Đặc trưng ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Chuyển thể điện ảnh tiểu thuyết Lolita của V Nabokov (Trang 50 - 56)

6. Bố cục của luận văn

1.2.4. Đặc trưng ngôn ngữ

Ngôn ngữ trong Lolita rất độc đáo với nhiều từ mới, lời nói đa nghĩa, chơi chữ đa ngôn ngữ... đặc sắc. Ta có thể bắt gặp trong truyện rất nhiều điệp vần hóm hỉnh, sâu sắc. Ví dụ như “những tảng băng trôi, những drumlin, gremlin và kremlin” trong đó “drumlin” là khối băng trôi, còn hai từ sau được ghép vào để tạo điệp vần trùng âm. Hay như “công ty Blank Blank, Blankton” – nơi sản xuất ra cuốn sổ mà Humbert dùng để ghi nhật kí. Không có công ty nào tên là Blank Blank, cũng như không có địa điểm Blankton. Việc chơi chữ “blank” (giả, trống) này chỉ nhằm giễu nhại cuốn nhật kí với tư cách là “tang vật số hai”. Hay như “she denies those amusing rumors, rumor, roomer” (bà ấy phủ nhận những tin đồn, đồn đại, đồn thổi về người khách trọ) trong đó dùng hai từ đồng âm khác nghĩa là “rumor” (tin đồn) và “roomer” (khách trọ). Nabokov để Lolita gọi Humbert là “Hummy” để điệp vần với “mummy” (mẹ) trong “Dear mummy and Hummy” [48, tr. 86], tạo nên cụm từ đồng âm thể hiện đặc điểm trẻ con của Lolita. Trong đoạn đi chơi ở hồ Hourglass, một câu chơi chữ tương tự cũng xuất hiện: “fat old Ivor in the ivory” (lão béo Ivor trong trang phục ngà) [48, tr. 94]. Để mỉa mai Valeria, Humbert cũng dùng một câu chơi chữ đồng âm: “Nàng có một hộ chiếu Nansen, thà gọi quách là Nonsense cho nhanh [13, tr. 39]. Nhằm giễu nhại trường Beardsley, người viết dùng một đoạn chơi chữ dựa trên hai từ “spell” (đánh vần) và “smell” (có mùi, tỏa mùi): “the institution might turn out to be one of those where girls are taught…: “not to spell

very well but to smell very well” (trường này có thể hóa ra là nơi dạy cho đám con gái “ngát hương chứ không phải ngát chữ”) [48, tr. 187]. Việc xếp “Fame” (danh tiếng) và “Femina” (phụ nữ) ở cạnh nhau “Oh, Fame! Oh, Femina!” [48, tr. 129] cũng tạo nên một điệp vần nói về sự phù phiếm của người phụ nữ. Có lúc người viết gieo vần rất ngộ nghĩnh: “…aged fourteen, wearing brown shoes when last seen” (tuổi mười bốn, đi giày nâu lúc bỏ trốn) [48, tr. 236]. Không chỉ chơi chữ tiếng Anh, người viết còn chơi chữ tiếng Pháp: “Personne. Je resonne. Repersonne” (Không có ai. Tôi lại bấm chuông. Vẫn không có ai) [13, tr. 367]. Những câu chơi chữ điệp vần này nếu được diễn viên trong phim đọc lên thành lời thì sẽ rất dễ hình dung; nhưng cũng cần thời gian để khán giả ngẫm nghĩ và hiểu. Chính vì thế các nhà làm phim cũng rất ít dùng. Đạo diễn Lyne chỉ dùng một lần trong đoạn đối thoại giữa Lolita và bạn khi chào tạm biệt, để cho thấy sự hồn nhiên ngây thơ của cô bé (phút thứ 12).

