Các giải pháp vĩ mô

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng thủy sản việt nam trên thị trường eu (Trang 67 - 71)

 Tăng cường đẩy mạnh mối quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu

Trong những năm qua, EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và hai bên đã có nhiều Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu hàng thủy sản, tuy nhiên chưa có Hiệp định song phương chính thức giữa hai nước. Năm 2012, Hiệp định hợp tác song phương FTA mới chính thức đi vào vòng đàm phán đầu tiên và đến nay hai bên đang thực hiện những vòng đám phán cuối cùng. Việc tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên thông qua Hiệp định FTA không những tạo cơ sở

vững chắc để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, thiết thực mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng thủy sản Việt Nam nói riêng sang thị trường EU. Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu trong thương mại theo khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do FTA sẽ mang lại những thế mạnh lớn hơn cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường EU và tỷ trọng xuất khẩu sẽ gia tăng; được giảm thuế, hưởng mức giá thấp hơn đối với công nghệ và nguyên vật liệu chất lượng cao từ EU; đồng thời EU sẽ xuất khẩu dịch vụ chất lượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong dài hạn…

Thông qua các Hiệp định đã và đang được ký kết, nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định, luật lệ, tiêu chuẩn mà hai bên đã cam kết, tăng cường quan hệ hợp tác bằng việc tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên và dành cho nhau những ưu đãi nhất định.

 Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong hiểu biết hệ thống luật pháp, quy định của EU đối với hàng thủy sản và trợ giúp pháp lý khi cần thiết

Thị trường EU có nhiều điều kiện, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng thủy sản nhập khẩu. Các sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường EU được kiểm soát và khống chế bởi hai Hiệp định TBT (Hiệp định hàng rào kỹ thuật đối với thương mại) và SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật). Giữa nước xuất khẩu và EU phải có những luật lệ tương đương. Để xuất khẩu được vào EU, doanh nghiệp đó phải được nằm trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu được EU công nhận và trước khi xuất khẩu, hàng hóa phải có giấy chứng nhận vệ sinh của cơ quan thẩm quyền và phải qua sự kiểm tra của trung tâm hàng hóa tại biên giới, trong đó tên nhà máy, khối lượng, cảng đến, số hiệu container, mã số hàng hóa phải được cập nhật trên hệ thống của trung tâm hàng hóa biên giới thì mới được nhập vào EU.

Với những sản phẩm có khai thác tự nhiên cần tuân thủ các quy định đánh bắt tuân thủ theo quy định IUU theo đó mọi hoạt động thương mại các sản phẩm thủy sản có được từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp đều bị nghiêm cấm. Quy định IUU cũng nêu rõ các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức tối đa ít nhất

gấp năm lần giá trị của sản phẩm thủy sản sai phạm nghiêm trọng thu hồi được; ít nhất gấp tám lần giá trị của sản phẩm trong trường hợp tái phạm trong thời gian năm năm.

Do vậy, Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp XKTS chuẩn bị và đối phó với các rào cản về thương mại và kỹ thuật của EU. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao trình độ hiểu biết của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về các thông tin luật pháp nước sở tại, về các tiêu chuẩn, quy định riêng của từng nước trong khối EU và phổ biến rộng rãiquy định chống bán phá giá để khi cần thiết có thể chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp có thể xảy ra trong trao đổi thương mại hàng hóa. Xây dựng các văn bản rõ ràng về các luật lệ, quy định của EU đối với hàng thủy sản, lưu trữ và thông báo công khai tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản, các tổ chức Hiệp hội thủy sản trong và ngoài nước, trên các trang web liên quan ngành thủy sản và thường xuyên cập nhật nhanh chóng thông tin mới nhất từ thị trường EU.

