Sơ lƣợc về tình hình pháp luật và hƣơng ƣớc ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 60)

2.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT, HƢƠNG ƢỚC VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA

CHÚNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1.1. Sơ lƣợc về tình hình pháp luật và hƣơng ƣớc ở Việt Nam hiện nay hiện nay

Cùng với sự phát triển thăng trầm của lịch sử, nhận thức của chúng ta về vai trò của pháp luật và hương ước cũng có sự khác nhau. Trước năm 1986, do những hạn chế nhất định nên nhận thức của chúng ta về vai trò của pháp luật và hương ước còn thiếu chính xác và không đầy đủ. Có lúc, pháp luật được coi là tối thượng, có thể giải quyết mọi tình huống xảy ra trong xã hội, áp đặt tới toàn bộ các quan hệ xã hội một cách tuyệt đối, tuy nhiên có lúc vai trò của pháp luật lại bị hạ thấp tới mức có thể bị thay thế bởi các mệnh lệnh hành chính. Còn đối với hương ước giống như mọi hiện tượng xã hội khác, cũng có lịch sử phát triển với những bước thăng trầm riêng. Trước năm 1945 hương ước có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng của hầu hết các làng Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám, những bể dâu thời cuộc, những lo toan cho số phận và tương lai của cả một dân tộc, khiến hương ước bị lãng quên. Đó cũng là thời điểm mở đầu cho một giai đoạn hương ước không được thiết lập ở các làng xã nữa. Cách mạng thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, lịch sử dân tộc bước sang trang mới tràn ngập ánh sáng của chủ nghĩa xã hội. Niềm hân hoan, vui sướng làm nảy sinh tâm lý muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với tất cả những gì có liên quan đến xã hội cũ. Hương ước cũng bị coi là sản phẩm của xã hội thực dân, phong kiến, nên đã bị loại bỏ khỏi đời sống hương thôn. Sự thành kiến đối với hương ước trở nên phổ biến, trong nhiều năm không ai nhắc tới nó

nữa. Năm 1959, trong một lần về thăm Thái Bình, Bác Hồ đã nhắc nhở cán bộ: "Hương ước là những phong tục đẹp ở nông thôn "từ sau ngày cách mạng các chú xóa bỏ hết cả, thế là không đúng, cách mạng chỉ xóa đi cái xấu, cái dở, còn cái hay cần phải giữ gìn, phát huy" [59, tr. 39]. Nhưng rồi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước cuốn cả dân tộc đi, rồi việc hàn gắn vết thương chiến tranh sau ngày giải phóng... rất nhiều vấn đề đã bị gác lại để ưu tiên, tập trung vào những nhiệm vụ lớn lao hơn của Tổ quốc.

Cuối những năm 80, đất nước chuyển mình mạnh mẽ từ kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Làng xã theo đó cũng có những biến đổi sâu sắc. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng được rút ngắn. Dấu vết của một làng quê "tự trị", "khép kín" không còn nữa. Làng xã thực sự trở thành "một bộ phận của chỉnh thể quốc gia" [21, tr. 61]. Người nông dân xưa "Một đời đi mãi vẫn không ngoài ruộng" (câu thơ trong bài "Hát gọi hạt giống" của Trần Quang Quý), không ra khỏi lũy tre xanh bao quanh làng. Giờ đây họ có thể đi làm ăn ở khắp nơi trên đất nước, thậm chí cả ở nước ngoài; quan niệm "Ly nông bất ly hương" chưa hẳn là đắc sách. Kinh tế nông thôn đổi thay từng ngày, hiện đại và năng động hơn trong xu thế hội nhập. Nhưng mở cửa nền kinh tế giống như mở cánh cửa một ngôi nhà, đón luồng gió mát ùa vào cũng không tránh khỏi bụi bặm. Làng xã đối diện với bao thách thức: tốc độ đô thị hóa quá nhanh; sự lãng quên truyền thống và các phong tục đẹp của địa phương; tệ nạn xã hội và sự xói mòn các giá trị đạo đức... Thực trạng ấy buộc chúng ta phải suy nghĩ cần làm gì để vừa đổi mới nông thôn, vừa giữ gìn được nét đẹp truyền thống ở đây? Trong rất nhiều biện pháp được đưa ra người ta chú ý đến việc "tái lập hương ước". Lịch sử đã cho chúng ta những bài học quý giá. Trong quá khứ, ông cha ta sử dụng hương ước để quản lý làng xã thu được những kết quả tốt đẹp. Vậy tại sao ngày nay chúng ta lại không phát huy những mặt tích cực của hương ước?

