Quan niệm “Theo đôi, theo lứa mới thành thất gia”

Một phần của tài liệu luận văn Sự phản ánh phong tục cưới hỏi trong ca dao người Việt (Trang 26 - 28)

I. Những quan niệm mang tính tập tục trong cưới hỏi của người Việt biểu hiện trong ca dao

3.Quan niệm “Theo đôi, theo lứa mới thành thất gia”

Nằm trong tâm thức của người Á Đông, người Việt Nam luôn coi trọng tín ngưỡng. Tôn thờ tín ngưỡng, người Việt mang trong mình những triết lí duy tâm theo kiểu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cho nên phàm trong bất cứ chuyện gì quan trọng người Việt thường chú trọng tới sự thiêng liêng và những điều cấm kị.

Hôn nhân là việc quan trọng trong cuộc đời con người, nên khi xây dựng gia đình ngoài việc kén chọn theo những tiêu chuẩn nhất định thì vấn đề “hợp tuổi” hay “so tuổi” cũng được quan tâm. Có hợp tuổi với nhau thì đôi vợ chồng trẻ mới có thể sống hòa thuận, hạnh phúc và gặp những điều may mắn trong việc làm ăn, phát triển giống nòi bảo đảm cuộc sống gia đình. Ngược lại nếu không hợp tuổi thì sẽ phải sống khổ sở theo nghĩa nghèo về vật chất và gặp phải những điều bất hạnh trong cuộc sống. Ca dao phản ánh vấn đề hợp tuổi, so tuổi chỉ chiếm một số lượng ít, 4 bài (chiếm 2,46%) trong tổng số những bài ca dao phản ánh phong tục cưới hỏi.

Trước khi tính tới chuyện trăm năm, người ta thường quan tâm tới việc so tuổi của hai người. Việc này thường nằm trong nghi thức Vấn danh – đó là nghi thức nhà trai đưa lễ vật và một số thư từ xin cho biết cụ thể tên tuổi, ngày tháng năm sinh của cô dâu tương lai, căn cứ vào đó mà làm lễ bói xem có được quẻ tốt, có hợp tuổi nhau không:

- “Ai về nhắn hỏi cô Ba Năm nay mười tám hay là đôi mươi

Để ta so tuổi hai người Thử xem có được tốt đôi chăng là”

Trong quan niệm của dân gian, nếu hai người không mắc phải những tuổi kị nhau, xung khắc nhau thì tuổi đẹp nhất để kết ngãi Châu Trần đó là “trai hơn một, gái hơn hai”:

- “...Mình lấy được ta Thì hoa tươi tốt Tuổi mình hăm mốt

Tuổi ta hăm hai Nhất gái hơn hai Nhì trai hơn một Duyên tươi duyên tốt

Khéo kết nên đôi Lấy được nhau rồi Hoa còn thơm mãi”

Mượn câu chuyện các loài hoa để nói về tình ý của mình và khẳng định mối lương duyên này sẽ tốt đẹp, em sẽ là bông hoa “thơm mãi” bởi tuổi tác ta và nàng đúng theo quan niệm dân gian. Đó là cái trí thông minh, cái tài khéo léo của chàng trai.

Tuổi tác hợp nhau, ăn khớp với nhau, sẽ đem đến một cuộc sống sinh sôi nảy nở, hạnh phúc:

- “...Đôi ta tốt số lấy nhau Một số thời giàu, hai số lắm con

Đẻ ra con đẹp, con giòn

Con đẹp giống mẹ, con giòn giống cha Gái thì giữ việc trong nhà

Trai thì đi học đỗ ba khoa liền Khoa trước thì đỗ trạng nguyên Khoa sau tiến sĩ đỗ liền ba khoa”

Một cuộc sống sung túc, sinh sôi nảy nở vuông tròn trong một gia đình nhỏ - Đó là những ước mơ giản đơn và muôn đời trong tâm hồn người bình dân. Những khát khao nhỏ bé nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn lớn lao, trở thành một quan niệm được phản ánh trong ca dao cưới hỏi của người Việt.

Một phần của tài liệu luận văn Sự phản ánh phong tục cưới hỏi trong ca dao người Việt (Trang 26 - 28)