Thực hiện mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Trang 84 - 86)

81

Đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đặt ra yêu cầu phải cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, giảm bớt đầu mối quản lý, tăng cường trách nhiệm cá nhân, quy định đầy đủ quy trình giải quyết công việc và niêm yết công khai những quy định liên quan đến việc thực hiện quyền của doanh nghiệp. Cải cách hành chính phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc chung và những vướng mắc của từng loại hình doanh nghiệp nhà nước, ở từng địa phương, từng ngành để đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Các bộ, ngành, ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc xác định giá trị doanh nghiệp một cách chặt chẽ, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, xử lý nợ đọng bằng các biện pháp thích hợp như khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ; giải quyết các chế độ cho lao động dôi dư để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động; bổ sung thêm danh sách các tổ chức có chức năng định giá được định giá doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế, Nhà nước cần có chiến lược định hướng, tạo môi trường pháp lý, kinh tế và xã hội để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong cơ chế thị trường. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển vì đây là một kinh nghiệm quan trọng đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng rất lớn, phù hợp với nền kinh tế chậm phát triển, vốn tích lũy ít, trình độ quản lý hạn chế, công nghệ còn lạc hậu. Vì vậy, việc khuyến khích các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay ở nước ta càng cần được coi trọng, được coi là một giải pháp cần thiết, đúng hướng và có hiệu quả.

Chính những yếu kém của nền hành chính nhà nước đang là lực cản chủ yếu đối với công cuộc đổi mới kinh tế, cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương phát huy nội lực, làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh

82

tế. Vì vậy, quản lý nhà nước cần chuyển dịch theo hướng: Trao lại quyền quản lý sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp thực sự trở thành đơn vị sản xuất hàng hóa kinh doanh tự chủ, tự hạch toán lãi lỗ; bảo đảm cho doanh nghiệp của các thành phần kinh tế đều bình đẳng trong thị trường; đồng thời tăng cường sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của kinh tế vĩ mô; chuyển từ quản lý trực tiếp sang quản lý gián tiếp, khắc phục tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp cụ thể vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như kế hoạch kinh doanh, hoạt động đầu tư, phân phối lợi nhuận, tiền lương, tiền thưởng..; chuyển sang làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu là định hướng, đề ra các thể chế, chính sách quản lý vĩ mô, làm tốt các công việc như quy hoạch, kế hoạch phát triển, kiểm tra, giám sát… Chuyển từ quản lý theo bộ sang quản lý theo ngành nghề (mà lâu nay thường nói là xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản), xóa bỏ sự phân biệt doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp địa phương, cũng có nghĩa là mỗi bộ, ngành chuyển từ chỗ chỉ quản lý những doanh nghiệp thuộc bộ, ngành mình sang quản lý toàn ngành, phục vụ toàn ngành; tổ chức bộ máy quản lý phải gọn nhẹ, nhiệm vụ của tổ chức phải rõ ràng, nêu đầy đủ phạm vi có thẩm quyền ra quyết định, quan hệ với các cơ quan có liên quan… Chức năng của nó không được chồng chéo trùng lắp với chức năng của các cơ quan khác; tập trung bộ máy có hiệu quả và gồm các cán bộ thật sự có năng lực; số lượng cán bộ thích hợp phải tùy thuộc vào quyết định về chức năng của tổ chức đó, nhưng điều chủ yếu là phải tạo ra một tổ chức quản lý có năng lực và không quan liêu; cần tránh việc thuyên chuyển viên chức, cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước, vì kỹ năng làm công tác cơ quan dân chính không giống với kỹ năng của người kinh doanh, phải hết sức cố gắng để phân biệt thật rõ hai loại nghề nghiệp này.

Một phần của tài liệu Một số khía cạnh của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Trang 84 - 86)