Phật giáo và sự nhìn nhận về thế giới, con ngườ

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần ở huyện An Dương - Hải Phòng hiện nay (Trang 55 - 59)

Khi nhìn nhận về vạn vật, con người cũng như thân phận, cuộc sống của mình trong trời đất, người An Dương thể hiện cái nhìn đan quyện vừa mang yếu tố bản địa, xuất phát từ điều kiện sống của họ và có cả sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho, Phật, Lão, trong đó yếu tố Phật giáo là rõ nét nhất. Tuy nhiên, sự phân biệt trên chỉ có ý nghĩa tương đối vì trong tư tưởng của mỗi người cũng như tư tưởng chung của người dân nơi đây có sự trộn lẫn, đan hoà giữa những yếu tố đó.

Cũng như ở nhiều địa phương khác, người An Dương không tin vào quỷ thần hay một lưc lượng siêu nhiên nào đó chi phối cuộc sống hàng ngày của họ. Đa số họ tin rằng có những "người thiêng" luôn theo mình và có thể mang đến những những tai ương hay may mắn nên họ vẫn nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Một bộ phận lớn người dân An Dương (nhất là

những người cao tuổi, phụ nữ và những người làm nghề buôn bán) rất chú ý đến những ngày, những con số mà không biết từ bao giờ đã được dân gian quan niệm là xấu và đẹp. Có thể chưa hẳn là họ tin những điều đó mang đến may mắn hay bất hạnh mà có lẽ do tâm lý “có kiêng có lành” để cho tinh thần được thoả mái. Ta thấy phảng phất trong suy nghĩ đó tư tưởng của Đạo giáo về việc thờ cúng quỷ thần. Người An Dương yêu cuộc sống hài hoà với tự nhiên, nhiều người (đặc biệt là những người già) thích cuộc sống vô vi, đạm bạc, không để ý nhiều đến chuyện sống chết, sướng khổ. Tư tưởng này mang dấu ấn của Lão giáo, đề cao cuộc sống hài hoà với tự nhiên, sống vô vi, chất phát.

Những tư tưởng của Nho giáo, Lão giáo mặc dù có những ảnh hưởng nhất định đối với người An Dương nhưng nhìn chung nó vẫn chưa thoả mãn với nhu cầu nhận thức và tâm lý của họ. Phật giáo với hệ thống giáo lý phong phú đã đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống như sướng khổ, hoạ phúc, sinh tử… nên nó gần gũi và thoả mãn hơn với tâm lý con người nơi đây. Vì vậy, Phật giáo vẫn ảnh hưởng và chi phối đến cách nhìn về thế giới, về con người và cuộc sống người dân nhiều nhất.

Phật giáo đi vào đời sống tinh thần của họ trước hết vì thuyết nhân quả luân hồi của nhà Phật không những không cản trở quan niệm về linh hồn của người Việt mà còn có nhiều điểm tương đồng. Quan niệm về Tam giới, Lục độ của nhà Phật rất gần gũi với tín ngưỡng bản địa về Tam Phủ, với quan niệm Tam tài của Nho giáo đã ăn sâu trong tư tưởng của một bộ phận lớn nhân dân. Chính vì sự hoà nhập này mà trong rất nhiều bàn thờ của các hộ dân có cả Phật, Tiên, Thánh, Tổ tiên. Ở nhiều chùa có thờ cả thần mây, thần mưa, các Đức Ông, các Mẫu… Sự ảnh hưởng của Phật giáo đến quan niệm về cuộc sống và con người của người dân nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lứa

tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn… Mỗi người tìm thấy trong tư tưởng Phật giáo những ý nghĩa gần với thân phận và cuộc sống của bản thân.

Phật giáo cho rằng mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ (vạn pháp) luôn nằm trong quá trình vận động, biến đổi không ngừng (vạn pháp vô thường) theo quy luật thành - trụ - hoại - không hay sinh - trụ - di - diệt nên không có gì là thường hằng, bất biến. Vạn pháp không có tự tính, tức không có cái mà nhờ đó có thể gọi nó là nó (vạn pháp vô ngã). Ngay cả con người cũng chỉ là sự kết hợp động của Ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức), bởi vậy con người cũng là vô ngã. Đã là vô ngã sẽ không có cái gì được gọi là tôi thì sống với chết, sinh với tử có ý nghĩa gì, đó chẳng qua chỉ là đổi thay, hợp tan của Ngũ uẩn. Quan niệm này ngấm sâu vào nếp nghĩ của người An Dương, nhất là đối với những người già, khiến họ sống rất ung dung tự tại. Vạn vật, con người và cuộc đời con người cũng chỉ là ảo giả, tạm bợ nên họ quan niệm “sống là gửi, thác là về”.

