Những hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong ca dao cưới hỏ

Một phần của tài liệu luận văn Sự phản ánh phong tục cưới hỏi trong ca dao người Việt (Trang 42 - 46)

II. Biểu hiện của nghi thức cưới hỏi qua ca dao người Việt 1 Nghi thức thách cưới, đưa sính lễ cưới hỏ

3.2Những hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong ca dao cưới hỏ

3. 3Ý nghĩa của những con số và hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong ca dao cưới hỏ

3.2Những hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong ca dao cưới hỏ

Trong ca dao phản ánh phong tục cưới hỏi của người Việt ta thấy bên cạnh những quan niệm, nghi lễ không thể thiếu được, ở đó còn xuất hiện nhiều hình ảnh như là dấu ấn đặc trưng riêng của cưới hỏi.

* Hình ảnh trầu, cau

Thống kê trong 162 bài ca dao cưới hỏi, hình ảnh trầu cau có tần số lặp lại 42 lần, nó xuất hiện trong những lời thách cưới và dẫn cưới. Bắt rễ từ câu chuyện tình đầy cảm động, mà tục ăn trầu và vai trò của trầu cau trong đời sống người Việt đã có từ hàng ngàn năm nay. Sự có mặt của trầu cau trong các dịp lễ sự là không thể thiếu và đặc biệt trong cưới hỏi thì trầu cau đã trở thành biểu tượng, thành lễ vật đính ước, tượng trưng cho nghĩa tình bền vững. Nhà gái nhận trầu cau của nhà trai coi như là đã đồng ý, chấp nhận chuyện hôn nhân.

Với vai trò và tầm quan trọng của trầu cau, trong những lễ vật dẫn cưới người Việt hết sức coi trọng và lựa chọn cẩn thận theo những tiêu chuẩn nhất định:

- “Cho anh một miếng trầu vàng” - “Cau non trăm thúng họ hàng ăn chơi”

Người Việt lựa chọn “cau non” chứ không phải “cau già” hay “cau đứng hạt”. Đó là loại cau còn non, có dáng trái đào, vỏ màu xanh ngọc nhạt, có cùi mềm, thịt trắng nõn và dày, hạt thì phơn phớt lòng tôm. Khi thưởng thức sẽ cảm thấy giòn và sau lại thấy dẻo và ngọt. “Cau non” lại phải ăn với “trầu vàng” thì mới cảm thấy vị ngon, bởi nếu chọn lá trầu xanh rì thì khi ăn sẽ cay. Trái lại, lá trầu nào có màu xanh ngả vàng thì là trầu non, ăn sẽ cảm nhận được vị thơm và cay dịu.

Trầu cau trong cưới hỏi là lễ vật để dâng lên khấn gia tiên và để dâng mời xin phép các vị cao niên tổ chức lễ cưới. Đồng thời trầu cau còn được dùng chia khắp cho họ mạc, làng xóm như là tín hiệu báo hỉ. Vì vậy, cau trầu được người Việt cẩn trọng lựa chọn từ bao đời nay như đã trở thành một nghệ thuật.

* Hình ảnh con lợn béo

Lợn là con vật có tính thiêng, nó được dùng để cúng tế vào các dịp lễ và trong cưới hỏi nó cũng không thể thiếu được. Khảo sát trong 162 bài ca dao cưới hỏi, hình ảnh con lợn xuất hiện tới 35 lần.

Lợn nằm trong sính lễ mà nhà trai phải chuẩn bị để bên nhà cô dâu thết đãi họ hàng làng xóm:

- “Anh về sắm nếp cho dư Sắm con lợn béo để tháng tư em về”

Lợn béo xét về ý nghĩa vật chất nó vừa có thịt nạc lại vừa có thịt mỡ, đảm bảo chế biến được nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn. Theo ý nghĩa tượng trưng thì hình ảnh con lợn béo chính là biểu tượng của sự phì nhiêu, giàu có, phồn thịnh và hạnh phúc, theo đó nó cũng chính là biểu tượng về một cuộc sống phồn thịnh và sung túc cho đôi lứa trong tương lai.

