Thú chơi ngày Tết.

Một phần của tài liệu luận văn Nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo Tết (Trang 36 - 40)

Vui chơi, giải trí là nhu cầu không thể thiếu trong dịp Tết, khi con người nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả.

Một thú chơi ngày Tết khá độc đáo và lý thú của người Việt Nam là chơi câu đối và treo câu đối trong nhà vào dịp Tết đến, xuân về. Từ ngàn xưa, trong ý niệm của người Việt Nam, câu đối đã gắn với ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Câu đối là nghệ thuật chơi chữ của người xưa, sử dụng câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu tương phản hoặc đăng đối về ngữ âm, khái niệm, trau chuốt về lời. Đây là lối chơi văn hoá tao nhã, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của con người. “Theo sách Sơn hải kinh thì câu đối

bắt nguồn từ tục làm “đào phù” (tức bùa yểm tà ma) rồi dần trở thành hình thức câu đối bây giờ... Trải qua một quá trình hoàn thiện, nó dần dần trở thành một loại hình văn hoá nghệ thuật độc đáo thu hút sự say mê của mọi tầng lớp trong xã hội” (Nguyễn Tiến Cử - “Câu đối Tết” - Giáo dục và Thời đại Tết Kỷ Mão 1999).

Tuy rằng trong những năm gần đây, còn Ýt nhà treo câu đối đỏ, nhưng đọc câu đối, thưởng thức cái sâu sắc đến cô đọng “như một công trình nghệ

thuật, một bức tranh, một bản nhạc” của câu đối vẫn là cái thú của đông đảo

nhân dân mỗi dịp xuân về. “Câu đối là hương vị đặc biệt không thể thiếu của

ngày Tết dân tộc, nó giống như cành đào ở miền Bắc, cành mai ở miền Nam. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, mùa câu đối lại nở rộ lên, ban bè gần xa gặp nhau nhâm nhi chén trà, ly rượu, đánh ván cờ, bàn góp câu đối còn thú nào bằng” (Nguyễn Văn Tiếu - “Những vế đối còn bỏ trống” - Nhân dân Tết Tân Tỵ 2001). “Lớp người bình dân, bởi vậy không xa lạ, ưa dán ở cửa ngõ, cột

hiên, cột nhà và hai phía bàn thờ, coi là thú chơi tao nhã. Ngày nay câu đối vẫn được ưa chuộng, có mặt trên nhiều trang báo Tết” (Nghiêm Thanh - “Thú

chơi ngày Tết” - Nhân dân Tết Canh thìn 2000).

Trên báo Tết không chỉ xuất hiện bài viết về thú chơi câu đối trong dịp Tết, mà đồng thời còn rất nhiều câu đối Tết được đăng tải trên mặt báo. Tuy chỉ chiếm diện tích nhỏ trên mặt báo, nhưng nó góp phần tạo nên nét đặc biệt làm cho báo Tết khác với các số báo thường ngày.

Một thú chơi quen thuộc trong những ngày Tết là chơi tranh. Tranh treo trong nhà ngày Tết có hai loại: một loại là tranh dân gian, còn một loại là tranh hiện đại. Viết về thú chơi tranh dân gian trong dịp Tết, tác giả Ngọc Khuê bài “Bức tranh Tết” (Giáo dục và Thời đại Tết Canh thìn 2000) viết: “Hàng năm, các nghệ nhân dân gian đã cung cấp nhiều loại tranh Tết cho

khắp mọi miền đất nước để nhân dân ta đón xuân, mừng năm mới”. Tác giả

đánh giá tranh dân gian Tết “là trí tuệ, là tài hoa nghệ thuật của dân tộc”, “Tranh dân gian Việt Nam giản dị, hồn nhiên, gợi cảm, có phong cách độc

đáo”. Còn bài “Thú chơi ngày Tết” (Nghiêm Thanh - Nhân dân Tết Canh thìn 2000), tác giả lại chỉ rõ nguồn gốc, chất liệu, đề tài của các loại tranh Tết dân gian và thú chơi tranh dân gian ngày nay: “mỗi khi Tết đến, cùng với việc chuẩn bị nồi bánh chưng xanh, bàn thờ gia tiên, không quên mua vài bức tranh làng Hồ rộn ràng màu sắc để dán trên vách đất, tô thắm không khí ngày xuân”. Trong bài “Những nẻo đường tranh dân gian” (Nhân dân Tết Tân Tỵ 2001), tác giả Phạm Thanh Hà sau khi giới thiệu những dòng tranh dân gian chính của nước ta, đã nhấn mạnh tranh dân gian “một thời là món ăn

