Phong trào Duy Tâ nở Trung Kỳ

Một phần của tài liệu Luận Văn Cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX (Trang 54 - 57)

Cuộc vận động cải cách, duy tân ở Trung Kỳ được khởi xướng đầu tiên ở Quảng Nam do Phan Châu Trinh và hai đồng chí thân thiết: Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng tiến hành.

Cuộc vận động cải cách ở Quảng Nam diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…, bao gồm những hoạt động rất đa dạng, từ việc lập hội buôn, hội canh nông, mở trường học đến việc vận động bài trừ phong tục, tập quán, hủ bại truyền bá những tư tưởng tự cường, dân chủ, vận động đời sống mới, như cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn…

Về kinh tế, các sĩ phu yêu nước đã lấy buôn bán để tập hợp nhau lại, cùng lo việc nước (dĩ thương hợp quần), vì vậy còn gọi là “Quốc thương”. Việc lập hội buôn chung (hợp thương) được chú ý. Phan Thúc Duyên lập hợp thương Diên Phong, buôn bán các loại thổ sản, trở thành đầu não của các thương hội ở Quảng Nam. Hợp thương này có cơ ngơi khang trang, có phòng tiếp khách, chỗ làm việc, kho chứa hàng, nơi ăn ngủ của nhân viên khoảng 40 người. Thương cuộc Hội An do Bang tá Nguyễn Toán lập ra, buôn bán sỉ và lẻ các loại hàng hóa: vải, gạo, đường, quế, tơ, cau khô, dầu lạc, sách, vở… Hàng hóa được trình bày theo lối mới: Nước mắm Nam Ô cho vào chai có dán nhãn hiệu; trêm các hàng hóa có thẻ tre ghi giá bán… Hàng nhập được xếp vào các kho khác nhau có nhân viên kiểm soát ghi nhận, các nhân viên bán hàng có sổ tay ghi chép hàng xuất nhập. Thương cuộc Hội An còn là nơi hội tụ của sĩ phu có tư tưởng duy tân.

Về nông nghiệp, một số sĩ phu mở các hội khai khẩn đất hoang, trồng lúa, ngô, đậu, chè, sắn…

Hoạt động sôi động nhất là mở trường học. Đây là hình thức hoạt động chính của các sĩ phu trong việc khai dân trí. Tại đây, nhiều cuộc diễn thuyết, cổ động dân quyền, tự chủ, đổi mới được tổ chức. Các trường học đều dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và các môn Toán, Lịch sử, Địa lí Việt Nam, các kiến thức về khoa học tự nhiên, thể dục, hát.

Ở Quảng Nam đã thành lập được 48 trường, trong đó có 4 trường lớn nổi tiếng là Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Quảng Phước.

Tại Quảng Ngãi, cuộc vận động duy tân cải cách cũng diễn ra với các hình thức như ở Quảng Nam: lập hội buôn, mở trường học, bài trừ mê tín dị đoan, cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn… Những người tích cực nhất trong phong trào này ở Quảng Ngãi là Cử nhân Lê Đình Cẩn, Cử nhân Nguyễn Đình Quảng, Tú tài Trần Kì Phong, Cử nhân Lê Khiết…

Trường học lớn nhất ở Quảng Ngãi là trường học Sung Tích (huyện Sơn Tịnh) do Cử nhân Nguyễn Đình Quảng chủ trì. Trường có 150 học sinh, không hạn chế về tuổi tác, học ngoài giờ lao động, vào buổi trưa và buổi tối.

Về hội buôn, quy mô không lớn như ở Quảng Nam nhưng tồn tại dưới nhiều dạng cửa hàng, như Thuốc Bắc, nội hóa, quán cơm… Những cửa hàng này vừa là nơi liên lạc của các sĩ phu tiến bộ, vừa là nơi cung cấp tài chính cho các hoạt động khác.

Về Hội canh nông, có cơ sở chính tại làng Tình Phú (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) với vài chục mẫu khẩn hoang, chuyên trồng các loại đậu, khoai lang. Số hội viên khoảng 70 người do Nguyễn Bá Loan làm Hội trưởng.

