Công tác tôn giáo phải giải quyết hợp lí mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc, giữa đức tin với lòng yêu nước.

Một phần của tài liệu Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo vào việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Đồng Nai hiện nay (Trang 37 - 42)

với dân tộc, giữa đức tin với lòng yêu nước.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Mỗi tôn giáo có lịch sử hình thành; có giáo lý, giáo luật; có các lễ nghi; có số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự; có vị trí, vai trò xã hội ... khác nhau, nhưng tất cả các tôn giáo, dù là nội sinh hay ngoại nhập, đều tồn tại, hoạt động và phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam. Do đó, lợi ích của từng tôn giáo luôn gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc. Vì thế, cần phải xem xét mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc trên giác độ của một nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế Việt Nam với luận đề " người An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của châu Âu ", Hồ Chí Minh đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có ranh giới rõ rệt giữa Đạo và Đời, giữa

phụng sự Tổ quốc và phụng sự Đức Chúa. Do đó, giữa dân tộc và tôn giáo có mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với nhau.

Người đã nói về mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc bằng một văn phong giản dị, dễ hiểu nhưng rất độc đáo và sâu sắc. Người nói: Nước có vinh thì đạo mới sáng; Kính chúa gắn liền với yêu nước; Phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc; Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc; Trong các ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, khi gửi thư cho đồng bào Công giáo, cuối thư Người thường viết: Thượng đế và Tổ quốc muôn năm.

Trong buổi tiếp các đại biểu tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Giatô giáo, ngày 13/09/1945, Người nói: " Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc " [ 1, tr. 45 ].

Khi nước ta đứng trước nguy cơ bị thực dân Pháp xâm lược một lần nữa, trên Báo Cứu quốc, ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: " Nước có độc lập thì dân mới thực sự tự do tín ngưỡng. Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã ".

Trong thư gửi hội Phật tử Việt Nam, ngày 15/07 âm lịch 1947, Người khẳng định: " Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang " [ 23, tr. 197 ].

Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, Người viết: " Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do " [ 22, tr. 490 ].

Trong thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ, ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: " Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do " [ 23, tr. 131 ].

Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Tiền đồ, vận mệnh của dân tộc và của tôn giáo gắn liền với nhau. Độc lập dân tộc là cơ sở vững chắc nhất để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nước có độc lập, tôn giáo mới được tự do. Nước có độc lập, các tín đồ mới tự mình làm chủ được tôn giáo của mình. Vì thế, muốn thực hiện được các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì mọi người dân Việt Nam, dù có tín ngưỡng, tôn giáo hay không, đều phải đóng góp sức mình để giành lại nền độc lập hoàn toàn cho nước nhà.

Không những thế, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: Đấu tranh cho độc lập dân tộc chính là đấu tranh cho quyền độc lập của các tôn giáo, của các giáo dân. Vì tôn giáo tồn tại trên mảnh đất dân tộc nên giải phóng dân tộc cũng chính là giải phóng đất thánh - giải phóng mảnh đất mà trên đó các tôn giáo tồn tại trong mối quan hệ dân tộc và tôn giáo. Do đó, ở Việt Nam, giữa dân tộc và tôn giáo có mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với nhau. Tôn giáo trường tồn như dân tộc và còn tồn tại lâu dài. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển cũng phải biết khai thác, chắt lọc, bảo toàn những giá trị tích cực của các tôn giáo.

Thực tế Việt Nam cho thấy: Ở một quốc gia đa tôn giáo như Việt Nam, dù là trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hay trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vấn đề dân tộc và tôn giáo vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ ấy, vấn đề dân tộc được đặt lên hàng ưu tiên. Tuy

nhiên Hồ Chí Minh lại không bao giờ xem nhẹ vấn đề tôn giáo. Phương pháp giải quyết mối quan hệ này của Người đã tạo cơ sở để về sau Giáo hội các tôn giáo đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với dân tộc như: " Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội " ( Phật giáo ); " Sống phúc âm giữa lòng dân tộc " ( Công giáo ); " Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc " ( Tin Lành ); " Nước vinh, đạo sáng " ( đạo Cao Đài ); " Chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc, phủ hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc " ( Phật giáo Hòa hảo ).

