Về mục tiêu: Củng cố và mở rộng khai thác có hiệu quả những thị trường du lịch quốc tế truyền thống và trọng điểm, song song với việc phát triển thị trường nội
địa phù hợp với những điều kiện cụ thể của Việt Nam.Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có định hướng marketing cụ thể cho từng khu vực thị trường. Ví dụ như: Trung Quốc
Là một thị trường rộng lớn và quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng. Điều đáng chú ý là lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong những năm qua tăng một cách đột biến và hiện nay chiếm đến 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapo, Malaysia thì khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn thấp hơn. Điều này chứng tỏ du lịch Việt Nam vẫn chưa khai thác tối đa thị trường rộng lớn này mặc dù có rất nhiều lợi thế về địa lí, văn hoá cũng như điều kiện tiếp cận bằng cả đường bộ, đường sắt và đường không.
Với tình hình trên, công tác marketing, xúc tiến, quảng bá du lịch cần tập trung vào những công việc sau: Năm 2005, thiết lập đại diện du lịch tại Quảng Châu để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Năm 2010, thiết lập đại diện xúc tiến du lịch tại Bắc Kinh để nghiên cứu thị trường Trung Quốc và xu hướng du lịch của nước này. Tiếp thị và quảng bá Việt Nam ở cả thị trường bình dân( khách du lịch qua biên giới) và thị trường cao cấp( khách du lịch chất lượng cao đi du lịch bằng máy bay hay tàu biển).
Cần thận trọng để không tạo dựng một hình ảnh Việt Nam là một điểm đến chi phí thấp, chất lượng kém tại thị trường Trung Quốc do khách ngày càng đề cao sự thoải mái, an toàn, hiện đại, sạch sẽ khi đi du lịch.
Thái Lan
Là nước có ngành công nghiệp du lịch phát triển vào bậc nhất trong khu vực, Thái Lan thực sự là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Số lượng khách du lịch Thái Lan đi du lịch ở nước ngoài những năm vừa qua cũng tăng trưởng ở mức cao. Kể từ năm 2000, Việt Nam đã tiến hành miễn visa cho khách du lịch Thái Lan và việc này đã tạo thuận lợi lớn để chúng ta thu hút thêm nhiều khách từ thị trường này. Những năm gần đây, sự hợp tác giữa du lịch 2 nước trong các dự
án phát triển du lịch tiểu vùng sông Mêkông cũng góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh marketing ở thị trường này.
Các định hướng cho thị trường này gồm: Thiết lập đại diện du lịch chính thức tại Băng Kốc vào năm 2010 để quảng bá cho du lịch Việt Nam và hợp tác du lịch giữa các nước trong lưu vực sông Mêkông với sự tham gia của các công ty lữ hành. Xúc tiến để đưa các điểm du lịch thuộc khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam vào các tour trọn gói của Thái Lan.
Cần thận trọng để không tạo dựng một hình ảnh Việt Nam là một điểm đến chi phí thấp, chất lượng kém tại thị trường Thái Lan.
Đài Loan
Đài Loan là nước có số lượng khách đi du lịch quốc tế rất cao. Do quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan ngày càng phát triển nên có đến 80% số khách Đài Loan đến Việt Nam là vì mục đích công việc. Phần lớn khách Đài Loan đến Việt Nam theo các chương trình tour ngắn ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một số tour tham quan và du lịch văn hoá. Một thuận lợi lớn để khai thác thị trường này là hiện nay chúng ta đã mở đường bay thẳng từ Hồ Chí Minh đi Đài Bắc và Kaohsiung, Đà Nẵng - Đài Bắc.
Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động marketing tại thị trường này theo các hướng sau: Xúc tiến để đưa các điểm du lịch thuộc khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam vào các tour trọn gói của Đài Loan bên cạnh các tour ngắn ngày ở lại Hồ Chí Minh.
Cần thận trọng để không tạo dựng một hình ảnh Việt Nam là một điểm đến chi phí thấp, chất lượng kém tại thị trường Đài Loan.
Tham gia một cách sâu rộng vào Hội chợ du lịch quốc tế Đài Bắc( ITF). Đối với thị trường nội địa:
Đây là một thị trường khách du lịch quan trọng mà chúng ta còn bỏ ngỏ. Trong thời gian vừa qua, lượng khách quốc tế có nhiều thăng trầm, chịu ảnh hưởng của những biến động từ tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong khu vực và trên thế giới nhưng lượng khách du lịch trong nước vẫn tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao.
Khách du lịch nội địa thường tự tổ chức các tour trong nước. Số lượng các chuyến du lịch ra nước ngoài, chủ yếu là các nước láng giềng ASEAN và Trung Quốc thời gian gần đây cũng tăng nhanh cho thấy nhu cầu du lịch của khách nội địa là rất lớn.
Để khai thác triệt để lượng khách nội địa đi du lịch trong thời gian tới, công tác marketing cần: Đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại chỗ. Phối hợp với các địa phương và các công ty lữ hành xây dựng và quảng bá các tour du lịch đặc thù, đa dạng hoá các loại hình du lịch phù hợp với khả năng thanh toán của từng nhóm khách cụ thể. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác với các nước trong khu vực để khai thác triệt để lượng khách du lịch nội vùng.
Chú trọng khai thác tốt thị trường khách du lịch thanh niên do nhóm khách này là những người ưa khám phá, thường là người tiên phong tới các điểm du lịch mới và vì vậy đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm của một điểm du lịch.