Ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh chi tiết

Một phần của tài liệu Hồi ký của một số nhà văn Việt Nam thời kỳ hiện đại (Trang 84 - 93)

Lời đầu tiên trong Kinh Thánh: “Khởi thuỷ là từ”. Ngôn ngữ từ lâu đã là một bộ phận quan trọng không chỉ trong đời sống hằng ngày mà còn trong đời sống nội tâm, đời sống tâm linh nữa. Tôn giáo dùng phương tiện ngôn ngữ để kí thác lời răn của Chúa, lời của nhà tiên tri Mohamet, lời dạy của Đức Phật. Trong văn học, từ xưa đến nay người ta vẫn quan niệm: “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ”, không phải là không có lí khi M.Gorki nói: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hình tượng của cuộc sống - là chất liệu của văn học.

Là một thể loại của văn học, hồi kí cũng sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện chở tải hồi ức, kí ức của mỗi một nhà văn. Do vậy, các nhà văn đặc biệt chú trọng trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp để mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Tô Hoài là một trong số những người như vậy. “Trong lĩnh vực ngôn từ, Tô Hoài đặc biệt chú ý đến cái mới, cái đẹp của chữ nghĩa. Làm sao để trong văn mạch chữ nghĩa ánh lên màu sắc mới. Đây không thuần tuý là chuyện chăm chút và mài sắc ngôn từ. Tô Hoài tìm hiểu cách dùng chữ đẹp của quần chúng lao động, trong từng nghề nghiệp và từ đấy mà suy nghĩ sáng tạo.” [19/ 155] Đó là những lời nhận xét của GS. Hà Minh Đức về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà văn Tô Hoài trong cuốn “Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm”. Theo Tô Hoài, người dân chính là ông thầy tạo ra ngôn ngữ và bản thân nhà văn rất có ý thức sáng tạo ngôn ngữ trong trang viết của mình: “Về

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 81

cách viết, tôi quý trọng và sùng bái ngôn ngữ. Tôi quý ngôn ngữ đang hoạt động. Chú trọng tiếng nói mới từ đó vận dụng vào sáng tạo văn học. Chú ý đến cách đặt câu. Chống cách đặt câu giống nhau. Phải có nhiều tài liệu về ngôn ngữ làm phong phú ngôn ngữ.” [19/ 37] và: “Khi tôi viết tôi có ý thức tả cho đẹp, cho đúng cuộc sống và thiên nhiên như nó vốn có và có thể chất thơ trước hết là từ cuộc sống mà có. Tất nhiên có phần chau chuốt và gọt giũa về ngôn từ của người viết. Chất thơ, chất trữ tình chỉ có thể có trên cơ sở một ngôn ngữ đẹp, tinh tế của tác phẩm.” [19/ 39] Không chỉ riêng nhà văn Tô Hoài mà chữ nghĩa luôn là vấn đề hiện hữu và cũng là chuyện lâu dài với từng nhà văn, để tạo được ý thức và nỗ lực trong việc sáng tạo ngôn từ cho suốt cuộc đời viết văn của mình. Sáng tạo về ngôn ngữ cũng nhằm tạo phong cách riêng, khi đọc lên người ta nhận ngay ra đó là một Nguyễn Công Hoan hóm hỉnh đến sắc sảo, một Tô Hoài quan sát tinh tế, một Vũ Bằng ngông nghênh kiêu bạt nhưng cũng đầy xót xa, một sự chắt lọc lời ăn tiếng nói nhân dân trong thơ Tố Hữu…v..v…

Ngôn ngữ trong hồi kí trước hết là ngôn ngữ văn chương nghệ thuật. Nó mang đầy đủ các đặc trưng của ngôn ngữ văn học và có những đặc trưng riêng. Đó là thứ ngôn ngữ của đời sống, được chắt lọc, nâng lên đạt đến trình độ nghệ thuật. Nó gồm các đặc điểm như: tính chính xác để biểu hiện đúng điều mà nhà văn muốn nói, miêu tả đúng cái mà nhà văn cần tái hiện; tính hàm súc để trên một diện tích hạn hẹp của ngôn ngữ có thể cung cấp cho người đọc một lượng thông tin cao, có giá trị biểu hiện lớn nhất; tính biểu cảm để qua đó thôi thúc ý trí và hành động của con người; tính hình tượng để tái hiện lại những hiện tượng của cuộc sống một cách cụ thể, sinh động, có khả năng tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí người đọc. Hồi kí với tư cách là một tác phẩm tự sự do vậy ngôn ngữ chủ đạo là ngôn ngữ của người kể chuyện. Thông qua ngôn ngữ người kể chuyện chủ đề tư tưởng tác phẩm được bộc lộ, đặc

