Theo số liệu thống kê tính đến năm 2008 số lượng DNVVN là khoảng 335000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 97% trong tổng số các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp này đang đóng góp khoảng 26% GDP, 31% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tạo ra khoảng 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, và 26% lực lượng lao động trong cả nước.
Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay hoạt động trong một phạm vi không gian rất nhỏ nên trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp thường khá yếu kém. Kỹ năng sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân hoặc gia đình. Vì vậy khả năng lập kế hoạch kinh doanh tổ chức và triển khai hoạt động sản xuất còn mang tính chất chủ quan. Mỗi khi có sự thay đổi về môi trường kinh doanh, bộ phận doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường. Thời điểm hiện tại khi mà Việt Nam mới gia nhập WTO, rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Đó là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp trong nước có một môi trường cạnh tranh và học hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó trình độ công nghệ tiên tiến khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất những mặt hàng chất lượng có giá trị công nghệ cao để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như cạnh tranh thị phần hàng hóa với các nước khác trên thế giới. Nhất là các DNVVN luôn gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn làm hạn chế khả năng quảng bá, tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó các DNVVN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin đặc biệt là thông tin kinh doanh. Những nguồn thông tin về thị trường đầu vào như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường nguyên vật liệu... Hay những thông tin về môi trường kinh doanh như hệ thống pháp luật, các văn bản liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng chưa được cập nhật nên dẫn tới hậu quả là nhiều DNVVN bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh. Cũng chính từ những yếu kém mang tính chủ quan này khiến cho các DNVVN không chiếm được lòng tin của các ngân hàng trong việc vay vốn hay trong các quan hệ giao dịch về đất đai. Hầu hết các DNVVN đều có nhu cầu vay vốn cao để đầu tư trang thiết bị khoa học kỹ thuật nhưng đều vướng phải những hàng rào khó vượt qua về tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Trước tình hình đó Chính phủ ban hành quyết định số 193/2001/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế thành lập, tổ
chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng; ban hành thông tư số 42/2002/TT-BTC ngày 7/5/2002 hướng dẫn một số điểm quy chế thành lập tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên cho đến hiện nay theo Bộ Tài Chính mới có 11/63 địa phương ban hành quyết định thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN, trong đó chỉ có một số tỉnh có quỹ đi vào hoạt động, kết quả còn hạn chế.