Phong cách phim

Một phần của tài liệu Chuyển thể điện ảnh tiểu thuyết Lolita của V Nabokov (Trang 67 - 121)

6. Bố cục của luận văn

2.2. Phong cách phim

Dàn cảnh: Dàn cảnh trong điện ảnh bao gồm các vấn đề: bối cảnh, trang phục, diễn xuất, ánh sáng... Dàn cảnh là một yếu tố vô cùng quan trọng trong phim, góp phần thể hiện nội dung và chủ đề mà phim hướng tới. Dàn cảnh cũng chính là yếu tố khác biệt giữa điện ảnh và văn học. Trong văn học, yếu tố này cũng được thể hiện bằng lời nhưng không mang đúng nghĩa của từ “dàn cảnh” như trong phim: không tác động trực tiếp vào giác quan; mỗi người đọc có thể hình dung một cách khác; còn trong điện ảnh, một cảnh trên màn ảnh luôn luôn là như vậy. Thông qua cách dàn cảnh, ta có thể cho thấy tài năng, sự sáng tạo của đạo diễn khi làm phim.

Phiên bản 1962 được quay trong trường quay nên chủ yếu có cảnh nội, ít ngoại cảnh. Phim buộc phải quay ở Anh thay vì ở Mỹ, vì tiền đóng góp làm phim được huy động ở Anh và cũng buộc phải sử dụng ở Anh. Nó bỏ đi nhiều cảnh ngoài trời như cảnh Humbert và Charlotte đi nghỉ ở hồ Hourglass, cảnh Humbert đứng trên đồi, nghe tiếng trẻ chơi đùa và ân hận vì đã đã đánh mất đi tuổi thơ của Lolita... Phim cũng loại bỏ gần như hoàn toàn các trường đoạn nói về quang cảnh hai bên

đường cao tốc, các nhà trọ rẻ tiền nơi Humbert và Lolita đã đi qua. Trong khi đây vốn là những thứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong truyện vì hai nhân vật đã dành hàng năm trời phiêu diêu trên khắp nước Mỹ. Đồng thời thiên nhiên thể hiện tâm trạng của Humbert. Chính vì thế, không gian trong phim thiếu sự phong phú, rất tẻ nhạt. Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy năm 1964, sau khi ca ngợi tác phẩm của Kubrick là “hạng nhất”, chính Nabokov nói rằng: “Nếu được (thay đổi điểm gì đó của phim), tôi sẽ kiên quyết nhấn mạnh vào một số chi tiết chưa được nhấn mạnh – ví dụ, các nhà nghỉ ven đường mà họ đã ở” [53].

Cùng với việc quay trong trường quay, phim được quay đen trắng, khiến cho nhiều giá trị của phim bị giảm sút. Thực tế, những bộ phim màu đầu tiên đã xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ II (1945), và đến thập niên 50 thì loại phim này đã khá phổ biến. Chính vì thế, có đôi chút khó hiểu khi Kubrick không làm Lolita

bằng phim màu để phim sống động hơn. Trong khi, màu sắc vốn là một thủ pháp rất nổi bật trong phiên bản tiểu thuyết của Nabokov. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, giá trị của phim bị giảm sút cũng không hoàn toàn do phim được làm đen trắng, bởi lẽ phim Rashomon (Nhật Bản, 1950) quay đen trắng nhưng vẫn rất đẹp.