 Kiểm soát chặt chẽ và đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm ngặt đối với các trường hợp không tuân thủ, không đảm bảo yêu cầu, quy định về vấn đề vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm

Thị trường EU là một thị trường vô cùng khó tính về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vàsức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, EU tiến hành các kiểm tra các sản phẩm ngay từ nơi sản xuất và có các hệ thống báo động giữa các nước thành viên. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU tuân thủ quy định HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) là điều bắt buộc. Bất cứ một đơn hàng xuất khẩu nào không đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định đặt ra của EU đều bị trả lại. Theo số liệu của VASEP, từ năm 2002, chính phủ đã chính thức ban hành chỉ thị cấm sử dụng các chất kháng sinh có hại cho thủy sản, năm 2005, Bộ thủy sản công bố 17 danh mục hóa chất cấm sử dụng trong đó có 10 danh mục trùng với hóa chất cấm của EU, tuy nhiên cho đến nay, việc kiểm soát sử dụng hóa chất cấm vẫn chưa đạt hiệu quả cao, thủy sản Việt Nam vẫn thường xuyên vướng vào các vấn đề về chất lượng thủy sản xuất khẩu sử dụng quá dư lượng hóa chất, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng...Vì vậy thủy sản Việt Nam muốn phát triển và xâm nhập sâu vào thị trường này đòi hỏi phải đáp ứng

được các yêu cầu của thị trường EU. Nhà nước, các bộ chủ quản ngành thủy sản cần kiểm soát đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các phương pháp như thông tin tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng như người tiêu dùng, giáo dục cho họ ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Cần hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống thanh tra, kiểm nghiệm VSATTP, huy động sự tham gia, kiểm tra, giám sát của cộng đồng. Các Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh, hóa chất bị cảnh báo đối với các lô hàng xuất khẩu. Đưa ra các chế tài về thực hiện nghiêm ngặt vấn đề sử dụng các hóa chất, kháng sinh bị cấm, các hành vi làm ảnh hưởng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và uy tín thương hiệu Việt Nam.

 Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến

Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thấp, chưa đồng bộ, hầu hết hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, làm tăng nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước. Hệ thống tàu thuyền, phương tiện, thiết bị phục vụ cho khai thác đánh bắtxa bờ quy mô nhỏ và chậm đổi mới. Việc đầu tư thiết bị, công nghệ và ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong các khâu sản xuất, chế biến hàng thủy sản còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh về mặt chất lượng sản phẩm chưa cao. Công nghệ bảo quản hàng thủy sản sau thu hoạch tuy đã được cái tiến nhưng công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được thực hiện tốt ở khâu sản xuất nguyên liệu và sau thu hoạch.

Do đó nhà nước cần quan tâm tới việc đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá như các cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, cảng cá, bến cá, hiện đại hóa hệ thống thông tin nghề cá… nhằm hạn chế tác động của môi trường, giảm rủi ro cho nông ngư dân và đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu một cách bền vững. Tổng cục thủy sản cần tăng cường tập trung xây dựng và quy hoạch vùng nuôi thủy sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng theo tiêu chuẩn

EU, bên cạnh đó quản lý các mặt hàng thủy sản theo chuỗi và kết hợp với các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ nuôi trồng đến thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường Đại học, Trung cấp thủy sản và các Trung tâm đào tạo nghề ngành thủy sản để những đơn vị này có thể cung cấp được ngày càng nhiều lao động có trình độ nghiệp vụ cao về thủy sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản.

 Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay khi thủy sản Việt Nam chưa tạo cho mình được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các mặt hàng thủy sản như cá ngừ, hải sản xuất khẩu Việt Nam được nuôi trồng và khai thác với số lượng lớn song xuất khẩu các sản phẩm hải sản Việt Nam xuất khẩu này sang thị trường thế giới lại phải thông qua trung gian hay dưới dạng gia công cho các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài nên các sản phẩm hải sản Việt Nam ít được người tiêu dùng biết đến. Do đó sự hỗ trợ của của nhà nước về xây dựng thương hiệu, uy tín hàng thủy sản là vô cùng quan trọng. Nhà nước xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng chủ đạo, và cho phép các mặt hàng này được đăng ký sử dụng tên thương hiệu quốc gia. Việc làm này sẽ đem lại các lợi ích như tạo hiệu quả tổng thể, mở cửa cho mọi công ty, duy trì các hoạt động kiểm soát dư lượng chất độc hại trong nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ngoài ra còn giúp cho việc thiết lập hệ thống giám sát cảnh báo dịch bệnh thủy sản cũng như giúp cho xây dựng và triển khai đề án mã hoá truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng thủy sản việt nam trên thị trường eu (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)