Các biện pháp ứng phó

Một phần của tài liệu việc làm cho người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị khó khăn và sự thích ứng (Qua khảo sát tại thành phố Hà Nội (Trang 55 - 61)

10. Cấu trúc của luận văn

2.3.1.Các biện pháp ứng phó

Công việc và cuộc sống mới tại Hà Nội đầy rẫy những khó khăn, vất vả mà đôi lúc tưởng như người di cư tự do khó có thể vượt qua được. Thậm chí, nhiều khi, họ đã nghĩ tới việc quay về quê “Cũng có nhiều lúc em cũng chán nghĩ bỏ về đấy. Về ở quê lại không phải mất tiền ăn tiền trọ nữa này” (Nam, 1980, PTTH, kéo xe đẩy). Nhưng rồi, gánh nặng mưu sinh kéo họ ở lại Hà Nội “bây giờ mà bỏ nghề thì về quê biết làm gì” (Nữ, 1962, THCS, bán hàng rong). Đặc biệt, đối với nhiều người, sự động viên, hỗ trợ của những người thân, cùng làng, cùng xã đã giúp họ đủ nghị lực bám trụ lại Hà Nội “Lúc đấy chúng em cũng chán, các anh đi trước thì các anh bảo gớm mày làm chưa quen thì cứ làm dần dần, mày mới lên làm thì làm sao được ngay. Họ cứ động viên thế, chúng em cứ kiên trì thôi. Cứ kiên trì làm dần dần thì nó quen” (Nam, 1980, PTTH, kéo xe đẩy). Để thích nghi với thị trường lao động ở Hà Nội là cả một quá trình vừa bao gồm những biện

pháp tích cực và tiêu cực, thậm chí cả thái độ chấp nhận, nhún nhường, không phản kháng lẫn chấp nhận một mức lương thấp hơn giá thị trường, hoặc tìm thêm việc, cao hơn là chuyển nghề khác

2.3.1.1. Cách thức giải quyết các khó khăn trong thời kỳ đầu đi làm việc ở Hà Nội

Dù thời kỳ đầu làm việc tại Hà Nội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng không phải khó khăn nào người di cư tự do cũng tìm được biện pháp khắc phục. Trong số 587 người gặp khó khăn có gần ½ số người cho biết giải pháp duy nhất của họ là chấp nhận khó khăn vì họ cho rằng “mình ở quê ra nên đôi khi cũng phải nhịn”

(Nữ, 1974, tiểu học, làm thuê). Số liệu này không có sự khác biệt đáng lể giữa nam và nữ với tỷ lệ tương ứng là 50,9% và 49,4%. Dường như, rất nhiều người di cư ý thức rõ địa vị thấp kém của họ nơi đô thị nên họ chấp nhận và nhẫn nhịn mọi khó khăn miễn là vẫn có thể ở lại và làm việc tại Hà Nội. Thậm chí, có người còn cho rằng “Lúc nào cũng thấy khổ nhưng kiếm được đồng tiền thì lại mừng, cũng vẫn vui, lại không nghĩ gì đến nặng nhọc nữa” (Nữ, 1974, THCS, bán hàng rong).

Bên cạnh đó, những người di cư cũng tìm được một số biện pháp để khắc phục khó khăn. Những người gặp khó khăn do thường đi lạc đường dường như dễ khắc phục khó khăn nhất. Có 22,5% đã tập đi nhiều cho quen đường. Tỷ lệ này ở 28,3%, cao hơn so với nam (chiếm 22,1%) nhưng số liệu này không có ý nghĩa về mặt thống kê (p > 0,05). Nhờ sự nỗ lực của người di cư tự do, đến thời điểm khảo sát, không còn người di cư nào được phỏng vấn còn gặp khó khăn do thường di lạc đường. “Mới lên cũng bỡ ngỡ lắm chứ. Đường đất thì mình chưa biết, mình cũng cảm thấy khó khăn, đường có khi phố nọ mình xuyên phố kia, thậm chí còn lạc đường. Rồi lại hỏi nhưng mà dần dần thì nó cũng quen” (Nữ, 1975, THCS, bán hàng rong).

