CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND cấp huyện ở nước ta hiện nay (Trang 33 - 36)

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

2.1.CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

Theo qui định của pháp luật hiện hành, UBND cấp huyện bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các ủy viên UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

- Thành viên của UBND cấp huyện:

Theo qui định tại Điều 119 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, UBND cấp huyện gồm có các thành viên:

+ Chủ tịch UBND:

Theo qui định của Điều 126 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Chủ tịch UBND là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo qui định của Điều 127 của Luật, cùng với tập thể UBND chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, UBND phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của các cơ quan chuyên môn trực thuộc và của UBND cấp xã; đình chỉ thi hành nghị quyết sai trái của HĐND cấp dưới, đồng thời đề nghị HĐND cấp huyện bãi bỏ những nghị quyết đó.

+ Các Phó Chủ tịch. + Các ủy viên.

Phó Chủ tịch UBND và các ủy viên là các thành viên của UBND, được HĐND bầu ra theo đề nghị của Chủ tịch UBND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch UBND phân công và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Điều 126).

- Vị trí thành viên UBND:

Theo qui định tại Điều 51 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, thành viên của UBND do HĐND bầu ra ngay từ phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất mỗi khóa, trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện - một thành viên của UBND được bầu trong số các đại biểu HĐND theo sự giới thiệu của Chủ tịch HĐND cấp huyện. Theo qui định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, người được bầu là Chủ tịch UBND phải là đại biểu HĐND, các Phó Chủ tịch, các thành viên khác của UBND có thể không nhất thiết là đại biểu HĐND nhưng phải do HĐND bầu theo sự giới thiệu của Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, để chính thức trở thành thành viên UBND cấp huyện, các thành viên UBND khi được bầu còn cần phải có sự phê chuẩn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

- Vai trò của thành viên UBND cấp huyện:

Tùy thuộc vị trí của mình trong UBND, các thành viên UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cá nhân về những phạm vi công tác của mình trước HĐND, UBND cấp huyện và cùng chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND trước HĐND cấp huyện và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Như vậy, có thể nói với vị trí của mình, các thành viên của UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực thi ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bằng việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên nhằm đảm bảo thực hiện các chủ trương, biện pháp phát triển địa phương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với vị trí, vai trò như trên, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên UBND là thực hiện các chức năng của UBND, cơ bản nhất là tổ chức thực hiện pháp luật, nghị quyết của HĐND huyện và các cơ quan nhà nước cấp trên. Để hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các thành viên UBND cấp huyện phải hiểu biết pháp luật, nắm vững các nghị quyết của HĐND huyện và các chủ trương, chính sách của cấp trên theo những lĩnh vực được phân công phụ trách và tham gia vào các quyết định của UBND cấp huyện. Nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của thành viên UBND là:

+ Thực hiện đúng những chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, HĐND nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

+ Thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Ban thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

+ Phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện và các ban của HĐND huyện chuẩn bị nội dung các kỳ họp của HĐND, xây dựng các đề án trình HĐND cấp huyện xem xét, quyết định.

+ Giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể nhân dân địa phương.

+ Báo cáo công tác trước HĐND cấp huyện và UBND cấp tỉnh.

+ Thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề về chương trình làm việc của UBND; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; kế hoạch đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm; kế hoạch huy động nguồn nhân lực, tài chính để giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương để trình HĐND cấp huyện; các biện pháp thực hiện nghị quyết của HĐND cấp huyện về kinh tế xã hội; thông qua báo cáo của UBND trước HĐND... Các quyết định của UBND phải được quá nửa số thành viên của UBND tán thành.

+ Ra quyết định, chỉ thị về những vấn đề thuộc chuyên môn của mình và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản pháp luật, nghị quyết của HĐND cấp huyện và cấp trên.

Nhiệm vụ, quyền hạn chung nêu trên được thể hiện cụ thể trong hoạt động thực tế thông qua những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện theo các lĩnh vực quản lý nhà nước trong đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND cấp huyện ở nước ta hiện nay (Trang 33 - 36)