Những cảnh đã được xây dựng trong phim thì được dàn dựng khá tốt, giúp chuyển tải được nhiều ý nghĩa sâu xa. Ví dụ như cảnh Humbert sơn móng chân cho Lolita một cách tỉ mỉ (phút thứ 95), trong đó Humbert ngồi dưới đất, Lolita nằm dài trên giường uống nước ngọt như một nữ hoàng. Sau đó Humbert tiến lại gần Lolita, nhưng vẫn ở trạng thái Lolita nằm trên giường, Humbert ngồi dưới đất. Kết hợp với lời thoại, nó cho thấy sự cưng chiều mà Humbert dành cho Lolita: “Whenever you want something I buy it for you automatically. I take you to concerts, to museums, to movies. I do all the housework! Who dose the tiding up? I do. Who does the cooking? I do” (Bất cứ khi nào em muốn thứ gì, tôi đều mua cho em ngay lập tức. Tôi đưa em đi xem ca nhạc, đi đến bảo tàng, đi xem phim. Tôi làm tất cả việc nhà. Ai dọn dẹp nhà cửa? Là tôi. Ai nấu nướng? Là tôi). Đồng thời cảnh này cũng diễn tả được sự tinh quái và sự lấn lướt ngày một nhiều của cô bé khi em khéo léo dẫn dắt để Humbert thừa nhận rất yêu cô, từ đó phải đồng ý để cho cô tham gia vở kịch

ở trường. Hay như cảnh Humbert đến nhà Lolita sau mấy năm bặt tin. Cảnh này được dàn cảnh theo chiều sâu, có Humbert và Lolita nói chuyện ở tiền cảnh, hậu cảnh là Dick và bạn đang làm việc. Qua đó cho thấy sự hiền lành, chăm chỉ của người chồng Lolita (phút thứ 135).

Ánh sáng của phim không có nhiều đặc sắc. Trong toàn phim, chỉ có cảnh Humbert lái xe đến nhà Quilty là được làm trong sương mù như trong truyện đã viết. Còn lại những cảnh sương mù đầy ẩn ý khác đã không được chuyển tải trong phim.

Khác với văn học trong đó nhà văn miêu tả nhân vật bằng lời; trong điện ảnh, người viết kịch mô tả nhân vật bằng lời nhưng còn cần có diễn viên thể hiện nhân vật đó thành con người bằng xương bằng thịt. Chính vì thế việc chọn diễn viên, cách diễn xuất và phục trang của họ là cũng một vấn đề vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng hình tượng nhân vật. Nếu diễn viên không phù hợp với vai diễn và diễn xuất không tốt, phục trang không thích hợp thì có thể làm hỏng ý đồ của người viết kịch bản.

Trong phiên bản 1962, mặc dù Kubrick mất gần một năm để tìm kiếm diễn viên cho vai Lolita, nhưng dường như kết quả cũng không được như mong đợi. Ông chọn Joey Healtherton nhưng bố cô bé từ chối cho em tham gia bộ phim. Diễn viên Sue Lyon trong vai Lolita lúc đó 14 - 15 tuổi (cô sinh năm 1946, phim làm từ 11/1960 đến 05/1961); tương đương với tuổi của Lolita trong phim (14 tuổi). Nabokov coi Sue Lyon là lựa chọn thích hợp cho vai Lolita, nhưng vài năm sau ông mới tiết lộ rằng: ông cảm thấy diễn viên người Pháp Catherine Demongeot, người đóng vai Zazie trong phim Zazie in the Metro (1960) mới là diễn viên thích hợp cho vai này. Tuy tuổi của Lyon khá thích hợp, nhưng hóa trang, nhà làm phim lại để cô mặc quá kín đáo (thường dùng váy áo cao cổ) mái tóc được làm quá cầu kì và thường đi dép cao gót. Chính vì thế, trông Lolita già hơn tuổi 14, mang nhiều nét của một thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi hơn là một cô bé vẫn còn nhiều nét trẻ con. Hình tượng này lại càng quá già so với Lolita 12 tuổi mà Nabokov mô tả trong tiểu thuyết. Trong trường đoạn Humbert đến nhà Lolita sau bốn năm bặt tin, Lolita lúc đó đang có bầu nhưng vẫn mặc chiếc quần jeans ngắn như lúc còn ở bên

Humbert mấy năm trước. Chi tiết nhỏ này vô tình khiến cho người xem có cảm giác phim được làm không cẩn thận.

