6. Bố cục của luận văn
1.2.2. Cấu trúc tác phẩm
Như chính Nabokov đã khẳng định, ông viết Lolita không phải để nói đến những bài học đạo đức, mà chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật để tạo ra những ân phước thẩm mỹ. Cấu trúc tác phẩm chính là một sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo như thế.
Lolita có kết cấu truyện lồng trong truyện. Tác phẩm mở đầu bằng phần “Lời nói đầu” của tiến sĩ John Ray, Jr. Thực chất nhân vật này do Nabokov sáng tạo nên. Trong phần này, John Ray đã khéo léo đề cập đến tính xác thực của câu chuyện ở chỗ người đọc có thể tra cứu tin về vụ việc trên báo: “Những ai tò mò muốn tìm hiểu kĩ có thể truy cứu các tư liệu liên quan đến tội hình sự của „H.H‟ trên các báo hàng ngày trong tháng Chín năm 1952” và tìm thấy các nhân vật của truyện trong cuộc sống thực như Mona, Rita, Vivian Darkbloom… [13, tr. 8-9]. John cũng cố gắng đứng ở góc độ đạo đức mà tạo nên một sự an toàn về mặt luân lí cho tác phẩm để nó dễ được đông đảo độc giả chấp nhận hơn: phê phán Humbert “ông ta thật gớm ghiếc, ông ta thật bỉ ổi, ông ta là một thí dụ nổi bật về chứng phong hủi đạo đức”; nói đến cái chết của tù nhân Humbert để nhấn mạnh rằng hắn ta đã phải đền tội cho những việc sai trái mà mình đã làm; nhấn mạnh rằng tác phẩm “luôn kiên định hướng tới tôn vinh đạo đức”. Đồng thời, tiến sĩ cũng nhắc đến những giá trị để ủng hộ cho sự tồn tại của tác phẩm: coi cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật lớn,
đồng thời là một hồ sơ bệnh án kinh điển để nghiên cứu tâm thần, là bài học phổ quát về việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, John cũng chỉ nói rất chừng mực, tránh để lộ kết thúc của câu chuyện để gây tò mò với độc giả. Ông ta không nói rõ Humbert bị đi tù vì tội gì, nhắc đến Lolita dưới cái tên “bà Richard F. Schiller” giữa những tên khác như Mona, Rita,…
Từ lời mở đầu của John Ray, mở ra câu chuyện của Humbert trong tù; từ Humbert trong tù mở ra câu chuyện của Humbert và Lolita; từ câu chuyện của Humbert và Lolita mở ra câu chuyện của cậu bé Humbert và cô bé Annabel bên bờ biển: “Có ai trước em không nhỉ? Quả thật là đã có. Trên thực tế, có thể sẽ chẳng bao giờ có Lolita nào hết nếu vào một mùa hè nào đó, tôi đã không yêu một bé gái đầu tiên. Ở một công quốc bên bờ biển… Khoảng ngần ấy năm trước khi Lolita ra đời, bằng số tuổi tôi vào mùa hè ấy” [13, tr. 15-16]; và chuyện về Humbert – Valeria, Humbert – Charlotte, Humbert – Rita…
Có thể nói kết cấu của Lolita là sự đan xen, lồng ghép nhiều câu chuyện mà ta thường gọi là kết cấu búp bê Matryoshka. Tuy nhiên, khi tác phẩm được chuyển thể thành phim, kiểu kết cấu phức tạp này sẽ khiến khán giả khó theo dõi, vì thế nên nó bị phá vỡ. Trong cả hai phiên bản phim, người xem không còn thấy lời của John Ray, không thấy câu chuyện Humbert – Valeria, Humbert – Rita… Nếu như phiên bản phim 1997 có điểm qua mối tình thơ ấu giữa Humbert và Annabel, thì phiên bản 1962 thậm chí không đề cập đến câu chuyện này, mặc dù đây là một yếu tố quan trọng khơi nguồn nỗi ám ảnh của Humbert về các tiểu nữ thần, là mở đầu cho câu chuyện giữa Humbert và Lolita. Kết cấu của truyện bị phá vỡ khiến cho phim, nhất là phiên bản 1962, mất đi tính logic; nhân vật Humbert không còn phức tạp và không có chiều sâu với nhiều mối quan hệ khác nhau, với những lần “hóa dại” và nghi ngờ “có khả năng trở nên đồng giới dục tính”…
Xét ở góc nhìn khác, Lolita có một kiểu kết cấu hết sức độc đáo, giống như dáng hình chiếc đồng hồ cát – như tên hồ Hourglass đã được Humbert nhắc đến nhiều lần. Ngoài phần mở đầu của John Ray, tiểu thuyết gồm 329 trang tiếng Anh, được chia thành hai phần cân đối giống như hai phần của chiếc đồng hồ cát: phần
một gồm 144 trang với 33 chương, phần hai gồm 185 trang với 36 chương. Hai phần này có mối quan hệ soi chiếu với nhau như soi gương.