Ngoài ra, những biện pháp ứng phó mang tính chủ động hơn của người di cư còn rất hạn chế. Trong khi có tới 21,6% người bị xua đuổi, không có chỗ ngồi bán ổn định thì chỉ có 1,7% người chấp nhận bỏ tiền ra mua chỗ ngồi. Như vậy, phần lớn những người gặp khó khăn này hoặc tiếp tục chịu cảnh bị xua đuổi, hoặc phải chuyển sang nghề khác. Điều này chưa hẳn do người di cư không muốn có chỗ làm

ổn định mà đôi khi do bản thân họ vốn đã nghèo nên không có đủ điều kiện kinh tế và có thể cả mối quen biết để mua được chỗ ngồi.

Biểu 3.1. Các biện pháp ứng phó với những khó khăn trong thời kỳ đầu làm việc tại Hà Nội (%)

Nguồn. Báo cáo “Sự thích ứng của người di cư tự do từ nông thôn vào thành phố và các vùng phụ cận – nghiên cứu trường hợp Hà Nội”

Để đối phó với tình trạng cạnh tranh cao, một số người lao động bắt buộc phải chấp nhận làm với giá thấp hơn giá thị trường để có việc làm (5,1%). Có 7,8% người đã cố gắng tìm thêm việc làm khác để có thể tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong các hoạt động này.

Đáng chú ý là dù rất cố gắng thích nghi với công việc đầu tiên tại Hà Nội nhưng đôi khi, khó khăn trong công việc quá lớn khiến cho 1/10 số người gặp khó khăn đã phải chuyển sang nghề khác, trong đó nam chiếm 12,7% và nữ là 9,3%. Trong phỏng vấn sâu của chúng tôi, nhiều người cho biết do công việc quá vất vả nên họ đã phải chuyển nghề.

“Mệt mỏi, cảm thấy cuộc sống khổ quá, cả cuộc đời di gánh thế này thì không thể sướng nổi nên phải chyển sang đi chợ cho đỡ khổ” (Nữ, 1974, THCS, bán hàng) hoặc “Làm nghề bốc vác một thời gian thấy hao tổn sức lực, công việc đêm hôm nên chuyển sang làm công việc đi bán hàng rong” (Nam, 1974, THCS, bán hàng rong).

Như vậy, trong thời kỳ đầu ra Hà Nội làm việc, ½ số người di cư gặp khó khăn không tìm ra giải pháp nào mà phải cố gắng chấp nhận, làm quen dần. Ngoài

ra, một tỷ lệ nhỏ trong số họ đã có một số biện pháp ứng phó tích cực như tập đi để nhớ đường, mở rộng mối quan hệ, tìm thêm việc khác. Cũng có người không chịu được đã phải chuyển nghề hoặc chấp nhận làm với giá thấp hơn. Tuy nhiên, các giải pháp mang tính tích cực hơn của cả nam và nữ đều còn rất hạn chế.

2.3.2.2. Các biện pháp ứng phó với khó khăn trong công việc hiện tại

Có thể thấy, sau một thời gian làm việc tại Hà Nội, dù đã có nhiều cố gắng để thích nghi nhưng người di cư tự do vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công việc hiện tại. Có khoảng 60% số người được hỏi vẫn gặp ít nhất một khó khăn trong công việc. Trước những khó khăn hiện tại, họ cũng có những cách ứng xử khác.

5 2.4 0.2 0 2.4 9.9 2.9 63.9 0 10 20 30 40 50 60 70 Khác Tranh luận, chứng minh bằng lý lẽ Chấp nhận, không làm gì Bỏ việc, tìm việc khác Chấp nhận làm tạm, chờ cơ hội Nhờ công đoàn can thiệp Nhờ bạn làm, đồng hương can thiệp Không quan tâm đến thái độ người khác

Biểu 3.2. Các biện pháp ứng phó với những khó khăn trong công việc hiện tại (%)

Nguồn. Báo cáo “Sự thích ứng của người di cư tự do từ nông thôn vào thành phố và các vùng phụ cận – nghiên cứu trường hợp Hà Nội”