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 82 điểm tính cách nhân vật được khắc hoạ. Ngôn ngữ người kể chuyện còn dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện, thực hiện nhiệm vụ kết cấu tác phẩm. Trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ, các thực từ được dùng để chỉ sự vật và phản ánh hiện thực; hư tư đóng vai trò tổ chức, liên kết câu và các bộ phận trong câu. Các nhà văn do có một quá trình trau dồi câu chữ trong một thời gian dài trước khi viết hồi kí nên vốn từ vô cùng phong phú. Họ sử dụng chúng một cách dễ dàng trong hồi kí của mình để kiến tạo tác phẩm. Các biện pháp khai thác ngữ nghĩa như chuyển nghĩa với lối nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng… ; thêm nghĩa với lối điệp ngữ, phản ngữ, chơi chữ… đều nhằm biến đổi sắc thái biểu đạt của từ, tạo nên sự hấp dẫn. Tuy là ngôn ngữ văn xuôi nhưng khả năng biểu đạt của các đơn vị ngữ âm ở sự song hành của số lượng âm tiết và âm sắc của phụ âm và nguyên âm cũng được chú ý để làm nên sự nhịp nhàng cho hồi kí. Kiểu câu sử dụng chủ yếu trong hồi kí là câu dài theo dòng tự sự, dòng hồi tưởng của tác giả. Kiểu câu này thuận lợi trong việc mở rộng các thành phần ngữ pháp để tạo tính liên tưởng trong câu văn.

Hồi kí “Song đôi” của nhà thơ Huy Cận tuy là ngôn ngữ văn xuôi nhưng lại thống nhất với ngôn ngữ thơ của tác giả. Nhiều câu, nhiều đoạn đọc lên như có “ý - tình - hình - nhạc” của thơ. Xen giữa các dòng văn xuôi lại là thơ (điều này giống với hồi kí của Tố Hữu và Anh Thơ - cũng là điểm riêng biệt của các nhà thơ khi viết hồi kí). Sự có mặt của thơ bên cạnh những chi tiết, sự kiện làm rõ nghĩa, bổ sung, giải thích cho ngôn ngữ văn xuôi; cũng có khi ngôn ngữ văn xuôi là phương tiện chuyển tải tới người đọc các đoạn thơ, là sự dắt lối đưa đường để độc giả đến với những câu thơ tâm đắc của tác giả. Có những lúc ngôn ngữ văn xuôi trở nên dồn dập, hồi hộp để khắc hoạ tâm trạng: “Mẹ không thèm gọi bố nữa. Mẹ muốn trả thù bố bằng cách (trời ơi! Mẹ tôi đau khổ đến nỗi có ý tưởng ấy kia ư?) bằng cách… cầm con cá ngựa. Mặt mẹ quặn lại, mẹ mở tủ, mẹ sờ, mẹ mở hộp. Mẹ đi nằm, mẹ không nói gì nữa, mẹ

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 83

mở hộp: có con cá ngựa nằm dài ở trong! Mẹ giơ tay, mẹ sắp ấn ngón xuống… mẹ ngừng lại. Thôi! Em tôi được sống rồi, mẹ đẩy cái hộp ra rồi mẹ lại khóc; mẹ không khóc thành tiếng được, mẹ chỉ ứa nước mắt tràn trề mà thôi!” [8/ 38] Đọc đoạn văn, người đọc cũng phải thổn thức, phấp phỏng với từng dấu chấm (.), dấu phẩy (,) để rồi thở phào nhẹ nhõm cùng nhân vật “tôi”. Khi Huy Cận viết về mẹ, chủ ngữ - từ “Mẹ” được lặp lại rất nhiều lần. Chỉ trong một đoạn văn mà được lặp lại đến 50 lần:

Mà mẹ thì đau, mẹ yếu quá, mẹ thổ huyết. Tôi nhớ mẹ đứng sau nương nhà, cạnh nhà bếp, bên cây mít cà. Mẹ cắn răng lại cho vững mình kẻo sợ ngã. Môi của mẹ thì mỏng, mà răng mẹ lại nhỏ và sắc, mẹ cắn lên môi có ngấn một đường. Mẹ rơm rớm nước mắt nhưng mẹ không khóc, mẹ nhìn con, thấy con đứng bên cái vại sau bếp mẹ mới oà lên khóc, nức nở một hồi lâu. Sao mẹ lại phải khổ đến thế? Mẹ thổ huyết mà không một ai chăm sóc, không một ai hỏi han. Mẹ ngã khuỵu xuống bên cây mít cà, mẹ giơ tay với cái nồi đất vỡ để đi tiểu vào trong. Mẹ thấy máu ra, mẹ khóc, mặt mẹ quặn từng thớ thịt một. Mẹ mới đẻ em Chúc được mươi hôm thôi, mẹ nằm lửa chưa kĩ, người nhợt nhạt, gầy so, mà ở bên nhà riêng mẹ ở thì lạnh teo không ai bếp núc, lửa, củi cho. Có o Biên (con nuôi của ông bà) nhưng o còn phải ra đồng làm lụng. Mẹ đau nhắn bố về, bố cứ liền nín mãi. Sau cùng mẹ phải nói: “không về thì mời cho tôi một ông thầy thuốc, kẻo tôi chết đây!”.