James Mason trông quá già so với Humbert. Lúc đó James đã 51 - 52 tuổi (ông sinh năm 1909) trong khi Humbert mới khoảng 40 tuổi. Với hình dáng của James, thật khó để ta nghĩ rằng Humbert hấp dẫn, nhất là với các tiểu nữ thần. Cử động của chân tay cũng như khuôn mặt của James quá cứng nhắc, rất thiếu duyên dáng.

Peter Sellers có hình dáng tương đối phù hợp với Quilty. Tuy nhiên, phải chăng ông vốn là một diễn viên hài nên ông cười khá nhiều và và nói quá nhanh như một chiếc máy trong khi diễn. Điều này cộng với sự xuất hiện thường xuyên và những đoạn thoại quá dài (như trong cuộc trò chuyện giữa Quilty và Humbert ở ban công khách sạn The Enchanted Hunters, cuộc trò truyện giữa Quilty và nhân viên khách sạn này...) đã làm mất đi tính bí ẩn của nhân vật Quilty, thậm chí còn khiến người xem chán ngán. Shelley Winters có hình dáng khá phù hợp với Charlotte Haze, nhưng giọng nói đôi khi lên quá cao, làm chói tai của cô đôi lúc có thể khiến khán giả khó chịu.

Quay phim: Trong làm phim, dù cho dàn cảnh có đặc sắc nhưng nếu không chọn được góc quay phù hợp thì phim cũng không đạt được hiệu quả cao. Cách đặt máy quay sẽ cho thấy nội dung, giọng điệu, chủ đề của phim và hình thành nên phong cách phim. Bản 1962 thường dùng trung cảnh, góc quay trung bình, ánh sáng bình thường để tránh bóp méo và cường điệu, nhưng cũng không tạo nhiều ấn tượng. Phim chuyển tải được các sự kiện nhưng không tái hiện được sự phong

phú cảm xúc trong đời sống nhân vật… Đôi lúc, góc quay gợi cảm được dùng để thay thế những cảnh xác thịt không được nói tới, như góc quay dưới chân Lolita khi cô bé vừa nằm trên giường nghe Humbert nói vừa dùng chân nọ để cởi giày chân kia ở phút 72:

Hay khi Humbert ngồi sơn móng chân cho Lolita đang nằm trên giường ở phút 95 - 96

Dựng phim: Hiểu theo cách đơn giản, dựng phim là việc gắn kết các cảnh phim lại với nhau. Thời gian mỗi cảnh được lưu lại trên màn ảnh tạo nên nhịp dựng phim. Dựng phim là yếu tố không thể không nói tới bởi nó chính là công việc định hình tác phẩm, tạo ra một sáng tác hoàn chỉnh và có ý nghĩa.

Các cảnh của phim Lolita 1962 quá dài. Hầu hết các cảnh của phiên bản này đều kéo dài vài phút, vì thế mặc dù phiên bài này có thời lượng dài hơn phiên bản 1997 tới 10 phút, nhưng số sự kiện lại ít hơn. Ví dụ như cảnh Humbert sơn móng chân cho Lolita ở đầu phim kéo dài tới 2 phút (từ phút 0 đến phút thứ 2). Cảnh Quilty đóng giả bác sĩ tâm lý của trường Beardsley đến để nói chuyện với Humbert kéo dài tới 7 phút (từ phút 99 đến phút 106). Các trường đoạn trong phim này cũng rất dài. Ví dụ trường đoạn Humbert lần đầu đến nhà Charlotte kéo dài tới 5 phút 20

giây (từ phút 12‟30 đến phút 17‟50), trong khi ở phiên bản 1997, trường đoạn này chỉ kéo dài 3 phút 30 giây (từ phút thứ 7 đến phút 10‟30).

Việc chuyển từ cảnh nọ sang cảnh kia cũng không dùng nhiều cách khác nhau như rõ dần, mờ dần hay mờ chồng... mà chỉ dùng một kiểu chuyển đen đơn điệu. Điều này khiến cho các cảnh của phim rời rạc với nhau, ít êm ái uyển chuyển.

