Phong trào đấu tranh chống sưu thuế ở Trung Kỳ (1908)

Một phần của tài liệu Luận Văn Cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX (Trang 57 - 61)

Từ năm 1898 trở đi, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, gánh nặng sưu thuế đè lên nhân dân ta ngày càng nặng nề. Từ đó đến năm 1908, chế độ sưu thuế thay đổi liên tục và không đồng nhất.

Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, bắt đầu từ ngày 1/1/1908, quy định lại về 10 ngày xâu như sau: Chỉ dành 2 ngày cho xã thôn (bớt 2 ngày so với trước), 8 ngày thuộc về công ích (tăng 2 ngày); trong 8 ngày này, người dân bắt buộc phải nộp thay bằng tiền 2 ngày, 6 ngày còn lại quan tỉnh và Công sứ có thể cho nạp tiền một số ngày hoặc tất cả, hoặc cho đi làm cả 6

2 Dẫn theo Nguyễn Thế Anh, 1973, Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các Châu bản triều Duy Tân, Bộ

ngày. Các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, không cho nộp tiền thay một ngày nào, các tỉnh khác cho nộp thay một hai ngày với giá ngày công 0$20, riêng Bình Thuận cho nạp tiền tất cả nhưng với giá 0$50.

Ngoài thuế đinh và lao dịch, năm 1908, thực dân Pháp còn tăng thuế điền lên 8%, làm cho nhân dân bất bình. Bên cạnh đó, nhân dân còn bất mãn với thuế chợ (do bọn chủ thầu thu), thuế rượu (nhân dân chỉ được dùng rượu của các công ti độc quyền Pháp), thuế muối (chính quyền thu mua tất cả muối do nhân dân sản xuất với giá thấp rồi bán cho dân tiêu thụ với giá cao).

Trong bối cảnh nhân dân Trung Kỳ đang rên xiết dưới chế độ sưu thuế nặng, tư tưởng duy tân cải cách của các sĩ phu yêu nước tiến bộ được truyền bá vào quần chúng đã làm trỗi dậy ý thức dân tộc, dân chủ, làm cho họ giác ngộ về quyền sống, quyền tự do, quyền làm người và trước hết phải chống sưu cao, thuế nặng.

Phong trào bùng nổ ngày 9/3/1908 với cuộc biểu tình của hàng trăm nông dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (trung tâm của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ) đòi phân bổ xâu thuế cho công bằng. Yêu sách không được giải quyết, ngày 11/3, hàng nghìn người các huyện phẫn uất kéo lên tỉnh, đến tòa sứ xin giảm xâu thuế. Công sứ vừa dọa nạt dân, vừa cho họ cố ý làm loạn, vừa thoái thác trách nhiệm. Dân chúng vẫn ngày đêm ở tại chỗ, một mực đòi giải quyết vì vụ thuế sắp đến kì. Một số người chia đi các vùng lân cận, phân phát truyền đơn, dán cáo thị tuyên truyền chống sưu thuế. Để uy hiếp dân chúng, Công sứ bắt giam ba người đại diện là Lương Châu, Hứa Tạo, Trương Hoành và đày đi Lao Bảo. Nhân dân càng căm phẫn, số người kéo tới ngày một đông, từng đoàn thay nhau, kẻ ở người về, cơm tiền giúp nhau. Đến ngày 12, 13/3, số người lên đến hàng vạn. Hàng ngày Công sứ và các nhân viên ra dụ dỗ, hứa hẹn, dọa nạt nhưng không thuyết phục được họ. Công sứ ra lệnh đàn áp, đánh đập, đoàn biểu tình cũng chỉ tạm thời tản ra rồi tụ họp lại. Cuộc biểu tình bao vây tòa sứ Hội An kéo dài hơn một tháng.

Phối hợp với cuộc biểu tình bao vây tòa sứ, nhân dân các huyện của Quảng Nam cũng kế tục nhau nổi dậy. Tại các phủ Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kì, Hòa Vang, Duy Xuyên, tình hình cũng diễn ra tương tự như ở tỉnh thành. Cuộc đấu tranh ngày càng mang tính chất bạo động. Tại các chợ, trang trại, nhân viên thu thuế bị truy đuổi, quần chúng tiến hành vây bắt những tên Việt gian tay sai để trừng trị. Các tên Tri phủ, Tri huyện phải bỏ công đường chạy trốn.

Mặc dù thực dân Pháp đã tìm mọi cách để phong toả phong trào chống sưu thuế Quảng Nam, song phong trào nhanh chóng lan truyền sang các tỉnh lân cận.

Từ chiều ngày 28/3, phong trào bắt đầu bùng lên ở huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Nhân dân Bình Sơn cùng với 25 hào lí các xã kéo đến dinh Công sứ xin giảm sưu thuế. Họ yêu cầu:

- Giảm thuế thân xuống 1$20. - Giảm sưu dịch, bỏ thuế chợ. - Trả lại ruộng muối cho làng xã.

- Tăng thuế rượu và thuế thuốc phiện để bù vào thiếu hụt ngân sách.

- Trừng trị bọn quan lại tham nhũng.