Trong phần một, từ chương 1 đến chương 9, Humbert chưa gặp Lolita; đến chương 10 Humbert đến thuê nhà Charlotte và lần đầu tiên gặp tiểu nữ thần. Sang phần hai, từ chương 22 đến chương 36, Lolita mất tích ở bệnh viện. Từ chương 9 phần một trở về trước, trước khi gặp Lolita, Humbert sống với vợ là Valeria; từ chương 23 phần hai trở về sau, Humbert sống với cô nhân tình Rita. Ở chương 20 phần một, Charlotte có nói đến chiếc đồng hồ “waterproof” (không thấm nước) để rồi từ đó Jean chuẩn bị kể về cháu của nha sĩ Quilty – tức Clare Quilty – nhưng rồi bị sự xuất hiện của John ngăn lại. Sang phần hai, ở chương 29, khi Lolita kể về Quilty, hình ảnh “waterproof” được tái hiện trong đầu Humbert.
Trong phần hai, Humbert và Lolita đến Beardsley, sau đó đến Elphinstone và Lolita biến mất ở đây, rồi Humbert lại quay lại Beardsley tìm Lolita. Cũng trong phần hai này, một nửa phần hai là Quilty theo dõi Humbert, và nửa sau là Humbert truy tìm Quilty. Kết cấu này khiến cho tác phẩm rất cân đối nó ám chỉ đến vấn đề số phận, định mệnh, đúng như Humbert luôn bị ám ảnh bởi bàn tay của McFate – số phận. Nếu tìm hiểu kĩ cách kết cấu này, thì ngay từ khi Lolita vẫn ở bên Humbert, người đọc cũng có thể đoán ra một ngày nào đó cô bé sẽ rời khỏi tầm tay của cha dượng.
Tuy nhiên, kiểu kết cấu hai phần cân đối độc đáo nhưng phức tạp này cũng đã hoàn vắng bóng trong phim. Thay vào đó, hai nhà làm phim đều dùng kiểu kết cấu vòng tròn khá phổ biến: mở đầu ở thời điểm Humbert tìm và giết Quilty, sau đó hồi tưởng lại quá khứ về Lolita như để lý giải cho nguyên nhân cuộc quyết đấu của họ.
Sinh thời Nabokov rất thích môn cờ vua, đặc biệt là cờ thế. Ông thường nhắc đến bộ môn này trong nhiều tác phẩm của mình và Lolita không phải là ngoại lệ. Xét về không gian, các nhân vật trong truyện rong ruổi trên khắp 50 bang của nước Mỹ, như các quân cờ chạy trên bàn cờ vua: “con đường của chúng tôi bắt đầu bằng một loạt những khúc quanh co ngoắt ngoéo ở New England, rồi lượn xuống phía Nam, lên lên xuống xuống, quẹo đông rẽ Tây; dấn sâu vào… Dixieland… quặt sang phía Tây, đi ngoằn ngoèo theo hình chữ chi qua những cánh đồng ngô và bông…
băng qua băng lại dãy Rocky, nấn ná lại những sa mạc phương Nam để nghỉ đông ở đó, tới Thái Bình Dương, ngược lên Bắc... tới sát biên giới Canada; và tiếp tục đi về phía Đông… và kết thúc ở Beardsley” [13, tr. 205-206]. Sau khi từ Beardsley ra đi, có lúc Quilty theo dấu Humbert, có lúc Humbert lần theo dấu vết của Quilty. Ở Beardsley, một hôm cô giáo dạy piano Miss Emperor gọi điện đến báo rằng Lolita đã bỏ hai buổi học. Lúc đó Humbert đang chơi cờ với ông Gaston và Hum đang sắp mất quân Hậu. Điều này ám chỉ rằng Humbert đang sắp mất Lolita. Nhưng thật bất ngờ, sau “một giờ thê thảm”, Humbert cũng giành được kết quả hòa; và sự thật thì lần đó Lolita đã cãi nhau với Humbert, bỏ đi, nhưng rồi lại quay lại. Khi chuyển thành phim, đặc biệt ở phiên bản 1962, những di chuyển trong không gian này cũng không được mô tả đầy đủ như trong truyện.