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đã đánh giá đúng thực trạng xã hội và chỉ ra nhiều

hạn chế, sai lầm trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước. Đại hội cũng đề ra chủ trương phải đổi mới toàn diện và sâu sắc về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở nước ta. Theo đó, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cùng cơ chế bao cấp của Nhà nước dần bị xóa bỏ, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập. Kết quả của quá trình đổi mới đúng đắn đó đã tạo nên sự chuyển biến căn bản cho đất nước. Vị trí, vai trò của pháp luật, hương ước và của các quy phạm xã hội khác vì thế cũng được nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ hơn. Với nhận thức mới, hệ thống pháp luật đã có sự đổi mới căn bản về chất, phản ánh được những nhu cầu cơ bản, khách quan, điển hình, phổ biến trong xã hội. Pháp luật lúc này được xây dựng không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội mà còn phù hợp với truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc, phản ánh đầy đủ, chính xác ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Những giá trị thực chất của pháp luật được thể hiện một cách đầy đủ, khả năng quản lý xã hội của pháp luật được ghi nhận. Pháp luật đã thực sự là công cụ hữu hiệu nhất để tổ chức và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời pháp luật cũng là công cụ để bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngày càng mở rộng, kỹ thuật lập pháp ngày càng tiến bộ, chất lượng và hiệu quả điều chỉnh của các văn bản pháp luật ngày càng được nâng cao. Về cơ bản, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và các quan hệ xã hội cơ bản đều đã được điều chỉnh bằng pháp luật. Các lĩnh vực trước đây trong cơ chế kinh tế cũ không có pháp luật điều chỉnh một cách tương đối toàn diện và hiệu quả. Các ngành luật nhìn chung được phát triển tương đối đồng bộ, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật được hạn chế một cách cơ bản. Tính hợp lý của pháp luật trong những năm đổi mới, đặc biệt là từ năm 1992 đến nay, đã tạo cho pháp luật một sức sống mới, làm thay đổi nhận thức về bản chất, giá trị xã hội và vai trò tích cực của nó trong xã hội. Pháp luật đã trở thành công cụ quản lý kinh tế - xã hội chủ yếu của Nhà

nước (thay vì quản lý chủ yếu bằng chính sách, nghị quyết, mệnh lệnh hành chính trong thời kỳ trước đổi mới) và là cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Trong làn gió đổi mới ấy, đặc biệt là sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa VI, 1988) về việc giao khoán ruộng đất đã giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích và các quan hệ lợi ích giữa tập thể - cá nhân - xã hội. Cơ chế khoán 10 đã tạo ra vị thế mới cho người nông dân chủ hộ với tư cách là chủ sản xuất - kinh doanh. Họ có quyền chủ động quyết định về việc sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp mới lại nảy sinh như: hiện tượng tranh chấp đất đai giữa các hộ nông dân với nhau, giữa các thôn làng, các xã với nhau, việc phát triển không có kế hoạch, quy hoạch, định hướng sản xuất kinh doanh nhiều khi tùy tiện... Những nảy sinh ấy trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn đều tiềm ẩn những bất ổn, không thể thụ động chờ xã, mà các cộng đồng thôn, làng, bản, ấp đứng ra giải quyết các mối quan hệ trong làng xóm trên tình nghĩa cộng đồng có lý, có tình trở nên cần thiết. Nhiều hình thức tự quản ở cơ sở như: tổ hòa giải, các tổ đội an ninh thôn xóm được lập nên một cách tự nguyện đã phát huy hiệu quả vào hoạt động tự quản của dân làng. Nhu cầu tự quản, trực tiếp giải quyết tại chỗ những công việc của các thành viên trong cộng đồng làng xóm dần trở nên bức thiết. Dĩ nhiên tự quản không đối lập với hành chính, không được trái với pháp luật hiện hành và thôn không tách rời, biệt lập với xã.

Để dân thực hiện việc tự quản, ngoài các văn bản pháp luật của Nhà nước, của các cấp quản lý còn cần phải có những thỏa ước tập thể của chính cộng đồng dân cư quy định, thống nhất với nhau và cùng nhau tự nguyện chấp hành. Thỏa ước tập thể đó chính là hương ước mới. Về mặt tự quản cộng đồng, hương ước mới như một phần thiết chế tự quản. Nó kế thừa hương ước cổ truyền ở những mặt còn hợp lý va phát triển với những nội dung mới, hình thức mới.

