Đặc điểm của cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ

Một phần của tài liệu Luận Văn Cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX (Trang 47 - 49)

Lãnh đạo: Khởi xướng và lãnh đạo trào lưu này là là những sĩ phu yêu

nước tư sản hóa. Hai nhà chí sĩ tiêu biểu cho trào lưu dân tộc chủ nghĩa là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Lập trường yêu nước của các sĩ phu tiến bộ là đoạn tuyệt với tư tưởng “trung quân ái quốc”, bắt đầu có ý thức về dân chủ, dân quyền, đề cao vai trò làm chủ đất nước của nhân dân.

“Người dân ta, của dân ta, Dân là của nước, nước là của dân”.

Mục tiêu: Họ chủ trương khôi phục độc lập dân tộc và phát triển đất

nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, đưa nước nhà tiến kịp các nước văn minh trên thế giới.

Biện pháp: Để thực hiện được mục tiêu đó, các sĩ phu yêu nước tiến bộ

chủ trương phải kết hợp cứu nước với duy tân, tức là học theo tư bản phương Tây, cải tạo xã hội Việt Nam cũ, xây dựng một nước Việt Nam mới the hình ảnh của các nước phương Tây. Tiêu biểu cho chí hướng của sĩ phu duy tân lúc bấy giờ là Văn minh tân học sách (những kế sách xây dựng một nền học mới để đạt được văn minh). Đây là một tài liệu được xem như cương lĩnh hành

động chung của các sĩ phu duy tân lúc bấy giờ, chủ trương dùng văn tự nước nhà (chữ Quốc ngữ), hiệu đính sách vở cốt lấy phần thiết thực, sửa đổi phép thi, cổ vũ nhân tài, chấn hưng công nghệ, thương mại, phát triển báo chí. Tác phẩm đã thể hiện một tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, một thái độ đoạn tuyệt với học thuật phong kiến cổ hủ, thật sự tha thiết với việc cải cách xã hội, cải cách học thuật, tha thiết với tự do tư tưởng, với độc lập dân tộc và mong muốn phát triển đất nước theo văn minh phương Tây.

Trong khi thống nhất với nhau cùng “ tụng kinh độc lập ở chùa duy tân” thì giữa những người chủ xướng có những lập trường khác nhau về phương thức để đạt đến mục tiêu. Một số người xem việc khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, mở đường cho duy tân thắng lợi. Đối với họ, nhiệm vụ trước mắt là dùng vũ lực đánh đổ ách thống trị của ngoại bang.

Xu hướng này gọi là chủ trương bạo động mà người đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu. Một số khác lại xem duy tân là tiền đề dẫn đến khôi phục quốc gia, độc lập dân tộc. Mục tiêu trước mắt của họ là vận động duy tân, “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, chứ chưa phải là đánh đổ thực dân Pháp. Xu hướng này được gọi là chủ trương cải cách và người đại diện tiêu biểu là Phan Châu Trinh.

Từ hai xu hướng đối lập trên đã hình thành nên một xu hướng dung hòa, tìm sự liên kết, hỗ trợ giữa hai bên. “Tương phản nhi tương thành” là nguyện vọng của đa số sĩ phu yêu nước tiến bộ lúc đó và nó có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, đậm hay nhạt đến hầu hết các phong trào chống Pháp và làm cho hình thức đấu tranh của trào lưu phong phú, đa dạng.

Gắn liền với tư tưởng cứu nước mới là những hình thức và phương pháp đấu tranh mới. Bên cạnh hình thức đấu tranh vũ trang của thời kì trước vẫn được duy trì, các sĩ phu yêu nước đã kết hợp nhiều biện pháp mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, tiến hành cuộc vận động cải cách sâu rộng trong

quần chúng. Họ lập các hội yêu nước ( Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội), đưa thanh niên xuất dương đi du học để đào tạo nhân tài (phong trào Đông du); mở trường học, xuất bản sách báo, tuyên truyền phổ biến kiến thức mới, diễn thuyết, bình văn, hô hào cải cách phong tục, lập hội buôn, phát triển công thương nghiệp ( Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân…); tranh thủ sự viện trợ của các nhà yêu nước châu Á đối với cách mạng Việt Nam (Hội Chấn Hoa hưng Á…….).

Lực lượng tham gia phong trào cũng có những nét mới. Trào lưu dân tộc

chủ nghĩa theo khuynh hướng dân chủ tư sản không những được sự ủng hộ của nông dân mà còn có cả những lực lượng và giai cấp xã hội mới như tư sản, tiểu tư sản, công nhân cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân yêu nước khác.

Trào lưu dân tộc chủ nghĩa đầu thế kỉ XX đánh dấu một bước tiến mới của phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc đó chưa có đầy đủ những điều kiện chín muồi về kinh tế, chính trị nên trào lưu dân tộc chủ nghĩa không tồn tại vững chắc, lâu dài và chưa đưa cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta đi đến thắng lợi được.

Một phần của tài liệu Luận Văn Cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w