MỐI LIÊN HỆ GIỮA CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ GIÀ HÓA DÂN SỐ

Một phần của tài liệu giải pháp chính sách khắc phục già hóa dân số việt nam (Trang 28 - 30)

Già hóa dân số là một xu hướng tất yếu và là thành tựu của quá trình phát triển xã hội. Nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Như đã trình bày, già hóa dân số chịu tác động của 03 yếu tố chính: tỷ suất sinh giảm, tỷ suất chết giảm và tuổi thọ tăng. Tuy nhiên tốc độ của già hóa dân số lại phụ thuộc vào mức giảm của những con số đó và các chính sách dân số đưa ra có tác động trực tiếp và to lớn đến sự thay đổi những chỉ số trên. Chính sách dân số có nhiều cách phân loại như phân loại theo quá trình dân số, theo kết quả dân số, theo hướng tác động và theo hình thức thể hiện. Nhưng đối với quá trình già hóa dân số, phân loại theo quá trình dân số - gồm 02 nhóm là nhóm chính sách tác động trực tiếp tới sinh và nhóm chính sách tác động trực tiếp tới tử vong - là cách phân loại thể hiện rõ nhất mối quan hệ giữa chính sách dân số và già hóa dân số.

a. Về nhóm chính sách tác động trực tiếp tới sinh:

Chính sách tác động trực tiếp đến sinh bao gồm hai mục đích là khuyến khích sinh và hạn chế sinh. Tùy theo mỗi mục đích mà đưa ra các quy định nhằm khuyến khích hay hạn chế. Các quy định về số lượng con và các trường hợp đặc biệt liên quan đến quy định số lượng con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh; quy định việc mang thai, nạo phá thai; quy định việc khuyến khích, hỗ trợ các trường hợp vô sinh, sinh con theo phương pháp khoa học.

Chính sách dân số “thu hẹp” –bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp KHHGