Tài đấu tranh cách mạng

Một phần của tài liệu nhận diện ca dao người việt từ 1945 đến nay (Trang 37 - 44)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. tài đấu tranh cách mạng

Đề tài đấu tranh cách mạng là một trong những đề tài trung tâm của ca dao từ 1945 đến 1975, chiếm 333/1.159 (khoảng 28,73%) bài ca dao được khảo sát.

Hòa vào không khí của cuộc chiến đấu chung của dân tộc, ca dao giai đoạn này chứa chan tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng:

Lòng dân như hoa hướng dương, Trăm ngàn đổ lại một phương mặt trời.

Dù cho vật đổi sao dời,

Nguyện cùng non nước một lời sắt son.

[46. 536]

Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu có từ ngàn xưa của dân tộc ta. Đứng trước hai kẻ thù sừng sỏ bậc nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, truyền thống ấy lại được phát huy đến tận độ, tạo thành một sức mạnh to lớn bởi dân tộc ta sẵn sàng hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Điều này đã được phản ánh hết sức chân thực và sinh động trong ca dao từ 1945 đến 1975. Ngay cả những bài ca dao về đề tài tình yêu và gia đình cũng mang tinh thần và khí thế ấy:

Em tôi vừa chẵn đôi mươi

Tôi đùa: “Con út có người yêu chưa?” Nó rằng: “Anh thiệt là xưa

Nếu còn giặc Mỹ, em chưa kia mà…” Má tôi nghe nói cười xòa: “Rể tao phải là chiến sĩ Khe Sanh.”

Nó cười mắt sáng long lanh: “Chọn rể tài tình nhất má đó nghe!”

[46. 528]

Mặc dù đang ở tuổi “cập kê” nhưng đối với cô gái trong lời ca dao trên nếu còn giặc Mỹ thì việc có người yêu “thiệt là xưa” bởi cô đâu chỉ có nghĩ tới hạnh phúc riêng tư khi đất nước còn có chiến tranh. Nếu có nghĩ tới thì “tiêu chuẩn” chọn người yêu, chọn người bạn đời của cô gái cũng phải là người

chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Tình yêu lứa đôi lúc này đã gắn với tình yêu dân tộc, hạnh phúc lứa đôi đã gắn với nhiệm vụ đấu tranh vì Tổ quốc.

Đề tài đấu tranh cách mạng trong ca dao từ 1945 đến 1975 được thể hiện chủ yếu ở hai nội dung: Thái độ khinh bỉ, lòng căm phẫn lũ bán nước và cướp nước; tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Khảo sát 1.159 bài ca dao, chúng tôi thống kê được 47 bài ca dao có nội dung châm biếm, đả kích thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như bè lũ tay sai. Qua những vần thơ dân gian, nhân dân ta đã thẳng thừng vạch trần bộ mặt độc ác, xảo trá của thực dân Pháp:

Mồm thì nào nghĩa nào ơn Tay thì nào súng, nào gươm trực kề.

[9]

Lấy tư cách là “mẫu quốc”, thực dân Pháp rêu rao đến Việt Nam để khai hóa văn minh cho thuộc địa, dùng những chiêu bài “bình đẳng”, “tự do”, “bác ái” để lừa bịp dân ta. Nhưng trước những hành động vơ vét của cải, tài nguyên thiên nhiên, bóc lột nhân dân với những thủ đoạn dã man, tàn ác, nhân dân ta đã vạch trần bộ mặt thật của chúng và thể hiện sự phản kháng của mình rất quyết liệt.

Đối với thực dân Pháp là vậy, đối với đế quốc Mỹ nhân dân ta cũng bày tỏ thái độ khinh bỉ, sự phản kháng mãnh liệt trước những kế hoạch xâm lược mà chúng thực hiện ở Việt Nam:

Thằng chết cứ cãi thằng khiêng: “Vì quân yểm trợ tồi tèng như ai” Thằng khiêng nói bảo: “thưa ngài Những ông biết sớm chạy dài hóa khôn”

Rõ ràng quan, lính Giôn xơn Thi môn “rút chạy” còn hơn ngụy nhiều.

Dưới con mắt của nhân dân ta, lũ xâm lược chỉ là “một lũ tanh hôi”, là phường “chó săn” chỉ biết ăn cướp và bắt nạt những người yếu đuối:

Thừa cơ bẻ bí, bắt gà

Hăm he trẻ nhỏ, hành hung bà già.