* Hình ảnh rượu tăm

Rượu là một thứ đồ uống có mặt trên đất nước từ rất sớm, trong các lễ sự nó cũng không thể thiếu được. Trong lễ cưới hỏi nó cũng không thể vắng mặt. Khảo sát trong 162 bài ca dao cưới hỏi, rượu xuất hiện 17 lần. Tuy đây chưa phải là sự lặp lại với tần số cao nhưng rượu lại đóng vai trò quan trọng trong cưới hỏi. Rượu trong sính lễ đòi hỏi phải là rượu tăm:

- “Một con lợn béo, một vò rượu tăm”

Rượu tăm là rượu có nồng độ cao, ngon, khi rót ra thường sủi tăm. Rượu được dâng lên tổ tiên như là để khai vị kính cáo với tổ tiên bên họ nhà gái để xin phép cưới dâu vậy. Hơn nữa, do tính năng đặc biệt là hơi men khi kết hợp với những thực phẩm như thịt lợn, nó khiến người ta ấm lòng, dãn gân cốt, sẽ cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc hơn trong ngày lễ trọng đại của con người.

* Hình ảnh chè (trà)

Chè cũng là một trong những lễ vật nằm trong sính lễ mà nhà trai phải chuẩn bị để mang sang nhà gái. Mặc dù đây là hình ảnh có số lần xuất hiện không cao nhưng nó là thứ lễ vật đã có trong phong tục cưới hỏi của người xưa và vẫn tiếp tục di lưu tới ngày nay như một thứ lễ vật không thể thiếu.

- “Chờ mau đến tết, cho hết năm nay Chè Ô long bốn gói, đường cát rày năm cân ...Cậy ông mai tới nói xem phụ mẫu em phân thế nào”

Người ta không biết cổ nhân đã gắn chè với đại sự hôn nhân từ khi nào. Nhưng chè là loại cây có những tính năng đặc trưng mà gắn với hôn nhân nó lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa. “Cổ nhân cho rằng chè không thể di thực, di thực sẽ bị chết khô, là một thứ “chí tính bất di” đã trồng chè không thể đem đi chỗ khác được. Dùng chè trong tục lệ cưới xin chính là dùng tính “chí tính bất di” tượng trưng cho cô dâu chú rể thủy chung như nhất...Chè trồng sẽ sinh ra hạt cây con (trà thực sinh tử). Đặc tính này của chè cũng tượng trưng cho sự kế thừa truyền thống giống nòi, con cháu đông đúc” [5].

Chè là thứ lễ vật chứa đựng nhiều ý nghĩa, bởi thế cho đến ngày nay trong cưới hỏi, người Việt cũng không thể thiếu chè.

Đây là bốn hình ảnh đặc trưng trong sính lễ cưới hỏi, cũng là những hình ảnh mang nhiều ý nghĩa nhất. Cho dù trong thời đại ngày hôm nay có rất nhiều lễ vật khác nhưng sẽ chẳng thể nào vắng bóng được trầu cau, lợn béo, rượu tăm và chè.

* Tiểu kết

Dưới góc nhìn văn hóa, qua ca dao phản ánh phong tục cưới hỏi của người Việt ta tìm được biết bao điều. Ca dao cho ta một cái nhìn khái quát về những quan niệm mang tính tập tục không thể thiếu được trong cưới hỏi từ bao đời nay đến những nghi thức, nghi lễ đặc trưng nhất của cưới hỏi như: thách cưới, nộp cheo. Mỗi nghi thức mang những nét đẹp nhưng cũng tồn tại những hạn chế nhất định mà qua ca dao ta có một cái nhìn toàn diện.

Đặc biệt trong ca dao cưới hỏi có sử dụng những con số và hình ảnh xuất hiện nhiều lần, đó là tài năng của những người nghệ sĩ bình dân khéo léo gửi gắm những ước mơ, khát vọng của mình qua những hình ảnh và con số.

CHƯƠNG III

Một phần của tài liệu luận văn Sự phản ánh phong tục cưới hỏi trong ca dao người Việt (Trang 42 - 46)