Âm thanh: Âm thanh trong phim bao gồm: lời thoại, âm nhạc, tiếng ồn. Âm thanh có vai trò vô cùng quan trọng, vì nếu như hình ảnh tác động vào thị giác thì âm thanh cũng tác động trực tiếp vào một giác quan khác là thính giác. Âm thanh giúp chuyển tải nội dung của phim, tạo ra tiết tấu riêng cho phim; quyết định việc ta tiếp nhận và giải mã hình ảnh như thế nào. Âm thanh và hình ảnh kết hợp nhuần nhuyễn với nhau sẽ tạo nên sự “đồng bộ hóa giác quan”, giúp chuyển tải phim một cách tốt nhất.

Âm nhạc trong phiên bản Lolita 1962 này do Nelson Riddle và Bob Harris sáng tác. Phiên bản này chỉ dùng nhạc, không dùng các bài hát có lời. Âm nhạc của bản 1962 mang âm hưởng rock and roll – loại nhạc thịnh hành lúc bấy giờ. Âm điệu của loại nhạc này rất phù hợp với giọng điệu hài hước mà phim hướng tới. Bài hát chủ đạo Lolita ya ya mà Lolita bật ngoài vườn khi Humbert đến thuê nhà (phút thứ 17), và được lặp lại nhiều lần sau đó (cảnh Humbert ngâm mình trong bồn tắm và nhâm nhi ly rượu sau cái chết của Charlotte ở phút 64, cảnh Humbert đến trại hè đón Lolita ở phút 67, cảnh Humbert và Lolita trên xe rời trại hè ở phút 68-69, khi Humbert nhận phòng ở khách sạn The Enchanted Hunters ở phút 73-74) đã giúp tạo nên được âm hưởng hài hước chung cho phim. Bản nhạc này sau đó đã gây được tiếng vang lớn. Đoạn nhạc chơi trong buổi dạ hội trường Ramsdale cũng rất vui nhộn, phù hợp với dáng nhảy gây cười và sự chen ngang vô duyên của Charlotte vào giữa Quilty và bạn gái (phút thứ 24). Đoạn nhạc cha cha cha ở bữa ăn nhẹ sau buổi dạ hội, trong đó Charlotte tán tỉnh Humbert cũng rất hài hòa với hành động và trang phục của Charlotte, tạo nên một cảnh rất hài (phút thứ 31).

Những cảnh nghiêm túc và bi kịch thường đi kèm với tiếng đàn piano. Ví dụ như tiếng piano trong cảnh Lolita tạm biệt Humbert trước khi đi trại hè (phút thứ 43),

qua đó thể hiện tình yêu của Humbert dành cho Lolita và nỗi buồn khi xa cô bé. (Ngay sau đó, khi Humbert nhận được bức thư Charlotte thú nhận tình cảm và cất tiếng cười lớn thì tiếng nhạc này nhỏ dần và mất hẳn). Hay như đoạn piano êm ái khi Humbert an ủi Lolita lúc cô bé buồn vì mẹ đã mất (phút thứ 94). Sau cuộc vật lộn với nhân viên bệnh viện, khi Humbert đã bình tĩnh hơn và nhận ra rằng có kẻ đã cướp Lolita khỏi tay mình thì tiếng nhạc piano lại vang lên như nói thay nỗi buồn của ông.