[12.151]

Nhân dân ta tỏ rõ thái độ coi thường trước những phương tiện, vũ khí tối tân hiện đại của chúng:

Mày khoe súng đạn tối tân Chúng ông đây có lòng dân anh hùng.

[12.160]

Bởi vũ khí của chúng dù hiện đại đến đâu, kế hoạch của chúng dù tỉ mỉ đến mức nào cũng phải bất lực trước những chông tre, gậy tầm vông, giáo mác và lòng dũng cảm của một dân tộc anh hùng với truyền thống yêu nước nồng nàn.

Nhân dân ta cũng thể hiện sự khinh bỉ, phẫn nộ đối với những hành động tàn bạo, độc ác mà bè lũ bán nước trong đó có những kẻ đứng đầu chính quyền nhà nước bảo hộ và ngụy quyền Sài Gòn gây ra cho đồng bào:

Thằng Diệm còn quá chó săn Chuyên đi hút máu, ăn gan đồng bào.

[12. 150]

Mỉa mai làm sao khi những đội quân tinh nhuệ của địch mang những biệt danh rất dũng mãnh như “trâu điên”, “cọp đen”, “mãnh hổ” nhưng trên chiến trường chúng lại lộ nguyên hình là lũ người hèn nhát:

Thằng quan thì hét “nhào dô” Thằng lính thì lại cứ bò như sên

Dù mang biệt hiệu “trâu điên” Gặp quân giải phóng lính liền bỏ qua

Vứt giầy, vứt súng, cởi trần “Trâu điên” đã hóa vịt đàn vỡ tung.

[12. 151]

Cái tâm lý hoang mang, ham sống sợ chết ấy không phải chỉ thấy ở các nhân các binh sĩ mà còn là tâm lý của cả một đơn vị, một tập thể và cả các quan chức cấp cao của địch:

“Quốc gia” vừa nói ba hoa Nào đâu “tử thủ”, nào là “phản công”

Bỗng đâu nghe súng đùng đùng Nghe hô “Việt Cộng” đã rung thần hồn.

[9. 25]

Thật đáng coi thường cho cái gọi là “Quân đội quốc gia hùng mạnh” của chính quyền Sài Gòn!

Bằng việc vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa và tội ác dã man của bè lũ bán nước và cướp nước, có thể nói ca dao từ 1945 đến 1975 là một vũ khí lợi hại để đánh địch trên mặt trận văn nghệ làm cho địch không ngóc đầu lên được; đồng thời làm cho quân dân ta thêm ý chí quyết tâm và lòng căm thù để chiến đấu đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước nhà.

Bên cạnh việc tỏ thái độ khinh bỉ, lòng căm phẫn lũ bán nước và cướp nước, ca dao cũng nói lên tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Điều này được thể hiện rõ nét qua một số nhân vật như anh bộ đội, người dân quân du kích, người dân công tiếp vận.

Trong ca dao từ 1945 đến 1975, cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ được khắc họa một cách khá cụ thể. Mặc dù thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến cả những giấc ngủ, phải hành quân đường dài đầy gian khổ, phải chiến đấu với kẻ thù hiểm nguy và nhiều khi phải đối mặt với cả cái chết nhưng các anh vẫn luôn vui vẻ và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu:

Ba người một cái chăn bông

Nằm thẳng cũng khổ, nằm cong cũng phiền Đắp dọc thì hở hai bên

Bộ đội nằm giữa rừng già Gió về, thức tỉnh giấc mơ diệt thù.

[12]

Gian nan, khó khăn, thử thách không làm họ nhụt chí. Trong chiến tranh thì sự hy sinh là không thể tránh khỏi. Nhưng cái chết nào có đe dọa được các anh, trước lưỡi hái của tử thần, các anh bình tĩnh đến hóm hỉnh:

Anh đi ra trận phen này, Chẳng may mà bị thằng Tây nó cù

Ai về nhắn mẹ thằng cu

Nuôi con khôn lớn trả thù cho cha.