Phật giáo nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng cũng như con người trong mối quan hệ nhân quả, trong tính nhân quả nên người dân hay nói với nhau: “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”, “gieo gió thì gặp bão”. Khi gặp chuyện không may, bất trắc người dân hay nghĩ kiếp trước đã ăn ở thế nào mà kiếp này phải gánh chịu. Khi gặp phúc lớn, may mắn thì mọi người hay nói đã tu ở kiếp trước hay “ở hiền gặp lành”…

Phật giáo cho rằng nếu tâm vô minh, mê muội, u ám, không sáng, vọng động thì sẽ xuất hiện ta - vật (thế giới vật chất), tâm - cảnh (thế giới bên ngoài). Như vậy, do tâm vô minh, u ám mà con người và thế giới hiện tượng xuất hiện. Khi tâm sáng suốt, tĩnh lặng thì cảnh cũng không, mà tâm cũng không. Đây là quan điểm mang tính duy tâm, nhưng ở một khía cạnh nhất định nó đề cao sức mạnh nội tâm của con người. Chú ý tới nội tâm làm cho người dân hướng nhiều vào tâm, vào thế giới bên trong thì họ sẽ sống kín đáo,

giàu tình cảm, thường xuyên suy tư, chiêm nghiệm thân phận, về cuộc sống và đạo làm người. Ở An Dương, người dân lên chùa để giữ cho tâm thanh tịnh, trong sáng. Các gia đình Phật tử và những người dân có cảm tình với Phật giáo thường treo hoặc thờ chữ tâm trong nhà. Họ coi trọng chữ tâm, kính trọng và nể sợ những người có tài thu phục nhân tâm. Trong mọi mối quan hệ, mọi vấn đề quan trọng, người ta hay đề cao tấm lòng, là thành tâm, thực bụng. Nói cách khác là “cốt ở cái tâm”, là “của ít lòng nhiều”, làm việc gì cũng phải thành tâm, thành ý. Người ta qua lại với nhau, yêu quý nhau là ở cái tâm chứ không chú ý nhiều tới những giá trị vật chất.

Trong quan niệm của Phật giáo thì con người được tạo thành từ hai phần là vật chất (cơ thể) và tinh thần, thân và tâm, vì thế nỗi khổ của con người là nỗi khổ về thân xác và khổ về tinh thần (khổ tâm). Trong cuộc sống hàng ngày, người An Dương hay nói về nỗi khổ tâm, và chú trọng đến việc giữ gìn cái tâm. Bởi vì từ khổ tâm, từ sự bất an về tinh thần sẽ dẫn đến nhiều thứ tồi tệ khác. Mọi người thường khuyên nhau, khuyên người khác khi có việc lo lắng là “yên tâm”, “an tâm”. Họ biết nếu tâm không yên, nếu nóng nảy sẽ mất khôn. Muốn an tâm thì mỗi người phải sống chính trực, trong sạch. Vì thế “đói cho sạch, rách cho thơm”. Người dân đề cao sự thanh thản, an nhàn của tâm nên “cơm mắm cáy, gáy o o”.

Tư tưởng nhà Phật khẳng định: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, tức là một ngày không lao động thì một ngày không ăn, lấy việc phục vụ xã hội làm một trong những tiêu chí cơ bản của việc tu hành. Tư tưởng này đã góp phần giáo dục quan điểm sống cho người tu hành cũng như những người dân ở An Dương phải tự lực, tự chủ, phải có tinh thần, thái độ hăng hái lao động sản xuất. Lao động sản xuất là cái gốc, động lực của mọi hoạt động xã hội. Với tinh thần này, các nhà sư ở chùa đang không ngừng tận dụng đất đai

sống của Tăng Ni được ổn định, các nhà sư đã tự khẳng định là họ không phải vào chùa để ăn bám của bố thí.

Quan điểm tôn trọng lao động sản xuất, sẵn sàng chịu đựng mọi sự bần khổ của nhà Phật được thông qua cuộc sống thực tiễn của các nhà sư đã thấm vào các tầng lớp quần chúng lao động. Đối với vùng đất An Dương - nơi mà con người không ngừng phải vươn lên trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, trong lao động phải luôn cần cù, chịu khó, một nắng hai sương thì lại càng cho thấy đúng như tinh thần Phật giáo: Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực.

Tư tưởng vô thường của Phật giáo có ảnh hưởng đến tư duy, lối sống của người lao động An Dương. Người dân An Dương luôn năng động, sáng tạo, luôn vận động nhanh nhạy trước những biến đổi, yêu cầu của cuộc sống chứ không “nặng tâm”, khó biến đổi như người Huế. Trong sự đổi mới, phát triển của nền kinh tế hiện nay, nhiều Phật tử đã tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, đồng thời khắc phục khó khăn để vươn lên lao động sản xuất, làm giầu. Như thế tức là họ đã vượt lên mọi hoàn cảnh, vượt lên chính mình. Đức Phật dạy rằng không phải do dòng đời, mà chỉ do đạo đức của mình con người mới có thể trở thành kẻ hạ đẳng hoặc Brahman. Trong nền kinh tế năng động hiện nay đòi hỏi con người phải không ngừng nỗ lực vươn lên, làm theo năng lực, hưởng theo khả năng, hiệu quả lao động… Những tư tưởng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến những Phật tử và cả những người có thiện cảm với Phật giáo. Trong lao động sản xuất, người dân An Dương đã luôn độc lập, tự chủ, sáng tạo… Đây là những yếu tố có vai trò quan trọng đưa huyện An Dương từng bước phát triển vững chắc.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần ở huyện An Dương - Hải Phòng hiện nay (Trang 55 - 59)