại hình này bao gồm cả hình thức di dân theo mùa vụ của cư dân nông thôn vào thành phố trong những dịp nông nhàn hoặc trong điều kiện thiếu việc làm thường xuyên, việc làm có thu nhập. Đến mùa vụ, họ lại về quê sản xuất và rồi lại ra đi [2, tr.40].

Nghiên cứu này đề cập đến loại hình di dân tự do từ nông thôn tới đô thị. Các khái niệm về di dân tự do được sử dụng dựa trên định nghĩa của tác giả Đặng Nguyên Anh trong cuốn sách “Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh miền núi”, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2006 và định nghĩa của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam trong báo cáo “Di cư trong nước. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam".

Di dân tự do/tự phát: Ở Việt Nam, di dân tự do đã trở thành một hiện tượng kinh tế xã hội. Di dân không có tổ chức hay còn gọi di dân tự do, nó mang tính cá nhân do bản thân người di chuyển hoặc bộ phận gia đình quyết định, không có và không phụ thuộc vào kế hoạch và sự hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền. Di dân tự do phản ánh tính năng động va vai trò độc lập của cá nhân và hộ gia đình trong việc giải quyết đời sống, tìm công ăn việc làm [2, tr.41].

Người di cư tự do: Là người di cư không có tổ chức, không phân biệt thành phần dân tộc, đặc biệt chú trọng đến loại hình di cư từ nông thôn đến đô thị không tuân theo kế hoạch, tự phát. Nói cách khác đó là những người di cư nằm ngoài các chương trình di cư của chính phủ [22, tr.24].

Đối tượng của nghiên cứu này là những người di cư tự do. Nội hàm khái niệm “di cư‟ trong nghiên cứu khảo sát này bao gồm những người di cư tự do (cả nam và nữ) từ nông thôn ra đô thị. Họ cũng có thể là những người di cư tự do theo mùa hoặc di cư theo những khoảng thời gian không cố định, họ cũng không chỉ trở về quê cũ khi thời vụ đến mà còn trở về khi có những sự kiện quan trọng trong gia đình như cưới xin, ma chay, cúng giỗ hoặc ngày tết đầu năm… Họ chủ yếu là những người có trình độ thấp và làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Nhóm xã hội này thường bị bỏ sót trong các cuộc khảo sát trên phạm vi quốc gia. Cùng với khuynh hướng tăng nhanh lượng người tham gia và tầm quan trọng của loại hình di cư tạm thời này với các đô thị như Hà Nội hay Hồ Chí Minh đã thôi thúc chúng tôi thực hiện nghiên cứu này.

1.2.3. Thích ứng

Sự thích ứng trong di cư gắn với quá trình trong đó các cá nhân tổ chức lại cuộc sống của họ sau khi di chuyển đến một môi trường văn hóa xã hội khác. Các mô hình lý thuyết đề cập đến sự thích ứng của người di cư ở những góc độ khác nhau. Mô hình xã hội văn hóa liên quan đến các yêu cầu tương tác hiệu quả trong một môi trường văn hóa mới (Ward và Kennedy 1999). Mô hình đặc tính xã hội tập trung vào cách các cá nhân thay đổi nhận thức về tính dân tộc của họ như là một kết quả của quá trình tương tác văn hóa (Ward và những người khác, 2001). Trong tác phẩm “Căng thẳng, đánh giá và đương đầu”, Lazarus và Folkman đưa ra cách tiếp cận về mặt tâm lý học. Các tác

giả cho rằng sự căng thẳng về mặt tâm lý cũng là một phản ứng thông thường trước những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mà lại thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực. Mô hình này nhấn mạnh vào nguồn lực về mặt tâm lý học (chiến lược thích nghi) và nguồn lực xã hội (các mối quan hệ cá nhân có khả năng hỗ trợ cho cá nhân). Một số tác giả khác như Carlson và Rosser-Hogan quan tâm đến sự thích ứng về mặt sức khỏe của người di cư. Dưới góc độ kinh tế, Aycan và Berry tập trung vào khả năng của người di cư để tiếp cận với thị trường lao động và đạt được địa vị nghề nghiệp như trước khi di cư [36, pg.2-3].

