So sánh chuỗi thời gian

Một phần của tài liệu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực trung trung bộ (Trang 40)

V. ĐÁNH GIÁ, PHÂN TÍCH KẾT QUẢ CHO THỜI KỲ CHUẨN 1971-

5.1.2.So sánh chuỗi thời gian

So sánh phân bố không gian của nhiệt độ và lượng mưa trung bình thời kỳ 1971- 2000 của RegCM3 và ERA40 ở trên cho thấy độ lệch giữa nhiệt độ mô phỏng tại các trạm và quan trắc tại đó có tính hệ thống khá rõ, hầu hết mô hình thiên âm ngoại trừ 2 trạm trên cao nguyên, nhưng lượng mưa thể hiện tính địa phương phức tạp hơn nhiều. Cụ thể là sai khác giữa lượng mưa mô phỏng và quan trắc giữa các trạm có sự khác biệt đáng kể. Vì vậy, trong mục này, chúng tôi so sánh chi tiết biến đổi theo thời gian của nhiệt độ trung bình khu vực nghiên cứu giữa mô phỏng và quan trắc trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong khi đó, với lượng mưa, chúng tôi sẽ xem xét thêm cho riêng một số trạm điển hình.

Nhiệt độ mùa hè đã được mô phỏng khá gần với quan trắc, cả về xu thế và các biến đổi theo thời gian, ngoại trừ xu hướng thiên thấp trong một vài giai đoạn xảy ra hiện tượng El Nino như 1972-1973, 1982-1983, 1989-1993. Đường xu thế của số liệu quan trắc và mô phỏng gần như song song với nhau và mô phỏng thấp hơn quan trắc trung bình khoảng 1oC. Tương tự, xu thế tăng nhẹ của nhiệt độ mùa đông trên khu vực cũng được mô hình nắm bắt khá tốt. Nhiệt độ những năm El Nino cũng được tái tạo thiên thấp hơn so với quan trắc.

Nhìn chung, xu thế tăng của nhiệt độ mùa xuân đã được mô hình RegCM3 tái tạo khá tốt mặc dù độ nghiêng của đường xu thế ít dốc hơn đường xu thế của nhiệt độ quan trắc. Mặc dù vậy, trong một vài năm, nhiệt độ mô phỏng thấp (ví dụ năm 1979) trong khi nhiệt độ quan trắc khá cao hoặc ngược lại vào năm 1972, 1974.

Khả năng mô phỏng nhiệt độ mùa thu không được tốt như các mùa. Trong khi nhiệt độ quan trắc mùa thu có xu thế tăng lên thì mô hình lại cho nhiệt độ hầu như không biến đổi và có xu thế hơi giảm. Năm 1978, giữa mô hình và quan trắc có giá trị rất gần nhau nhưng xu hướng biến đổi ngược nhau. Cả quan trắc và mô hình đều khoảng 23,2oC nhưng năm 1978 là năm lạnh hơn xu thế chung trong khi mô hình là năm ấm hơn xu thế chung.

Hình 5.3. Nhiệt độ (oC) trung bình mùa từ 1971 đến 2000 trung bình 14 trạm trên khu vực giữa quan trắc và RegCM3.

Vào mùa xuân, mô hình đã tái tạo được xu thế tăng của lượng mưa nhưng với tốc độ chậm hơn, thể hiện ở độ dốc nhỏ hơn của đường xu thế. Ở đây, mô hình mô phỏng thiên cao trong rất nhiều năm. Lượng mưa mùa hè quan trắc được trên khu vực trung bình khoảng 200mm/tháng, năm có mưa nhiều nhất là 1979, năm ít mưa nhất là 1998. Xu thế chung từ 1971-2000 là hơi giảm mưa. Tuy nhiên, kết quả mô hình lại cho xu thế hơi tăng mưa và thiên cao trong những năm ít mưa nhưng thiên thấp trong những năm nhiều mưa. Vào những năm NON-ENSO, lượng mưa mô hình khá gần với quan trắc.

Hình 5.4. Lượng mưa (mm/tháng) trung bình mùa từ 1971 đến 2000 trung bình 14 trạm trên khu vực giữa quan trắc và RegCM3.