Trong truyện Lolita, người viết đã sáng tạo rất nhiều các từ mới, địa danh mới. Ví dụ như từ “nymphet” (tiểu nữ thần) được ông tạo ra, giải thích rất kĩ trong ba trang tiếng Anh [48, tr. 17-19] và sử dụng rất thường xuyên. Việc Humbert say mê giải thích khái niệm này và kể câu chuyện về Annabel, từng dự định rằng “vào khoảng năm 1950, tôi sẽ phải rũ bỏ được một bé gái vị thành niên khó chịu mà ma lực tiểu nữ thần đã tiêu tan” [13, tr. 234] và luôn nhận xét xem một cô bé nào đó có phải là tiểu nữ thần hay không... sẽ khiến độc giả nghĩ rằng Humbert bệnh hoạn, bị ám ảnh bởi các tiểu nữ thần. Từ đó, người đọc càng bất ngờ khi đến cuối truyện, ta biết rằng Humbert thực sự yêu Lolita dù em không còn là tiểu nữ thần như xưa. Tuy nhiên, việc đưa và giải thích khái niệm này một cách kĩ lưỡng trong phim là điều rất khó. Chính vì thế, trong phiên bản phim 1962, khái niệm này chỉ được dùng một lần trong đoạn lời ngoài hình của Humbert khi ông ta viết nhật kí về Lolita (phút 35) và không được giải thích gì thêm. (Ngoài ra còn có một lần xuất hiện khác trong lời vở kịch

The Enchanted Hunters mà Lolita tham gia ở trường Beardsley, nhưng lần xuất hiện này không có ý nghĩa đặc biệt nào). Phiên bản 1997 có giải thích về khái niệm này ở phút thứ 11, nhưng cũng không dài, và nó cũng không được sử dụng nhiều lần.

Ngoài ra nhà văn còn tạo ra những từ mới khác như từ: “Humberland” trong “cái thế giới Humberland màu nâu sậm và đen kịt” [13, tr. 223]; kết hợp từ “lilac” (màu tím nhạt) với Pharaonic (thuộc về vua Ai Cập cổ đại) thành từ “phallic” (thuộc về dương vật) [13, tr. 209]. Từ từ “solipsism” (thuyết duy ngã) có sẵn, tác giả sáng tạo ra động từ “solipsize” (duy ngã hóa) [13, tr. 83]. Từ từ gốc “incubus” (loài dâm quỷ), người viết bỏ tiền tố “in” để tạo ra từ mới “cubus” (không phải dâm quỷ) [13, tr. 98]. Từ thành ngữ “at first glance” (mới thoạt nhìn), người viết sáng tạo ra cụm “at first wince” (mới thoạt chau mặt) [13, tr. 119]. Từ “pineapple” (dứa) và “gin” (gừng), người kể sáng tác ra từ “pin” để nói về món rượu gừng pha dứa ưa thích của mình. Humbert cũng tự tạo ra từ “edusively” cho vần với từ “effusively” qua việc kết hợp động từ “educe” (khơi ra, moi ra) với đuôi “ively” [13, tr. 282]. Bằng việc ghép từ “logo” (chữ) với đuôi “mancy” (đoán), Humbert đã tạo ra từ mới “logomancy” (bói chữ). Ghép từ “honeymoon” (tuần trăng mật) với “moonsoon” (gió mùa), người viết lại cho ra từ “honeymoonsoon” (tuần trăng mật gió mùa) [13, tr. 362]. Người viết cũng thực hiện thao tác đảo các chữ cái trong từ để tạo thành nhiều từ mới. Ví dụ đảo các chữ cái trong tên tác giả “Vladimir Nabokov” thành “Vivian Darkbloom”, đảo các chữ cái trong “Enchanted Hunters” thành tên Quilty đăng kí khách sạn “Ted Hunter, Caner, NH”... Giống như những ám chỉ đến các tác phẩm khác, nếu như những từ mới này không được giải thích thì sẽ rất khó hiểu. Phim lại trôi qua đều đều, khiến khán giả không có nhiều thời gian ngẫm nghĩ, nên việc đưa những từ này vào phim là điều khá mạo hiểm, bởi chưa chắc chúng đã khiến cho phim hay hơn, mà chỉ khiến nó quá rối rắm và phức tạp. Thực tế, hai nhà làm phim cũng chọn cách hạn chế dùng những từ mới như trên trong tác phẩm của mình.