Mẹ đau yếu hai ba tháng phải không? Mẹ giận bố, mẹ oán trách bà. Mẹ muốn tự tử, mẹ muốn bỏ nhà mà đi. Sau này tôi mới biết mẹ cắn răng chịu khổ ở lại vì thương tôi và các em tôi. Mẹ nói: Tau về nhà mi, vì ông cháu ngày trước. Ông thương tao, biết trọng và nể người. Ông Chau chết rồi, còn ai hiểu gì nữa! Cứ kể bà mi và bố mi thì tao bỏ nhà đi đã lâu rồi”, rồi mẹ khóc và mẹ nói luôn: “Thương con nên phải bỏ đi theo chồng”. Mẹ chua chát với bố nhiều lần lắm, mẹ mếu máo, mẹ khóc và ngồi nhặt rau nấu canh mẹ cũng hát:

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 84

Chót rằng tay đã nhúng chàm Dại rồi còn biết khôn làm sao đây…

Tiếng mẹ đau xé cả lòng tôi. Tôi còn nghe rõ tiếng khàn khàn (vì mẹ khóc nhiều quá) của mẹ lẫn với tiếng giã gạo sau hồi nhà. Mẹ đau mà bố như thường, đi chơi hằng ngày với ông Quản Tốn. Tội nghiệp, sau có chú Cu đi lấy thuốc về sắc thuốc cho Mẹ. Trong gia đình mẹ chỉ phục có chú Cu về cách cư xử. Và dường như những khổ cực của mẹ, mẹ còn tâm sự với chú mợ nhiều hơn là bố.

Mẹ đau lần ấy dậy mẹ yếu hẳn đi và từ đó, vai mẹ gánh nặng thì đau, và động trời mẹ thấy đau nhức xương. Tội của bố đối với mẹ tôi nhiều không kể xiết. Trời đã cho tôi nhiều nước mắt trong tuổi nhỏ cũng phải.” [8/ 39-41]

Đa số các từ “Mẹ” đều ở vị trí chủ ngữ, là chủ thể của hành động - những hành động đầy đau khổ, bế tắc - đó là sự nhấn mạnh để khắc hoạ rõ nét về hình ảnh người mẹ kính yêu của nhà thơ, người phụ nữ có dáng đi tất tả suốt đời chịu đựng, hi sinh.

Phương pháp lặp từ cùng được Nguyên Hồng khai thác trong hồi kí của ông. Các từ “Hỡi ôi!”, “Chao ôi!”, “Ơi” xuất hiện với tần suất cao. Đó là những từ thể hiện tình cảm, cảm xúc; cả những câu hỏi tự vấn kiểu “Sao thế?” cũng được lặp lại khá nhiều. Hồi kí Nguyên Hồng là điển hình cho hiện tượng lặp từ, lặp ngữ này. Hình ảnh “những con người”, “những ngòi bút” trong đoạn văn: “Ơi! những con người lao động, không ngừng chiến đấu, tin tưởng và nhất định chiến thắng kia. Cùng với tôi viết về những con người tự mình nắm lấy vận mệnh của mình ấy, còn có đông đảo những ngòi bút khác. Những ngòi bút bạn, những ngòi bút đồng chí. Những ngòi bút đang hình thành và sẽ dần dần tìm đến nhau, quy tụ dưới một ngọn cờ lý tưởng góp thêm sức mạnh vào sự tố cáo, phá bỏ và xây dựng, nỗ lực hoàn thành những nhiệm vụ thiêng liêng của những ngòi bút chân chính tình nguyện đảm nhiệm trước xã hội,

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 85

trước đời sống.” [40/ 146] Nhà văn muốn nhấn mạnh vai trò, sức mạnh của tập thể, của ngòi bút trong sự nghiệp đấu tranh chung của dân tộc. Cũng như hình ảnh “màu đỏ” - màu cờ tổ quốc, màu của niềm tự hào dân tộc trong đoạn văn: “Màu đỏ của cờ và băng biển càng rực lên trong ánh nắng, trong những hàng người, trên những hàng người. Và qua những lớp người ngùn ngụt vì hơi thở, vì bụi nắng, có thêm một cái gì như của lửa của bão ra từ toàn thân họ và từ những dòng chữ khẩu hiệu tay họ trương lên trong ánh đỏ.

Màu đỏ tươi thắm vô cùng. Màu đỏ của máu.