[12]

Một điều thật đặc biệt nữa đó là tinh thần nhân ái pha chút lãng mạn hồn nhiên ở các anh. Khác với những người lính thời phong kiến khi ra trận “nước mắt như mưa”, hay những anh hùng thời xưa chỉ biết tới gươm đao, lửa máu, các anh bộ đội là những chiến sĩ bình dị mang huyết thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó mà trái tim của họ là trái tim biết yêu thương, dễ rung động trước mọi khung cảnh của thiên nhiên và hoàn cảnh của con người:

Rung rinh cành lá ngụy trang,

Bướm vàng ngơ ngác tưởng hàng cây xanh.

[9]

Đâu chỉ biết chém giết, trước giờ phút xung trận, họ còn lo lắng cho số phận của những sinh vật nhỏ bé, dành cho những sinh vật ấy những mong ước tốt đẹp nhất:

Chim ơi, giặc đã đến gần

Bay đi kẻo nữa súng gầm nơi đây Mai ngày gió tạnh, quang mây Ở đâu tùy mày, ta chẳng can đâu.

Bên cạnh tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng chí cũng là một trong những động lực giúp những người lính thêm vững vàng, có thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua những thử thách của cuộc chiến đấu:

Anh em đồng chí nặng tình

Pháo ngàn cân cũng nhẹ tênh như thường.

[9]

Chính sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội đã giúp họ vượt qua những giây phút nguy hiểm, khó khăn để làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Bên cạnh hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ là hình ảnh những người dân quân du kích bảo vệ xóm làng. Mặc dù không khoác áo lính nhưng những người quân dân du kích vẫn mang những phẩm chất đáng quý của người lính. Với tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, lòng căm thù giặc sâu sắc, các anh du kích dũng cảm, kiên cường và luôn luôn lạc quan, tin tưởng trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ:

Một năm chín tháng dưới hầm Mặc da xanh bủng, mặc cằm đầy râu

Hết nằm bãi sậy, rừng lau Lại nằm bụi dứa, hầm sâu quanh nhà

Mười đồn ta quét còn ba Sờ cằm cứ ngỡ tuổi già năm mươi

Ba đồn quét gọn một hơi Soi gương thấy tuổi hai mươi trở về!

[9]

Cùng với hình ảnh người chiến sĩ, người dân quân du kích, hình ảnh người dân công tiếp vận cũng xuất hiện khá nhiều trong ca dao kháng chiến.Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng với đôi bồ, chiếc đòn gánh, chiếc xe đạp thồ hay con thuyền chở gạo, chở đạn ra chiến trường, họ trở thành đội quân trợ lực không thể thiếu của anh em bộ đội:

Áo em mưa ướt mấy lần

Gạo thơm vẫn giữ trắng ngần như bông Yêu sao dòng suối gương trong In hình cô gái dân công qua rừng.

Ngày mai đồn giặc nổ tung Nhớ cô gùi đạn đi cùng sáng nay.

[12]

Nếu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của người lính, người dân quân du kích được thể hiện bằng việc chiến đấu, giết giặc thì lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của những người dân công lại được thể hiện ở sự kiên trì, chịu đựng vượt khó:

Núi cheo leo đèo heo gió hút Dặm bạt ngàn đồng lụt, đường chênh

Chập chờn mây núi lênh đênh Quê hương vai gánh nặng tình là đây.

[12]

Mặc dù “dân công gánh nặng đường dài” nhưng khi tập hợp thành đội ngũ với khí thế bừng bừng, với niềm tin vào chiến thắng của cuộc chiến đấu thì sức mạnh của họ trở thành phi thường, không gì ngăn cản:

Dân công đỏ đuốc sáng rừng Người đi điệp điệp trùng trùng dài ghê

Mạnh như nước lũ tràn về Bước đi rầm rập cạn khe, sạt đèo.

[12]

Tấm lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, căm thù giặc sâu sắc cùng với sự dũng cảm, kiên cường, lạc quan, tin tưởng trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ của những anh bộ đội cụ Hồ, người dân công du kích, người dân công tiếp vận giúp chúng ta thấy được ý chí quyết tâm đánh giặc, sự bình tĩnh, gan góc và tự tin của cả dân tộc trong những cuộc chiến đấu không cân sức trong hai cuộc chiến đấu trường kì của dân tộc.

Một phần của tài liệu nhận diện ca dao người việt từ 1945 đến nay (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)