Ngoài tiếng Anh, tác phẩm còn sử dụng nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Hy Lạp, Latinh, Tây Ban Nha… Tiếng Pháp xuất hiện dày đặc, chiếm tỉ lệ tương đối đáng kể trong tác phẩm. Những tiếng khác ít hơn, như tiếng Đức (Herr Doktor – bác sĩ, Magdlein – thiếu nữ, sicher ist sicher – chắc chắn là chắc chắn, die Kleine – cô bé, Kurort – nhà nghỉ có suối nước khoáng nóng, Streng verboten –

pavor nocturnus – nỗi kinh hoàng ban đêm, nota bene – chú thích, Homo pollex -

người giơ ngón tay cái, primo secundo – thứ nhất thứ hai, Venus febriculosa – thần Ái tình hơi bị sốt, intacta – trinh nguyên, per se – tự thân), Tây Ban Nha (patio – sân hiên)… Có đoạn, người viết sử dụng hỗn hợp cả tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Latinh như: “Seva ascendes, pulsata, brulans, kitzelans, dementissima. Elevator clatterans, pausa, clatterans, populus in corridoro. Hanc nisi mors mihi adimet nemo! Juncea puellula, jo pensavo fondissime, nobserva nihil quidquam” (Nhựa cây dâng lên phập phồng, cháy bỏng, khát khao, cuồn điên đến cực độ. Thang máy lách cách, dừng lại, lách cách, nhiều người trong hành lang. Không kẻ nào trừ thần chết cướp được con người này khỏi tôi! Bé gái mảnh mai, tôi âu yếm nghĩ thầm, chẳng nhìn gì hết). Qua đó, cho thấy trạng thái say mê, vui sướng đến không kiểm soát được lời lẽ của Humbert khi Lolita “sà vào vòng tay chờ đợi của tôi, rạng rỡ, thoải mái, mơn trớn tôi bằng đôi mắt màu hoàng hôn, dịu dàng, bí ẩn, ô trọc, dửng dưng” [13, tr. 162-163]. Không phải người xem nào cũng hiểu được những từ này nếu như không có giải thích đi kèm. Chính vì thế các các nhà làm phim phải cực kì thận trọng khi quyết định đưa chúng vào phiên bản điện ảnh. Và quả thực trong hai phiên bản phim, Kubrick và Lyne chỉ đưa vào một vài từ tiếng Pháp qua miệng của Charlotte để cho thấy sự học đòi, khoe mẽ của người phụ nữ này mà thôi.

Trong truyện, tên các nhân vật, sự vật cũng được người viết chau chuốt với nhiều ý nghĩa: Humbert Humbert (bóng tối) với cách phát âm như tiếng gầm gừ để lại ấn tượng mạnh, Haze (làn sương mỏng), Clare Quilty (chơi chữ của từ “clear guilty” – rõ ràng có tội), McFate (định mệnh), Miss Phalen (xuất xứ từ tiếng Pháp “phalène” - bướm sâu đo), Shirley Holmes (nhái tên nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle), người bà con Trapp (đồng âm với “trap” - bẫy), khách sạn và vở kịch The Enchanted Hunters (những kẻ thợ săn bị mê hoặc)… Có những tên được đặt cạnh nhau tạo nên nghĩa mới, như Miss Lester và Miss Fabian ghép lại thành “lesbian” (tình dục đồng giới) [13, tr. 242]; Miss Horn và Miss Cole ghép lại thành “cornhole” (giao hợp bằng đường hậu môn) [13, tr. 263]. Hay có những tên do cách đọc mà có nghĩa mới, như phòng hoc “Rom-In 8” phát âm thành “ruminate” (nhai