Để đối phó với những khó khăn này, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người chọn các biện pháp ứng phó một cách chủ động như bỏ việc, tìm việc khác (0,2%), tranh luận hoặc chứng minh bằng lý lẽ (2,4%). Trong khi không có ai nhờ đến sự can thiệp của công đoàn thì có khoảng 2,4% người nhờ bạn làm, đồng hương can thiệp giúp. Kết quả này ít nhiều tiếp tục khẳng định vai trò của mạng xã hội đối với người di cư, đặc biệt là khi họ không kết nối được với sự hỗ trợ của chính phủ hoặc các hỗ trợ chính thức khác và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tổ chức quần chúng vì không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú, tạm vắng [22, tr.33]. Thậm chí, kết quả phỏng vấn sâu của chúng tôi cho thấy chỉ cần sự có mặt của hàng xóm, của người

quen cũng đã giúp họ cảm thấy tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và là động vượt qua khó khăn. “Chẳng hạn như va chạm với người ta. Người ta đến ở trước thì người ta có vẻ ghê gớm hơn mình. Mới đầu em rất chán. Nhưng em nghĩ là người ta ở được thì mình ở được. Vì là làng mình ở đây cũng đông như thế này. Có cái gì thì làng nhiều thế này thì cũng không lo gì” (Nữ, 1976, THCS, gánh hàng thuê). Như vây, mạng xã hội không chỉ đóng vai trò hỗ trợ trực tiếp, cung cấp thông tin mà còn là nguồn động viên tinh thần vô giá đối với họ. Lê Bạch D[8]ương và Khuất Thu Hồng còn cho rằng đây chính là nguồn bảo trợ cho những người di cư tự do [5, tr.118].

Tuy nhiên, đáng chú ý là tỷ lệ người chấp nhận không làm gì lên tới 63,9%, trong đó nam chiếm 63,1% và nữ là 74,0% (p < 0,05). Như vậy, phụ nữ có thái độ cam chịu, dễ chấp nhận khó khăn hơn nam giới. Dường như, sau một thời gian lăn lộn với cuộc sống và công việc ở đô thị, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, di dân đã dần quen hơn nên họ dễ chấp nhận hơn. “Đầu tiên nghe câu cái lũ nhà quê thì cũng thấy tức, sau này thì quen rồi. Vì chúng em lúc đó thì ăn mặc tuyền toàng, cũng đi dép nhưng chân tay thì bẩn tưởi (cười). Bây giờ nghe thì cũng chỉ cười mà đi thôi”

(Nữ, 1974, THCS, bán hàng rong).

Dù sao, đối với họ, Hà Nội vẫn là nơi có thể giúp họ kiếm tiền để giải quyết những khó khăn hiện tại. “Em thấy ngày xưa các cụ bảo “giàu nhà quê không bằng kẹo lê Hà Nội” có khi vẫn đúng đấy. Lên đây dù là làm việc gì, không ít thì nhiều hàng tháng ai cũng dành dụm được ít tiền gửi về cho các cháu ăn học. Nếu chỉ trông vào nông nghiệp, chỉ đủ ăn, chi tiêu học hành của con cái biết trông vào đâu” (Nam, 1975, PTTH, xe ôm).

Mặt khác, phải chăng tất cả những giải pháp mang tính phản kháng có thể có để phản ứng lại với những khó khăn người di cư đều đã cố gắng thực hiện nên giờ đây, cả nam và nữ đều chỉ còn cách chấp nhận? Bản thân sự chấp nhận của họ cũng là một nỗ lực để bám trụ lại đô thị.

“Cách đối phó với vấn đề này là lường trước và né tránh, nếu nhiều tình huống không lường trước được thì đành chịu nhịn. Theo anh đây là cách tốt nhất có thể tồn tại được ở Hà Nội, vì nhiều khi nóng lên cũng đánh nhau, nhưng cuối cùng bản thân mình bị thua thiệt vì đánh nhau thì cả hai bên đều đau, nhiều khi họ đánh

mình nhiều hơn, cuối cùng tiền hàng mình cũng không nhận được, sau cùng mình cũng thiệt. Mình xác định làm ăn ở đây thì phải chịu thua người ta thôi” (Nam, 1970, PTTH, chuyển hàng thuê).

Theo kết quả phân tích phỏng vấn sâu của chúng tôi cho thấy có người nhận thấy công việc của họ vất vả nhưng họ cho rằng đó là vì cuộc sống và họ thậm chí còn so sánh với nhiều ngành nghề khác để an ủi rằng công việc của mình đỡ vất vả hơn.