tinh thần của người Hà Nội, rộng hơn là của nhân dân vùng Bắc Bộ, đặc biệt mỗi dịp Tết Nguyên đán”. Theo bài viết, tranh dân gian đã vẽ lại một cách đơn

sơ, mộc mạc cuộc sống đời thường cũng như trí tưởng tượng và mơ ước của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp. Giọng văn tâm huyết trong tác phẩm đã gây được xúc động trong lòng người đọc, nhất là khi viết về một giá trị cổ truyền thân thuộc và làm sống lại một mạch nguồn dân tộc.

Một loại tranh dân gian nổi tiếng ở cố đô Huế là “Trướng, liễn làng Chuồn”. Bài viết của Hoàng Văn Minh trên báo Lao động Tết Tân Tỵ 2001 đã giới thiệu làng quê với nghề tranh dân gian độc đáo, tồn tại mấy trăm năm nay. “Ngày Tết cổ truyền, tranh trướng, liễn thường được trang trí ở vách

tường gian nhà chính, nơi thờ phụng tổ tiên, hoặc treo ngay làm diềm, rèm trước và sau bàn thờ, ở các gian phô trong nhà. Tất cả được giữ nguyên cho đến Tết năm sau mới thay lại tranh mới”. Có một thời, trướng, liễn làng

Chuồn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người dân Huế và các tỉnh phụ cận. Nhưng ngày nay, nghề có nguy cơ bị thất truyền. Đó cũng là nỗi day dứt trong lòng tác giả khi kết thúc bài viết: “giữa ngổn ngang giấy, màu, tôi

thẫn thờ nghĩ: không lẽ rồi trướng, liễn làng Chuồn chỉ còn trong âm vang quá khứ?”

Trên các báo Tết còn xuất hiện nhiều bài viết về thú chơi hoa và cây cảnh ngày Tết. Đó là cành đào đỏ thắm (“Chuyện bên gốc đào” - Hà Nội mới

Tết Tân Tỵ 2001), cành mai vàng rực rỡ, chậu quất với chùm quả vàng mọng sum suê, hay những chậu hoa, cây cảnh khác trong “Hoa kiểng”, “Hoa Tết với người Hà Nội” - (Nhân dân Tết Tân Tỵ 2001), “Nghệ thuật Bôn-sai”, “Hoa lan” (Nhân dân Tết Canh thìn 2000)...

Các trò chơi ngày Tết không chỉ bó hẹp trong phạm vi mỗi gia đình, mà mở rộng ra không gian lớn hơn như trong làng xã, một miền quê... Một trò chơi dân gian thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân mỗi dịp xuân về là chơi đu. Báo Bắc Ninh Tết Canh thìn 2000 có bài “Thú chơi đu và lễ hội đầu xuân” của Đăng Đại đã miêu tả sinh động, hấp dẫn về trò chơi này. “Chơi đu trong các ngày lễ hội đầu xuân là trò chơi mang đậm tính dân gian và bản sắc dân tộc độc đáo. Trong thời hiện đại, nhiều trò chơi mới xuất hiện nhưng thú chơi đánh đu trong các ngày lễ hội thì vẫn không thể thiêú được”. Tác giả

miêu tả tâm trạng của người chơi đu thật thú vị: “cả người đánh đu và người

xem đều chung một tâm trạng hồ hởi, sảng khoái, có lúc hỗi hộp, lo sợ. Ai đã đặt chân lên thì muốn mình được đu nữa, còn người chơi đu thì chờ đợi, mong ngóng mình được lên đánh đu”.

Trò chơi dân gian trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền ngày nay tuy không nhiều như trước, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân mỗi dịp xuân về như các trò chơi: đánh đu, chọi gà, đấu vật, đánh võ, múa sư tử... Thú chơi ngày Tết bộc lộ bản lĩnh, tính cách, thị hiếu và bản sắc dân tộc, không ngừng được cải tiến, bổ sung và nâng cao trong đời sống hiện đại. Viết về các trò chơi, thú chơi ngày Tết chính là góp phần giữ gìn và phát huy

những phong tục cổ truyền độc đáo của dân tộc. Nhưng trên báo Tết những năm gần đây, nhiều bài viết về vấn đề này không nhiều.

Một phần của tài liệu luận văn Nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo Tết (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w