10. Cấu trúc của luận văn
1.3. Vài nét về địa bàn nghiên cứu
Hà Nội (chưa mở rộng) là một trong những trung tâm lớn hấp dẫn người di cư ngay từ trong quá khứ. Trong thời kì bao cấp (1954- 1986), trong khi sự di chuyển dân cư bị kiểm soát chặt chẽ thì việc nhập cư vào Hà Nội không phải là xa lạ với các cấp chính quyền. Là Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội tập trung nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Những người nhập cư đến Hà Nội trong thời kì bao cấp chủ yếu thông qua con đường tuyển dụng cán bộ và đội ngũ công nhân cho các cơ quan xí nghiệp này. Do bị khống chế bởi chế độ tem phiếu, bao cấp về lương thực và nhà ở, số lượng lao động nông thôn tự do ra Hà Nội trong thời kì này dường như rất hiếm.
Từ khi đổi mới, Hà Nội càng trở thành một điểm nhập cư hấp dẫn. Nhiều dự án kinh tế, nhiều nhà máy, các khách sạn du lịch và các công ty được đầu tư bởi các nhà kinh doanh ngoại quốc đã được xây dựng và đi vào hoạt động ở các khu công nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động nói chung. Cùng với sự phát triển của đô thị, đời sống cư dân đô thị được nâng lên, làm xuất hiện nhiều công việc chỉ đòi hỏi kĩ năng thấp hoặc không cần bằng cấp như người giúp việc nội trợ hay trông trẻ, người phụ việc, thợ xây dựng. Những công việc này thường không hấp dẫn đối với những người dân sở tại, vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động chấp nhận làm những công việc này khá rộng rãi.
Trong khi đó, do kinh tế phát triển, thu nhập của người dân Hà Nội tăng lên một cách đáng kể. GDP bình quân đầu người của Hà Nội năm 2008 ước tính vào loại cao nhất nước, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương với giá trị tương ứng lần lượt là 1719 nghìn/người/tháng; 2192 nghìn/người/tháng và 1929 nghìn/người/tháng [18, tr.228-233]. Năm 2008, chỉ tính trong nội bộ thành phố, theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê, thu nhập trung bình của nhóm hộ giàu nhất cao gấp khoảng 7,1 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, cao hơn so với khoảng cách thu nhập của năm 2002 (6,7 lần) [18, tr.228]. Không chỉ phổ biến ở Hà Nội và các vùng lân cận mà chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng về mức sống còn thể
hiện ở nhiều vùng dân cư nông thôn và đô thị khác trong cả nước. Theo kết quả Khảo sát mức sống hộ gia đình (VHLSS) năm 2002 là 8,1 lần; năm 2006 là 8,36 lần và năm 2008 là 8,9 lần [18, tr.226]. Chênh lệch giàu nghèo nông thôn - thành thị ngày càng tăng nếu tính đến các yếu tố tài sản của các bộ phận dân cư và các cơ hội của dân cư nông thôn và dân cư đô thị.
Ngược lại, ở các tỉnh lân cận với Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh, quá trình phát triển và mở rộng công nghiệp, kêu gọi đầu tư nước ngoài, quá trình đô thị hóa cũng tăng lên nhanh chóng đã làm nảy sinh tình trạng thiếu đất và điều này đã ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều gia đình nông dân bởi các mức đền bù sau khi thu hồi đất thường chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu về khôi phục mức sống sau khi bị thu hồi “ít nhất cũng phải bằng hoặc hơn” mức sống trước của các hộ dân. Trình độ tay nghề thấp hoặc không có tay nghề cũng khiến cho việc tuyển dụng con em nông dân vào các khu công nghiệp không phải là dễ dàng. Vì thế, xu hướng “tái nghèo” của nhiều gia đình nông thôn đang trở thành một vấn đề bức xúc.
Bên cạnh sự đổi mới về kinh tế, có sự thay đổi về các thể chế quản lí xã hội. Một mặt, sự xoá bỏ chế độ tem phiếu làm cho người dân không còn bị ràng buộc vào hệ thống kiểm soát và phân phối lương thực và các nhu yếu phẩm của thành phố. Mặt khác, hệ thống đăng kí nhân khẩu dù vẫn được duy trì nhưng công tác quản lí trên thực tiễn được nơi lỏng làm cho việc cư trú của người dân được dễ dàng hơn và thuận tiện hơn. Một loạt các nhà trọ rẻ tiền cho người lao động ở nhiều nơi trong thành phố xuất hiện với các thủ tục đăng kí tạm trú cho người đến thuê tạm thời không mấy phức tạp.
Tất cả những thay đổi về kinh tế, xã hội và thể chế trên đây đã làm cho lượng dân lao động di cư ngoại tỉnh, đặc biệt là dân cư từ nông thôn đến Hà Nội tìm kế sinh nhai tăng đột biến. Lực lượng chủ yếu trong đội quân di cư tự do này là những người di cư theo mùa vụ, đến Hà Nội tìm việc lúc nông nhàn, hoặc là di dân tạm thời đến kiếm sống một vài năm để có thể dành dụm vốn, trở về đầu tư và phát triển kinh tế tại quê nhà.