Khi Humbert nhận được cuộc gọi báo Charlotte bị xe đâm, tiếng nhạc giật cục vang lên, hòa cùng với tiếng mưa và tiếng gió đập vào cửa kính, tiếng còi xe cứu thương, còi xe cảnh sát tạo nên một hòa âm có rùng rợn, báo hiệu một điều kinh khủng sắp xảy ra. Lúc nhà chức trách thông báo với Humbert đang đứng bàng hoàng dưới mưa rằng vợ ông ta đã chết, một tiếng nhạc to, mạnh vang lên và dừng ngay tức khắc, thể hiện một chút choáng váng mà tin tức đó mang lại cho người chồng. Trong cảnh Humbert nhận được bức thư của Lolita sau mấy năm mất tích, ông ta hùng hổ đi tìm kẻ đã cướp cô bé khỏi tay mình, và tiếng nhạc nhanh, mạnh, sắc nhọn lại vang lên như trong các phim trinh thám hồi hộp (phút thứ 134). Vào thời khắc Humbert đến nhà giết Quilty, tiếng nhạc rùng rợn này cũng lại vang lên hòa cùng với tiếng chai lọ đồ đạc loảng xoảng dưới chân Humbert khi ông ta đi tìm Quilty (phút thứ 3). Khi Humbert hối thúc Lolita hãy đi theo ông ta tiếp tục cuộc sống như trước đây, tiếng nhạc lại vang lên hối hả, rồi sau đó chậm rãi, thể hiện nỗi đau của người đàn ông khi nguyện vọng bị thẳng thừng từ chối.

Tiểu kết:

Phiên bản phim Lolita 1962 của S. Kubrick là một bộ phim khá tròn trịa nhưng có nhiều đổi khác so với nguyên mẫu văn học của nó. Phim thay đổi chủ đề, nhân vật (trong đó có người kể chuyện), nhấn mạnh vào yếu tố cốt truyện... để cho ra đời một bộ phim hài hước mang màu sắc đạo đức. Sự vắng bóng nội dung tình dục, việc sử dụng phim đen trắng với toàn cảnh nội, việc sử dụng diễn viên quá già... đã khiến cho phim có đôi chút đơn điệu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi định hướng của phim so với tiểu thuyết. Thứ nhất là sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Bản 1962 chịu sự kiểm duyệt gắt

gao bởi Production code (Bộ luật sản xuất) của The Motion Picture Association of America (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ) [68] và The Catholic Legion of Decency (Hội Thiên chúa giáo) [69] nên rất khó nói đến nội dung tình dục, và buộc phải chọn thể loại phim hài hước để làm giảm nhẹ tính gay gắt của đề tài. Mặc dù đã bỏ gần như toàn bộ những cảnh nhạy cảm, nhưng The British Board of Film Censors (Ban kiểm duyệt phim Anh) vẫn liệt bộ phim vào nhóm cấm trẻ dưới 16 tuổi. Nói về bộ phim, chính Kubrick thừa nhận rằng nếu được làm lại bộ phim, ông sẽ nhấn mạnh đến mặt tình dục trong mối quan hệ giữa Humbert và Lolita theo đúng như mức độ mà Nabokov đã thể hiện trong tiểu thuyết. Năm 1972, trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Newsweek, Kubrick có nói rằng, nếu biết việc kiểm duyệt gay gắt như vậy thì ông đã không thực hiện bộ phim này. Thứ hai là nguyên nhân thời gian. Kubrick làm phiên bản đầu tiên ngay sau khi tiểu thuyết được xuất bản 7 năm nên chưa có độ lùi thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ và cảm nhận về tác phẩm. Trong khi đó, Lolita

lại là một tác phẩm văn học quá đồ sộ, phức tạp và được viết thiên về suy tưởng của nhân vật nên rất khó chuyển tải. Hai mươi năm sau khi hoàn thành bộ phim, chính Kubrick đã không nắm bắt được ma lực trong cuốn sách của Nabokov, và ma lực đó nằm ở phong cách của tác phẩm. Chính vì thế, Lolita trở thành ví dụ tiêu biểu của việc một cuốn sách vĩ đại không làm nên một bộ phim vĩ đại [65, tr. 10]. Thứ ba là tài năng của nhà làm phim. Có vẻ như trước Lolita, Kubrick chưa thực sự sử dụng ngôn ngữ điện ảnh một cách điêu luyện. Chính vì thế, Patrick Webster gọi đây là bộ phim mang ít “tính Kubrick” nhất, còn Robert Kolker thì cho rằng phim mới chuyển

Một phần của tài liệu Chuyển thể điện ảnh tiểu thuyết Lolita của V Nabokov (Trang 67 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)