Mặt khác, có thể nói rằng, chính sức sống trường tồn của hương ước, cùng với một số diễn biến tiêu cực ở làng xã hiện đại đã làm thay đổi nhận thức về vai trò của hương ước trong quản lý làng xã. Bắt đầu từ năm 1990 bên cạnh chủ trương khuyến khích nghiên cứu hương ước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị định, chỉ thị, thông tư về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước làng văn hóa, như: Chỉ thị số 24/1998/CT/TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN ngày 31/3/2000... Những văn bản đó là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai soạn thảo hương ước mới. Đi tiên phong trong hoạt động này là tỉnh Hà Bắc (cũ). Năm 1992, các huyện trong tỉnh đều có quy ước làng văn hóa. Trong đó, riêng huyện Tiên Sơn đạt tỷ lệ cao nhất 127/144 làng có hương ước. Sau Hà Bắc, các tỉnh thành khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Đông, Hà Nam... cũng phát động, đẩy mạnh quá trình biên soạn, thực hiện quy ước làng văn hóa, thu được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Bản hương ước mới được coi là sớm nhất là hương ước của làng Hồi Quan, xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khởi thảo ngày 20/12/1989 và đến ngày 22/01/1990 được ban hành với tên gọi: "Quy ước về xây dựng nếp sống văn minh, lập lại kỷ cương - trật tự xã hội làng Hồi Quan", sau đó là các bản hương ước của làng Trang Liệt, làng Phấn Động... Các bản hương ước trên đều do các làng tự soạn thảo trên tinh thần công khai, dân chủ và do nhu cầu, nhất là nhu cầu quản lý làng trong thời đổi mới đặt ra, chưa có sự chỉ đạo, hoặc giúp đỡ của cấp trên. Về thực chất, đó là một công cụ để các làng tự quản các công việc, các sinh hoạt nội bộ, nội dung không khác nhiều so với các bản hương ước cổ truyền. Hương ước mới ra đời đã khắc phục, bổ sung kịp thời cho sự trống vắng trong quản lý ở nông thôn khi mà pháp luật của Nhà nước còn chưa đủ khả năng bao quát và điều chỉnh hết thảy mọi quan hệ xã hội phát sinh trong cộng đồng dân cư và sự quản lý của chính quyền cơ sở đối với các thôn, làng, ấp, bản còn chứa đựng không ít những bất cập, hạn chế. Hương ước mới còn là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật, các chủ trương,

đường lối, chính sách của Nhà nước. Với vai trò như vậy, hương ước mới một mặt chuyển tải linh hoạt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng dân cư, mặt khác kịp thời bổ sung những khoảng trống mà pháp luật để lại hoặc chưa kịp điều chỉnh tới. Đồng thời, hương ước mới còn phục hồi, khơi dậy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, đạo đức lối sống tốt đẹp của dân tộc. Hương ước ngày nay đang trở thành "một công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn" [63, tr. 13].

Bên cạnh những kết quả đạt được, cả pháp luật và hương ước trong giai đoạn hiện nay vẫn còn những tồn tại cơ bản, cần phải nhanh chóng khắc phục mới đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của xã hội trong quá trình phát triển. Đối với pháp luật, đó là: Hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn, còn thiếu luật để điều chỉnh trong nhiều lĩnh vực bức xúc của đời sống xã hội. Còn tồn tại một bộ phận đáng kể các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời kỳ trước hàm chứa trong đó các quy định đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; kỹ thuật lập pháp còn chưa cao, nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành nhưng đã ngay lập tức không còn phù hợp hoặc văn bản pháp luật ban hành ở dạng các quy định quá chung chung, đòi hỏi phải có sự giải thích pháp luật nhưng hoạt động này lại quá chậm trễ; Tình trạng không đồng bộ về nội dung của hệ thống pháp luật vẫn còn khá rõ rệt, gây không ít khó khăn cho việc thi hành; Hoạt động thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa kịp thời do vậy còn tạo ra những tâm lý tiêu cực trong xã hội, gây giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước; cơ chế xây dựng pháp luật chưa hợp lý dẫn đến tình trạng cục bộ, cách thức xây dựng và thể hiện pháp luật thiếu thống nhất... Đối với hương ước, đó là nhiều quy định không phù hợp, thậm chí có nhiều điều khoản hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, mặc dù được coi là phù hợp với điều kiện của làng quê đó như việc quy định về lễ cưới hỏi, độ tuổi kết hôn... Quy định về thu các loại phí và lệ phí tùy tiện; hầu hết các bản hương ước đều sao chép những điều khoản trong luật

pháp của Nhà nước, nhắc lại nội dung pháp luật một cách cứng nhắc, có nội dung, hình thức kết cấu và lời văn diễn đạt khá giống nhau...

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 60)