Cuộc đấu tranh có tính chất chính trị hoà bình, đến ngày 31/3/1908, thu hút hàng vạn người trong toàn tỉnh bao vây tỉnh thành. Viên Công sứ không thể nào giải tán được đám biểu tình bằng thuyết phục, dụ dỗ, doạ nạt. Đến ngày 3/4/1908, Công sứ ra lệnh bắt một số người, trong đó có Lê Khiết và Nguyễn Bá Loan, đồng thời cho lính dùng roi, gậy đánh vào đoàn biểu tình nhưng đám người “cúi xuống” dưới roi vọt, đối phó lại bằng một sự gan lì hoàn toàn bất động”. Quần chúng tiếp tục kéo đến tỉnh thành ngày một đông them, đòi thả những người bị bắt.

Cùng với không khí đấu tranh sôi nổi ở tỉnh lị, ở các phủ, huyện, nhân dân cũng nổi dậy đấu tranh. Nhân dân đã vây bắt vợ con tên Lãnh binh gian ác (Phan Kế Năng), trừng trị bọn tay sai, đồng thời lập nhà giam để giam giữ. Quần chúng còn kéo đến phá nhà tên Việt gian Nguyễn Thân, xung đột với bọn lính khố xanh bảo vệ.

Thực dân Pháp đem quân đàn áp, tình hình có phần dịu lại. Nhưng từ ngày 13/4, hàng vạn quần chúng có vũ trang đã tập trung biểu tình, xung đột với lính khố đỏ. Mãi đến cuối tháng 4, tình hình mới lắng xuống.

Ở Bình Định, từ đầu tháng 4, phong trào bùng lên mạnh mẽ. Cũng như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, tại đây, những người biểu tình mang theo dao kéo cắt tóc ngắn cho tất cả những người họ gặp trên đường, kể cả nho lại. Họ gọi nhau là “đồng bào”, khắc con dấu “đồng bào kí”, tiến hành bắt và trừng trị bọn thu thuế chợ, những hào lí có tiếng tàn ác, những phần tử có nợ máu với nhân dân.

Đến ngày 18/4, số người biểu tình đông đến hàng vạn, bao vây tỉnh thành, được tổ chức thành nhiều lớp trong ngoài. Lớp bên trong gọi là “dân cảm tử”, lớp bên ngoài gọi là “dân tự cường”. Cuộc bao vây tỉnh thành kéo dài đến cả tháng. Nhiều cuộc xung đột xảy ra giữa binh lính với những người biểu tình.

Ở Phú Yên, nhiều truyền đơn được dán ở nơi công cộng, cuộc biểu tình đông đến hàng ngàn người. Do nổ ra muộn (giữa tháng 5) khi mà các nơi đã bị đàn áp, nên nhanh chóng tan rã.

Cùng với các tỉnh phía Nam Trung Kì, từ Quảng Nam phong trào lan ra phía Bắc. Ở Thừa Thiên, từ ngày 11/4, nhân dân đã bắt đầu bắt trói Phó Lãnh binh và bắt viên Phủ doãn phải dẫn đầu đoàn biểu tình. Bị thực dân Pháp đàn áp, quần chúng phân thành toán nhỏ đến vây kín Toà Khâm sứ và các dinh thự. Cuộc đấu tranh đã thu hút cả học sinh trường Quốc Tử Giám đến tham dự.

Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Cuộc xô xát lớn đã diễn ra ở Cầu Tràng Tiền. Đoàn biểu tình phải giải tán.

Tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, quần chúng đã nổi dậy hưởng ứng phong trào chống sưu thuế, nhưng khá muộn (hạ tuần tháng 5) khi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, phong trào đã tan rã nên nhanh chóng bị đàn áp.

Cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân miền Trung trong thời gian dài đã làm tê liệt bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở nông thôn.

Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp đã huy động quân đội ở Bắc Kì và Trung Kì hợp sức đàn áp. Cùng với việc đàn áp, giải tán những đoàn biểu tình, lùng sục, bắt bớ, bắn giết những người cắt tóc ngắn, thực dân Pháp còn giải tán những hội buôn, đập phá những trường học do các thân sĩ đứng tên xin phép lập. Những người lãnh đạo phong trào Duy Tân bị kết tội là những kẻ cầm đầu, xúi giục phản loạn. Trần Quý Cáp, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan, Ông Ích Đường, Trịnh Khắc Lập bị kết án tử hình. Hàng chục người bị đày ra Côn Đảo như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên, Trần Cao Vân, Ngô Đức Kế… Hàng trăm người khác bị đày ở Lao Bảo, còn chết ở các lao tỉnh không kể.

Tóm lại, với mục tiêu trực tiếp là chống sưu thuế, cuộc nổi dậy của nhân dân miền Trung năm 1908 thực chất là một phong trào quần chúng công khai đầu tiên ở Việt Nam, được dấy lên bởi những tư tưởng dân tộc, dân quyền do các sĩ phu duy tân đầu thế kỉ XX truyền bá. Đây là một hiện tượng lịch sử mới chưa từng xảy ra trong cuộc đấu tranh chống Pháp trước đó về phương diện quy mô, tính chất, hình thức đấu tranh, buộc thực dân Pháp phải thay đổi một vài loại thuế và có ảnh hưởng lâu dài về sau, đồng thời làm chấn động chính trường nước Pháp.

Một phần của tài liệu Luận Văn Cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX (Trang 57 - 61)