Tại Bình Thuận, một Thư xã được thành lập (1905) được gọi là nhà giảng sách đặt tại đình Phú Tài. Tại Thư xã, những tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, những tư tưởng về dân chủ, tự cường lần lượt được giới thiệu. Năm 1906, Nguyễn Trọng Lợi cùng Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Phượng lập Công ti Liên Thành buôn bán nước mắm đặt trụ sở ở Phan Thiết, Sài Gòn… Ngoài Liên Thành,

nhiều công ti buôn bán khác được thành lập ở Bình Thuận nhưng quy mô nhỏ hơn. Đến năm 1907, Nguyễn Trọng Lợi mở trường tư thục, đặt tên là Dục Thanh. Trường dạy cả chữ Hán, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, thể dục và ca hát.

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế đã góp chung vốn lập Triều Dương thương quán (1906). Một số trường học kiểu mới được thành lập như trường Võ Liệt ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), trường Phong Phú ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Tại Thanh Hóa có Học Thành thư xã, có mối liên hệ với Đông Kinh Nghĩa Thục, Triều Dương thương quán ở Nghệ - Tĩnh.

Bên cạnh các hoạt động chủ yếu trên, cuộc vận động đổi mới “phong hóa”, cải cách lối sống là một hoạt động độc đáo của phong trào Duy Tân. Phong trào còn sôi động hơn khi phái Duy Tân mở cuộc vận động cắt tóc ngắn, để răng trắng, theo lối sống mới:

“Phen này cắt tóc đi tu,

Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân”1

Phong trào phát triển mạnh mẽ đến nỗi thực dân Pháp gọi phong trào này và phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 là “Phong trào cắt tóc ngắn”.

Các sĩ phu yêu nước của phong trào còn tuyên truyền, vận động chống chế độ sưu cao, thuế nặng. Ví như vào đầu năm 1908, khi thực dân Pháp thay đổi chế độ xâu thuế, các sĩ phu duy tân ở Nam – Ngãi đã tổ chức những buổi diễn thuyết tại các xóm làng, tố cáo gánh nặng thuế khóa và sự hà lạm của quan lại, khơi dậy lòng phẫn nộ trong nhân dân, nhằm dẫn đến sự phản đối tập thể, những cuộc biểu tình tập hợp đông đảo dân chúng, nhưng vẫn giữ tính chất ôn hòa, như chính quyền thực dân, phong kiến đã khẳng định: “Bọn hiếu sự ở Nam – Ngãi ngầm mưu xúi giục làm loạn, trước thì dụ dân cắt tóc cải trang, kế thì đặt trường diễn thuyết, sau hết thì mê hoặc nhân dân bằng việc

1 Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, 1958, Tài liệu tham khảo cách mạng Việt Nam, tập 3, H: Văn

kêu giảm thuế, cùng nhau tụ tập xướng làm dân quyền, dần dần đến hống đường náo thị, mà tỉnh phủ huyện quan sở tại không ngăn chặn được”2.

Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam mở đầu cho phong trào Duy Tân cả nước, được sự hưởng ứng của đông đảo Nho sĩ và dân chúng, khẳng định sức thu hút mạnh mẽ của tư tưởng duy tân theo con đường tư sản và vai trò lãnh đạo của những sĩ phu tiến bộ. Phong trào đã ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao trình độ giác ngộ và tinh thần đấu tranh của nhân dân đòi cải cách đời sống về mọi mặt. Vì thế, những thế lực bảo thủ, lạc hậu, điên cuồng chống lại. Đặc biệt, chính quyền thực dân đã tìm cách để ngăn cấm phong trào. Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung cấm không cho dân chúng tụ tập nghe diễn thuyết. Trần Quý Cáp bị đổi vào Khánh Hòa, Đặng Nguyên Cẩn đang làm Đốc học Hà Tĩnh bị đổi vào Bình Thuận. Ngô Đức Kế bị vu cho tội làm loạn và bị bắt. Lê Đình Cẩn bị Công sứ xét hỏi nhiều lần và bị bắt vào năm 1907.

Tất cả những hoạt động cải cách của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ đều mang ý nghĩa cổ động lòng yêu nước, đòi độc lập tự do, phát triển đất nước theo con đường văn minh, tiến bộ và nó không tách rời xu hướng bạo động. Phong trào đã trực tiếp châm ngòi cho phong trào chống thuế ở miền Trung năm 1908.

Một phần của tài liệu Luận Văn Cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w