Màu đỏ của sự quyết liệt và tin tưởng vô cùng. Cũng vẫn là của máu. Màu đỏ quý báu vô cùng, yêu thương vô cùng, thiêng liêng vô cùng, không thể có một sự pha trộn, vấy bẩn. Cũng vẫn là của máu. Máu sẽ đổ ra để phá tan, để xoá bỏ tất cả tất cả những sự bóc lột đàn áp, những cảnh bất công, thối nát, đen tối, và để xây dựng một chế độ, một đời sống thật sự tươi sáng tốt đẹp.

Từ những giải cờ bay phần phật và những tấm băng rùng rùng trên đài, đến những băng biển giơ cao trên các hàng triệu người đứng kín cả khu Đấu - xảo, màu đỏ ấy như thét và cũng như hát”. [40/ 154-155]

Hiện tượng lặp từ cùng với lối ngôn ngữ mang đậm màu sắc cảm thán chính là con người Nguyên Hồng, là phong cách riêng của ông. Đọc văn ông, đặc biệt là hồi kí, người đọc không cho phép mình có cái quyền được nghi ngờ vào những điều của ông viết ra, nó là sự thật và luôn là sự thật - sự thật về một con người, một nhân cách.

Khác với những dòng văn chan hoà, thấm đẫm trong tình cảm của Nguyên Hồng, ngôn ngữ hồi kí của Anh Thơ là những dòng tự sự liên tiếp, dòng nọ nối tiếp dòng kia trong tâm tưởng. Nó không quá đặc sắc và chắt lọc như khi bà chọn chữ làm thơ nhưng nó nói được bản chất, làm nổi rõ được nội dung mà tác giả muốn chuyển tải. Cũng như khi Tố Hữu viết vậy, hồi kí “Nhớ

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 86

lại một thời” mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Giọng văn theo lối biên niên, kể lại những sự kiện, với đầy đủ quá trình và diễn biến, không quá gấp gáp, nhưng nó hài hoà trong dòng tình cảm khi tác giả nhớ lại quá khứ. Vũ Bằng với bút pháp của một người làm báo chuyên nghiệp sử dụng thứ ngôn ngữ chính xác để lột tả được bản chất của sự vật. Ngôn từ Vũ Bằng dùng trong hồi kí phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực: có thể có trong đời thường với lớp từ địa phương như: “quê một cục”, “dầy tổ bố”, “bở vía”, “đổ cái rụp”, “mớ đời”, “chán chường một cây”, “ba xạo” (ngôn ngữ miền Nam); những từ đầy tính xã hội “cập nhật”: “rông đi”, “chửi vung xích chó”, “đúng tẩy”, “chửi “tuốt mo””, “tởn”, “la cà đấu hót”, “chửi chí chạp”, “đúng phong phóc”, “đang lên hương’ ..v..v.., có thể là thứ ngôn ngữ báo chí và lớp từ phiên âm tiếng Pháp: “cái phông ten”, “bán ba”, “số dách”, “ruy bờ rích”, “cù tuy rìe”, “sơ gông”, “đờ săng”, “suy rê”, “véc bờ”, “ô kê”, “com mơ ki”

..v.v.. Không chỉ phong phú trong cách dùng từ ngữ, Vũ Bằng còn khá đa dạng trong giọng điệu: có lúc là giọng mỉa mai, giễu nhại, mỉa mai chính mình với một thái độ tự trào, giễu nhại những sự vật xung quanh; có lúc lại ngậm ngùi, nghẹn ngào, đắng cay về một thân phận lạc loài, không thể xẻ chia, bộc bạch, thanh minh.

Một điều đặc biệt là khi đọc hai cuốn hồi kí của Tô Hoài và Đặng Thai Mai, có một cảm giác, một âm hưởng rất gần gũi giữa hai con người này. Không phải là sự sao chép, bắt chước, những điều mà hai người thể hiện cũng hoàn toàn khác nhau. Nhưng có một thực tế là hai cuốn hồi kí lại gợi cho người đọc một mối tương liên về sự gặp gỡ giữa hai con người. Tô Hoài có một vốn kí ức phong phú do chịu khó ghi chép, Đặng Thai Mai có cách làm việc của một nhà khoa học; khó có thể phân biệt rach ròi điểm tương đồng hay dị biệt, chỉ thấy ở cả hai hồi kí, ngôn ngữ đã chan hoà vào tình cảm, nói chính

Học viên thực hiện Phạm Thị Lan Anh 87 xác hơn, tình cảm đã mượn lớp vỏ bề ngoài của con chữ để gửi gắm, kí thác; cái còn đọng lại là ấn tượng riêng thuộc về người đọc.

Hồi kí được viết không chỉ bởi một hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa

Một phần của tài liệu Hồi ký của một số nhà văn Việt Nam thời kỳ hiện đại (Trang 84 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)