“Bây giờ thì đã làm lâu, mọi thứ ổn cả rồi nhưng thực ra việc mình làm đòi hỏi sức lực và thời gian tương đối nhiều nên thấy cũng vất vả. Nhưng thôi thì vì cuộc sống, vì đồng tiền mình phải cố gắng. Công việc của mình so với người khác cũng là thuận lợi rồi, nhiều người ở đây còn vất vả hơn. Như mấy anh làm xe đẩy đây này, hôm nào cũng đi làm đêm đến gần sáng mới về, ban ngày thì ngủ, ban đêm đi làm mà như em biết đấy, thức đêm nhiều mệt lắm, sức thanh niên mới chịu được thế chứ mấy bác có tuổi chịu sao nổi. Hay như mấy anh đi hàng rong cũng vậy, nếu suôn sẻ thì cũng có lãi đấy nhưng có phải hôm nào cũng bán hết đâu, có hôm mưa hôm gió, hôm ế hàng, hôm công an đuổi, công an phạt…” (Nam, 1982, THCS, công nhân in).

Không chỉ nỗ lực chấp nhận khó khăn, có người di cư còn nhận thấy được những tác động tích cực mà công việc tại đô thị mang lại cho họ. Theo kết quả phỏng vấn sâu của chúng tôi, có ý kiến cho rằng làm việc tại đô thị mang lại “nhiều lợi ích chứ, ngoài việc kiếm được tiền mình còn tăng kinh nghiệm, vốn sống, trong cuộc sống mình khôn ra nhiều, mình tìm được cách kiếm tiền dễ hơn, có thời gian nghỉ ngơi để chăm con và tăng sức khoẻ. (Nữ, 1973, THCS, bán hàng rong). Nhờ đó, họ có thể tiếp tục bám trụ lại với công việc đô thị. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tóm lại, có thể thấy, nếu như những khó khăn ban đầu khi mới ra Hà Nội làm việc, người di cư có khả năng ứng phó một cách chủ động hơn thì đến công việc hiện tại, họ chủ yếu chấp nhận và cố gắng nỗ lực hơn để quen dần và chung sống với những khó khăn đó. Do những khó khăn chủ yếu xuất phát từ đặc tính của khu vực kinh tế phi chính thức nên người di cư tự do khó có thể vượt qua được. Dường như phụ nữ có khả năng nhẫn nhịn hơn so với nam giới. Nếu như giai đoạn đầu, tỷ lệ nam và nữ cố gắng cam chịu, không làm gì không có sự khác biệt đáng kể

thì đến thời điểm hiện tại, số lượng phụ nữ chấp nhận khó khăn cao hơn nhiều so với nam giới. Ngược lại, tỷ lệ nam giới vượt qua được khó khăn và thích ứng với công việc và điều kiện làm việc tại đô thị có xu hướng cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên, khả năng tìm kiếm và di chuyển đến các công việc ổn định hơn trong khu vực kinh tế chính thức tuy luôn là mơ ước nhưng nằm ngoài khả năng của họ, không phân biệt là nam hay nữ. Nói cách khác, người di cư tự do dường như chỉ có thể lao động trong phân khúc thị trường dành cho họ. Vì vậy, họ luôn là một trong những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Người di cư cả nam và nữ dường như đều không có cách lựa chọn nào khác, nhưng bản thân sự chấp nhận của họ, tuy chưa chủ động, nhưng cũng là một cách thức của họ để thích nghi với công việc hiện tại. Theo phân tích của Mary Haour-Knipe về quá trình thích ứng, khi người di cư đã vượt qua được những bỡ ngỡ và cú sốc ban đầu, sự thất vọng giảm dần và họ sẽ dễ chấp nhận cuộc sống mới hơn (giai đoạn 3). Như vậy, sự chấp nhận khó khăn của người di cư cũng là một thái độ phù hợp và thể hiện sự thích ứng của họ với môi trường sống mới. Mặt khác, nếu như yếu tố mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin ban đầu và tìm việc làm thì khả năng hỗ trợ của nguồn vốn này nhằm giúp đỡ người di cư tự do vượt qua khó khăn bằng những biện pháp chủ động và tích cực chưa cao. Điều này có thể giải thích là do hệ thống quan hệ họ hàng, bạn bè, làng xóm của người di cư tự do cũng chỉ có điều kiện tương tự như họ nên khả năng giúp đỡ họ để có những giải pháp tích cực rất hạn chế.

Một phần của tài liệu việc làm cho người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị khó khăn và sự thích ứng (Qua khảo sát tại thành phố Hà Nội (Trang 55 - 61)