Lượng mưa lớn vào mùa thu của khu vực này chủ yếu đến từ họat động của xoáy thuận nhiệt đới hình thành trên biển Đông và từ Tây bắc Thái Bình Dương vào biển Đông và có ảnh hưởng đến khu vực. Trong thời kỳ từ 1971-2000, xu thế tuyến tính của lượng mưa quan trắc có chiều hướng tăng. Điều này có thể liên quan đến sự dịch chuyển họat động của xoáy thuận nhiệt đới từ bắc Trung Bộ xuống nam Trung Bộ trong các thập kỷ gần đây. Cụ thể là, tần suất xuất hiện của xoáy thuận nhiệt đới tăng lên trên khu vực nghiên cứu dẫn đến lượng mưa mùa bão tăng lên. Tuy nhiên, lượng mưa mô phỏng có xu hướng giảm đi.

Lượng mưa quan trắc vào mùa đông rất nhỏ, thường đạt 50mm/tháng. Vào những năm 1975, 1987, 2000, lượng mưa có thể đạt 150mm/tháng. Trong trường hợp này, mô hình hầu như luôn tạo ra lượng mưa cao hơn quan trắc. Tuy nhiên, đường xu thế của mô hình và quan trắc gần như song song cho thấy mô hình có khả năng nắm bắt được xu thế biến đổi của lượng mưa mùa đông trên khu vực.

Xem xét cụ thể cho một vài trạm điển hình cho khu vực như trạm Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kon Tum và Nha Trang, thu được một số kết luận như sau:

- Trạm Đà Nẵng: mưa mùa xuân được tái tạo tốt nhất, lượng mưa mùa thu

cũng được nắm bắt khá tốt mặc dù mô hình có xu thế thấp hơn quan trắc. Mưa mùa hè bị mô phỏng hụt khá nhiều trong khi mùa đông mô hình cho mưa quá lớn.

- Trạm Quy Nhơn: RegCM3 khá thành công trong việc tái tạo lại lượng

mưa mùa hè ở đây. Lượng mưa mùa thu hơi thiên thấp so với quan trắc trong khi mùa đông và mùa xuân là những mùa mô hình cho mưa quá lớn so với thực tế.

- Trạm Kon Tum: mặc dù trạm bị thiếu số liệu từ năm 1971-1975 nhưng

trong mùa hè có thể thấy lượng mưa mô phỏng bám khá sát lượng mưa quan trắc dù có một vài năm mô hình thiên cao. Xu hướng thiên cao này rõ rệt hơn trong mùa đông và mùa thu. Tuy nhiên, RegCM3 cho mưa khá nhỏ hơn quan trắc vào mùa xuân.

- Trạm Nha Trang: mô hình nắm bắt được khá tốt xu thế mưa mùa hè và mùa thu mặc dù mô phỏng hụt mưa trong một vài năm có lượng mưa quan trắc quá cao như mùa hè năm 1978, 1990 hay mùa thu năm 1980, 1998. Mô hình cho mưa quá cao tại trạm này trong mùa đông và mùa xuân, là những mùa nói chung là ít mưa trên khu vực.

Tóm lại, xem xét về diễn biến mưa trong các năm 1971-2000 trung bình toàn khu vực và riêng cho một vài trạm điển hình có thể nói mô hình có kỹ năng khá tốt trong việc tái tạo lượng mưa mùa thu và mùa hè, là hai mùa mưa chính, có liên quan đến họat động của xoáy thuận nhiệt đới trong khu vực, do đó có ý nghĩa rất lớn. Mùa xuân và mùa đông thường mô phỏng thiên cao vì lượng mưa quan trắc trong các mùa này khá nhỏ. Tuy nhiên, các kết quả mô phỏng của RegCM3 rất đáng được xem xét vì mục đích nắm bắt các hiện tượng mưa lớn cực đoan.

Hình 5.5. Lượng mưa trung bình mùa từ 1971 đến 2000 của trạm Đà Nẵng giữa quan trắc và mô hình.

Hình 5.6. Lượng mưa trung bình mùa từ 1971 đến 2000 của trạm Quy Nhơn giữa quan trắc và mô hình.

Hình 5.7. Lượng mưa trung bình mùa từ 1971 đến 2000 của trạm Kon Tum giữa quan trắc và mô hình.

Hình 5.8. Lượng mưa trung bình mùa từ 1971 đến 2000 của trạm Nha Trang giữa quan trắc và mô hình.

Một phần của tài liệu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực trung trung bộ (Trang 40)