Thực tế Việt Nam cũng cho thấy: Đất nước ta hiện nay có 6 tôn giáo lớn, nhưng bao trùm lên lại là tín ngưỡng toàn dân Việt Nam thờ cúng ông bà tổ tiên, cùng thờ một Đức Vua chung là Vua Hùng có công dựng nước. Hiểu rõ điều này, lúc sinh thời, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam, nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người luôn tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những người có công với dân, với nước; những bậc tiên hiền, liệt sĩ hy sinh vì dân, vì nước. Người nhiều lần nhắc đến " tổ tiên " với tình cảm chân thành, tôn kính và luôn nhắc nhở hậu thế phải ghi lòng, tạc dạ công ơn của các bậc tiền bối. Người thường khơi dậy trong mỗi con người niềm tự hào về nguồn cội " con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu tiên ", về nghĩa " đồng bào " và khuyên mọi người dân Việt Nam dù có khác nhau về tín ngưỡng, dân tộc, thế hệ ... cũng đều phải có trách nhiệm gìn giữ những gì mà tổ tiên để lại. Người căn dặn thế hệ trẻ: " Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ". Tư tưởng trên của Người phù hợp với truyền thống " uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây " của dân tộc Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân Việt Nam. Vì thế, tư tưởng của Người đã động viên được tất cả mọi người, đặc biệt là những người có tín ngưỡng, tôn giáo hăng hái tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giành lại nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc.

Một đặc điểm nữa trong đời sống tôn giáo ở nước ta là: Nước ta ít có tôn giáo nội sinh mà chủ yếu là các tôn giáo ngoại nhập. Nhưng những tôn giáo đó khi vào nước ta lại được thẩm thấu qua " bàn lọc " chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Cho nên, ở Việt Nam, mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc không chỉ là mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là mối quan hệ giữa đức tin tôn giáo với lòng yêu nước.

Theo Hồ Chí Minh, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn với nhau: Một người Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính; Ngược lại, một người Việt Nam có thể vừa là một tín đồ chân chính, vừa lại rất yêu quê hương, đất nước của mình; Cũng như những kẻ chống lại dân tộc, đồng thời cũng chính là những kẻ phản Chúa. Chúng không chỉ là " Việt gian mà còn là giáo gian ", là những kẻ " phản Chúa, phản dân, phản nước "; Cũng như Ngô Đình Diệm là người Công giáo nhưng Ngô Đình Diệm đã " lợi dụng danh Chúa để làm ô danh Chúa, lợi dụng đồng bào để giết hại đồng bào ".

Trong Lời cảm ơn đồng bào Công giáo, đăng trên báo Cứu quốc, ngày 18/10/1945, Hồ Chí Minh đã viết: " Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn bức thư các vị đã gửi cho chúng tôi. Trong thư nói: " Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại ". Câu nói nhiệt thành đó chứng tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của Đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu " [ 22, tr. 50 ]. Người còn nói: " Những người Công giáo Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại cho đồng bào, chẳng những là Việt gian, mà cũng là giáo gian. Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của Đức Chúa, vì những đồng bào ấy thật thà: Phụng sự Đức Chúa. Phụng sự Tổ quốc " [ 24, tr. 443 ].

Như vậy, theo Hồ Chí Minh: Một đức tin tôn giáo chân chính không bao giờ đi ngược lại lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Từ đó, Người yêu cầu: Một người Công giáo tốt thì phải là một người công dân tốt. Do đó, kính Chúa và yêu nước vừa là trách nhiệm công dân, vừa là bổn phận dân Chúa.

Một phần của tài liệu Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo vào việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Đồng Nai hiện nay (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)