Xét ở góc độ khác, Lolita không dựa nhiều vào những sự kiện mà được hình thành từ những liên tưởng, tưởng tượng, hồi ức, lập luận đan xen chằng chịt của Humbert. Truyện chú ý nhiều đến dòng suy tưởng của Humbert hơn là yếu tố cốt truyện. Thực chất, Lolita là “Lời thú tội của một gã đàn ông da trắng góa vợ”, là tâm sự của một kẻ điên khùng (như lời tiến sĩ John Ray trong “Lời mở đầu”) nên nó hỗn độn theo dòng cảm xúc, chứ không chú trọng đến cốt truyện. Khung của tác phẩm không phải là cốt truyện với những tình tiết, sự kiện theo tuyến tính thời gian, mà là những suy nghĩ, tưởng tượng của Humbert. Đôi khi, các sự kiện chỉ là yếu tố minh họa cho những suy tưởng của người đàn ông này. Ví dụ như trên đường rời Beardsley, sau sự việc chiếc xe xịt lốp giữa đường, Humbert nghi ngờ Lolita có liên hệ với người đang theo dõi họ nhưng cố giấu ông; sự che giấu khéo léo này chứng tỏ Lolita có kĩ năng lừa lọc; kĩ năng ấy do chính thời kì tập kịch mang lại; khi tập kịch em rất xinh đẹp; nhưng sự xinh đẹp lúc tập kịch vẫn không thể so với lúc em chơi tennis; rồi Humbert miêu tả cách chơi tennis tuyệt đẹp của Lolita; từ đó ông lại kể lại lần chơi trong đó Lo đã kết hợp với Bill, Fay và Quilty để lừa ông. Hay như sau khi gặp Lolita lần cuối, Humbert chợt nhớ lại rằng trước đó hai năm, ông ta đã nhờ đến tôn giáo nhằm xua đi cảm giác tội lỗi mà không thể; rồi trí nhớ của ông ta lại trở ngược xa hơn nữa, tới những ngày “trong
chuyến hành trình đầu tiên của chúng tôi”, khi Humbert nhận thấy vẻ buồn chán bất lực, nhận thấy khao khát về một cuộc sống gia đình bình thường của Lo… nhưng chính ông đã lờ đi chỉ vì những “toan tính nhục dục sâu xa nhường nào” của mình [13, tr. 385-392]. Một lần khác, lúc lao xe lên đồi sau khi giết Quilty, Humbert chợt nhớ lại một lần “ít lâu sau khi em mất tích”, Humbert cũng đứng trên đồi nhìn xuống thung lũng và chợt nhận ra rằng với ông ta, điều đau lòng nhất không phải là việc Lolita không ở bên, mà là sự thiếu vắng giọng em trong giàn hòa âm của những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa [13, tr. 418-420].
Các quan điểm của Humbert rất phức tạp, không đồng nhất. Đồng thời, những lý lẽ, lập luận để minh chứng cho các quan điểm của ông cũng không tập trung, mà tản mạn khắp trong tác phẩm. Ví dụ như những suy nghĩ biện hộ về việc Humbert yêu những cô gái nhỏ là bình thường. “Hugh Broughton, một cây bút hay tranh luận dưới triều vua James I, đã chứng minh rằng Rahab (một nhân vật trong Kinh thánh) hành nghề mãi dâm từ tuổi lên mười” hay “Hôn nhân và chung sống trước tuổi dậy thì vẫn còn phổ biến ở một số tỉnh miền Đông Ấn Độ. Ở các bộ lạc Lepcha, ông già tám mươi giao phối với gái tám tuổi mà chẳng ai lấy thế làm bất bình. Nói cho cùng Dante đã mê Beatrice của mình đến phát rồ từ khi nàng mới lên chín…Và khi Petrarch yêu Laureen điên cuồng, người tình của ông mới chỉ là một tiểu nữ thần tóc vàng mười hai tuổi” [13, tr. 29]. Đến trang 182, nội dung này lại được nói tiếp: “Điều luật La Mã quy định rằng con gái có thể lấy chồng ở tuổi mười hai, được Nhà thờ Thiên Chúa giáo chấp nhận và phần nào vẫn còn được lặng lẽ bảo lưu ở một số bang của Hoa Kỳ… Ở những vùng có khí hậu ôn hòa có tác dụng kích thích… con gái dậy thì vào cuối năm thứ mười hai. Dolores Haze sinh ở một nơi cách thành phố Cincinnati giàu tố chất kích thích không đầy một trăm cây số. Tôi chỉ tuân theo lẽ tự nhiên mà thôi”. Sau đó, nó lại được bàn đến ở trang 200 “Trong cộng đồng người Sicily, quan hệ tình dục giữa cha và con gái được chấp nhận như một điều tự nhiên, và đứa con gái tham gia những quan hệ như vậy không hề bị xã hội mà nó là một thành viên phản đối”. Việc các lập luận rất phong phú, phức tạp và nằm rải rác ở nhiều nơi cũng tạo ra khó khăn khi chuyển vào phim.
Khi xem xét dưới góc độ một tác phẩm văn học, kết cấu theo dòng suy tưởng này là một kiểu kết cấu đặc sắc. Tuy nhiên, khi chuyển thành phim, đây lại là một thử thách quá lớn với các nhà làm phim. Bởi lẽ, nếu để phim đi theo dòng cảm xúc thì khán giả sẽ rất khó theo dõi. Chính vì thế, khác với truyện, hai bộ phim chuyển thể từ Lolita đều chú ý đến cốt truyện hơn là dòng suy tưởng của nhân vật. Đặc biệt bản 1962 chú ý kể câu chuyện, coi đó là yếu tố quan trọng để bám vào.