Cây nhân trần núi(Adenosma cearulea R.Br.)

Một phần của tài liệu bước đầu tìm hiểu khả năng nhân giống và gây trồng cây nhân trần núi tại vùng đất cát nội đồng huyện quảng điền tỉnh thừa thiên huế (Trang 25 - 27)

- Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi và theo Từ điển bách khoa dược học, cây Nhân trần có tên khác là Nhân trần nam, Chè cát, Chè núi, Tuyến hương, Hoắc hương núi, có tên khoa học là Adenosma caerulea R.Br, thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

+ Đặc điểm hình thái: Cây cao khoảng 40-60cm. Tiết diện thân gần tròn, màu xanh ở thân non, màu xanh tía ở thân già, có nhiều lông mềm màu trắng, toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá hình trứng, đầu thuôn nhọn, bìa phiến có răng cưa, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, kích thước 5 - 7 x 2 - 3cm. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng, màu xanh, dài 0,5 - 1,3cm. Cả 2 mặt lá và cuống lá có nhiều lông màu trắng, mặt dưới phiến lá có nhiều đốm tuyến. Cụm hoa: Hoa mọc riêng lẻ ở nách lá phía ngọn cành. Hoa không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ dài 0,3cm, màu xanh, có nhiều lông màu trắng. Lá bắc giống lá thường nhưng kích thước nhỏ hơn; 2 lá bắc con hình thuôn dài màu xanh, có nhiều lông màu trắng, kích thước 0,7 x 0,01cm. Lá đài 5, không đều, rời, hình thuôn dài, màu xanh, kích thước 0,6 - 0,9 x 0,1 - 0,3cm. Tiền khai: Lá đài sau ở ngoài, 2 lá đài hai bên ở trong, 2 lá đài trước đặt cạnh nhau. Cánh hoa 5, không đều, màu tím, dính nhau bên dưới thành ống cao 1cm, phía trên chia 2 môi 2/3. Môi trên hình bầu dục gần tròn, kích thước 0,5 x 0,4cm; môi dưới chia 3 thùy. Tiền khai: 2 cánh hoa sau phủ lên 2 cánh bên, 2 cánh bên phủ lên cánh hoa trước. Trên lá đài và cánh hoa có nhiều lông màu trắng. Nhị 4, rời, không đều, 2 nhị dài, 2 nhị ngắn, đính gần đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa. Bao phấn 2 ô màu vàng, kích thước dài 1mm, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Chỉ nhị dạng sợi, nhị dài 0,9cm, nhị ngắn 0,7cm, màu trắng. Hạt phấn hình cầu hoặc hình bầu dục, rời, màu vàng, kích thước 25µm, có rãnh dọc và vân hình mạng. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn lồi. Bầu noãn có tiết diện hình elip, màu xanh. 1 vòi nhụy hình sợi, màu trắng, đính ở đỉnh bầu. 1 đầu nhụy dạng điểm. Quả nang, hình trứng, dài 7mm, màu xanh, mang đài tồn tại, khi chín tự mở thành 2 mảnh. Hạt nhiều, nhỏ.

+ Mùa hoa quả: Tháng 4-7.

+ Phân bố: Chủ yếu phân bố ở các vùng gò đồi phía Tây tỉnh TT Huế và các vùng Hương Vân, Hương Trà, A Lưới, Phong Mỹ, Phong Điền thuộc tỉnh TT Huế

Hình 2.1: Hình thái hoa nhân trần núi (Adenosma caerulea R.Br)

+ Đặc điểm sinh học: Ở nước ta, cây mọc hoang ở đồi núi, bờ ruộng, bãi trống ở nhiều nơi. Cũng có thể gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Có thể thu hái toàn cây vào mùa hè khi cây đang ra hoa.

+ Nghiên cứu và ứng dụng: Bác sĩ đông y Lê Nam đã sử dụng Nhân trần nam như là một vị thuốc chính trong nghiên cứu giải độc dioxin cho nạn nhân chất độc da cam tại miền trung Việt Nam. Bài thuốc “Bát vị Bình can giải độc dioxin, đại bổ cộng” đã được chọn để dự thi các giải pháp khắc phục hậu quả dioxin tại nước ta. Thành phần bài thuốc gồm: Nhân trần, Sắn giây, rễ Cỏ tranh, Hà thủ ô, Tầm gửi, Đinh lăng, Sinh địa hoặc Thục địa, ngó Sen. Trong đó, vị Nhân trần được diễn giải là “dễ dùng vì có tính chất ôn hoà, vị nhạt, mùi thơm, vốn là một vị thuốc có tác dụng nhuận gan, bổ gan, bình can giáng hỏa. Do đó, xưa nay tiền nhân vẫn dùng nhân trần để giải độc”. Nhân dân ta thường dùng Nhân trần nam phối hợp với các vị thuốc khác để chữa hoàng đản cấp tính; tiểu tiện vàng đục và ít; sản phụ ăn chậm tiêu.

Một phần của tài liệu bước đầu tìm hiểu khả năng nhân giống và gây trồng cây nhân trần núi tại vùng đất cát nội đồng huyện quảng điền tỉnh thừa thiên huế (Trang 25 - 27)