lại), “B-Room” phát âm thành “Bee-Room” (phòng ong) [13, tr. 267]. Humbert sáng tạo ra những tên địa danh rất độc đáo như: Kwatagain (đồng âm với “caught again” – bị bắt lại), Quelquapart Island (đảo Ở Đâu Đó), phố Killer (phố Sát nhân), cô bạn Avis Byrd (chim chim)… Ngoài tên các nhân vật chính, những cái tên khác đôi khi cần được giải thích, hoặc nhân vật đó bị tỉnh lược khi làm phim... nên cũng thường không được sử dụng.

Những cách chơi chữ, những từ mới, tên nhân vật và địa điểm… này góp phần tạo nên giọng điệu hài hước cho tác phẩm và khiến ta nghĩ về đầu óc bất bình thường của Humbert. Tuy nhiên, hầu hết những chơi chữ, từ mới… này rất khó hiểu, cần giải thích, nên đều bị loại bỏ khi chuyển thành phim... Chính vì thế, chỉ có hành động và thoại để diễn tả sự duyên dáng, hài hước của truyện nên giọng điệu hài hước không được chuyển tải đầy đủ.

Trong truyện, nhà văn kết hợp dùng các thể loại khác nhau như: nhật kí, mẩu tạp chí, sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ, từ điển, thư, danh sách lớp, thơ… Những trang nhật kí ở đầu truyện mô tả liên tiếp sự hấp dẫn và những tiếp xúc thể xác giữa Humbert và Lolita khiến cho người đọc có cảm giác chân thực, bởi lẽ Humbert viết nhật kí là để cho riêng mình. Những trang nhật kí đầy nhục dục này cũng khiến người đọc lầm tưởng rằng đây là một cuốn sách khiêu dâm với những cảnh xác thịt ngày càng tăng dần về mức độ. Nhưng mẩu tạp chí, sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ… gợi ý về đầu óc không bình thường của Humbert. Cuốn từ điển là một vật cho thấy sự ám ảnh của Humbert về Quity và số phận của Lolita. Bản danh sách lớp của Lolita là một sáng tạo của người viết, nó du dương như một bài thơ, trong đó tên Lolita được bao giữa Mary Rose và Rosaline đều có gốc là “rose” (hoa hồng). Tuy nhiên, các thể loại này rất khó để sắp đặt trong phim. Chỉ có bức thư của Lolita gửi Humbert sau 3 năm bặt tin là được đưa vào cả hai phim, ngoài ra phiên bản 1962 còn sử dụng bài thơ mà Humbert bắt Quilty đọc trước khi xử lý hắn. Những trang nhật kí cũng được sử dụng ít nhiều, nhưng chủ yếu được chuyển thành hành động và thoại. Còn lại, trang từ điển, danh sách lớp, sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ, bài thơ 52 dòng... đều bị tỉnh lược.

Tiểu kết:

Tiểu thuyết Lolita của nhà văn V. Nabokov là một tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả, có nội dung đặc sắc và phức tạp, giàu chất điện ảnh. Chính vì thế, nó là một đối tượng hấp dẫn với các nhà làm phim nhiều thế hệ. Và nhờ đó, tác phẩm văn học này đã được chuyển thể thành hai phiên bản phim. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của người kể chuyện, của cấu trúc, của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương giàu giá trị nghệ thuật này... cũng gây không ít khó khăn cho các nhà làm phim. Những khó khăn này báo trước rằng phim khó chuyển tải được hết sự phong phú của nội tại tác phẩm, nhất là khi nhà làm phim còn phải đối mặt với những khó khăn khi chuyển từ một loại hình nghệ thuật này sang một loại hình nghệ thuật khác.

Chương 2: PHIM LOLITA (1962) CỦA STANLEY KUBRICK

Một phần của tài liệu Chuyển thể điện ảnh tiểu thuyết Lolita của V Nabokov (Trang 50 - 56)