KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực trung trung bộ (Trang 79 - 81)

Trong chuyên đề này, các kịch bản phát thải khí nhà kính SRES đã được phân tích và đề cập đến. Để xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực Trung Trung Bộ, phương pháp hạ quy mô động lực với kịch bản phát thải khí nhà kính trung bình A1B và phát thải cao A2 đã được lựa chọn sử dụng. Các kết quả của kịch bản phát thải trung bình A1B có thể được sử dụng như là định hướng ban đầu để đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu và để có thể xây dựng kế hoạch hành động ứng phó. Các kết quả của kịch bản phát thải cao A2 mang tính cảnh báo cao, trong trường hợp phát thải nhà kính không được kìm chế.

Hai mô hình khí hậu khu vực là RegCM3 và CCAM đã được lựa chọn là nhân tố chính cho quá trình hạ quy mô động lực. Kết quả mô phỏng cho thời kỳ chuẩn (1971- 2000) đã được so sánh, đánh giá trực tiếp với số liệu quan trắc tại các trạm trong khu vực. Mặc dù vẫn có những sai khác không tránh khỏi giữa kết quả mô hình và các giá trị quan trắc nhưng cả RegCM3 và CCAM đều đã tái tạo được tương đối tốt trường mưa và trường nhiệt độ trong khu vực, theo cả không gian và thời gian.

Các kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực Trung Trung Bộ đã được xây dựng theo các mùa cho 4 yếu tố chính là lượng mưa, nhiệt độ trung bình, nhiệt độ cực đại, nhiệt độ cực tiểu và 2 hiện tượng mang tính cực đoan là nắng nóng và mưa lớn. Các kịch bản chi tiết đến từng khu vực trạm trong 14 trạm quan trắc khí tượng thủy văn được lựa chọn. Các kịch bản cho thấy sự thay đổi của các yếu tố trung bình theo thập kỷ đối với thời kỳ chuẩn 1971-2000.

Các kết quả từ kịch bản biến đổi khí hậu xây dựng được cho thấy trong 50 năm tới, trên hầu hết khu vực nghiên cứu, nhiệt độ trung bình mùa đông sẽ tăng lên 0,5-1,6oC. Nhiệt độ cực đại mùa đông tăng 1,5-2.9oC, nhất là miền phía bắc của khu vực. Đối với cả nhiệt độ trung bình và nhiệt độ cực đại mùa đông, kịch bản A1B tăng nhiều hơn A2 vào giai đoạn cuối nhưng lại tăng ít hơn trong giai đoạn đầu. Nhiệt độ cực tiểu tăng ít, có một vài trạm không đổi hoặc giảm chút ít trong kịch bản A1B vào giai đoạn đầu. Vào mùa hè, cả nhiệt độ trung bình lẫn nhiệt độ cực đại và cực tiểu đều tăng, nhiều hơn hẳn mùa đông và không xuất hiện xu hướng giảm tại bất kỳ trạm nào trên khu vực. Kịch bản A2 dự đoán nhiệt độ cực đại tăng nhiều hơn A1B nhưng tình hình ngược lại

xảy ra đối với nhiệt độ trung bình và cực tiểu mùa hè. Số ngày nắng nóng trong các thập kỷ tới có xu hướng tăng, chủ yếu về mùa xuân và mùa hè, đặc biệt là ở các trạm vùng cao.

Đối với lượng mưa, xu thế chung của cả 4 mùa là mưa giảm đi ở miền phía bắc của khu vực và tăng mưa trên miền phía nam của khu vực. Lượng mưa có xu hướng giảm trong mùa đông và mùa hè và có thể tăng lên vào mùa xuân và mùa thu. Hai kịch bản đều dự đoán mùa hè sẽ thiếu hụt mưa so với giai đoạn chuẩn ngoại trừ một vài thời kỳ theo kịch bản A1B. Kịch bản A1B cũng dự đoán độ hụt mưa mùa hè ít hơn A2. Mùa xuân được dự đoán là tăng mưa ở cả 2 kịch bản, có những giai đoạn tăng 20% mưa so với thời kỳ chuẩn như giai đoạn 2031-2040. Đáng lưu ý là các tháng mùa thu sẽ có nhiều mưa hơn trong các thập kỷ tới. Kịch bản A1B dự đoán mưa tăng nhiều nhất vào các thập kỷ từ 2011 đến 2040 trong khi kịch bản A2 cho rằng sự tăng lên đáng kể của lượng mưa mùa thu muộn hơn, khoảng từ 2021 đến 2050. Số ngày mưa lớn cũng cho mức giảm rõ rệt vào mùa hè và tăng lên trong mùa đông và mùa thu. Do ở khu vực Trung Trung Bộ, mùa mưa tập trung chủ yếu vào mùa thu nên sự tăng mưa trong tương lai có thể làm tăng các hiện tượng cực đoan liên quan đến mưa, lũ trong khu vực.

Như vậy, các kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết đến từng khu vực trạm trong số 14 trạm được xem xét thuộc khu vực Trung Trung Bộ đã được xây dựng cho 2 kịch bản phát thải trung bình A1B và phát thải cao A2. Bảng 6.1 đến 6.12 chứa đựng các thông tin hữu ích để các cơ quan hữu quan tham khảo sử dụng, làm định hướng ban đầu để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó đối với khu vực Trung Trung Bộ, Việt Nam.

Cũng cần lưu ý rằng, vì nhiều lý do hiện chưa khắc phục được như mức độ khẳng định thấp của các kịch bản phát thải khí nhà kính, sai số của mô hình khí hậu, tính địa phương hóa cao của các yếu tố khí hậu nên những con số đưa ra bao hàm cả những sai số trong nó. Do đó khi áp dụng những con số trong các kịch bản trên cho một trường hợp cụ thể, người sử dụng cần chú ý về vấn đề trên.

Một phần của tài liệu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực trung trung bộ (Trang 79 - 81)