Nhìn chung, theo tác giả Mary Haour-Knipe, quá trình thích ứng có thể chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu còn gọi là giai đoạn hứng khởi hay tuần trăng mật: diễn ra trong một vài tháng đầu khi cá nhân vừa di cư đến và có xu hướng bị hấp dẫn, lôi cuốn và hứng khởi được khám phá nơi ở mới, gặp gỡ những người mới, chuẩn bị nhà cửa và chuẩn bị bắt đầu một cuộc sống mới.

- Giai đoạn thất vọng: giai đoạn hứng khởi qua đi sau hai đến sáu tháng. Đây là giai đoạn các cá nhân bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các vấn đề và rắc rối vốn bị lãng quên trong giai đoạn đầu. Sự hấp dẫn về của những khác biệt văn hóa ban đầu trở thành những trở ngại, cảm giác cô đơn,… Cá nhân có cảm giác nghi ngờ tính đúng đắn của quyết định di chuyển và bắt đầu suy nghĩ về thời gian có thể ở lại nơi ở mới.

- Giai đoạn mức độ thất vọng giảm dần: Giai đoạn thất vọng có thể kéo dài một vài tháng nhưng không hoàn toàn chấm dứt, ngay cả khi cá nhân/gia đình đã ổn định chỗ ở tại nơi ở mới. Sự khác biệt văn hóa được đánh giá khách quan hơn, các mạng lưới xã hội được tái cấu trúc như kết bạn mới, và cá nhân không còn nghĩ rằng đó là một nền văn hóa mới. Đến thời điểm này, những người vốn dự định di cư trong một thời gian nhất định, có thể sẽ nghĩ về việc trở lại nơi ở cũ [28, pg.195].

Việc phân chia ba giai đoạn này chỉ mang tính chất tương đối và trên thực tế, đôi khi thời gian diễn ra ba giai đoạn này có thể thay đổi linh hoạt hơn.

Hầu hết các nghiên cứu về người di cư đến đô thị ở các nước đang phát triển cho thấy di dân có xu hướng thích ứng nhanh với môi trường mới nhưng vẫn có những sự

khác biệt giữa họ và người dân bản xứ cùng tham gia lực lượng lao động, nghề nghiệp và thu nhập vì sự khác biệt cơ bản về tuổi, giới, học vấn và thời gian di cư [29, pg.318].

Trong phạm vi nghiên cứu này, khái niệm “thích ứng” trong nghiên cứu này muốn đề cập đến những cách ứng phó của họ khi gặp khó khăn trong công việc và sự hòa nhập, thay đổi của họ để phù hợp với môi trường lao động và công việc mới. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

1.2.4. Việc làm

Khái niệm việc làm được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Việc làm hiểu theo nghĩa cơ bản nhất là các hoạt động tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Theo Irene Padavic và Barbara Reskin, việc làm bao gồm các hoạt động tạo ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho chính bản thân cá nhân hoặc cho mục đích buôn bán, trao đổi. Theo nghĩa này, việc làm được chia làm ba loại: việc làm bắt buộc trong đó bao gồm các hoạt động con người thực hiện theo nghĩa vụ bắt buộc và không được trả công hoặc trả công rất ít (ví dụ lao động của nô lệ hoặc tù nhân); việc làm được trả công và việc làm không được trả công. Hiện nay, khái niệm việc làm được các nhà kinh tế và thống kê sử dụng thường đề cập đến việc làm được trả công [34, pg.1-2]. Đây cũng là hàm nghĩa của khái niệm việc làm chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu này. Theo quy định trong điều 13, luật Lao động của Việt Nam, “mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”. Nhà nước coi việc giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc làm gắn liền với một nhân tố trong hoạt động sản xuất với kết quả là tạo ra thu nhập. Việc làm

Một phần của tài liệu việc làm cho người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị khó khăn và sự thích ứng (Qua khảo sát tại thành phố Hà Nội (Trang 27 - 34)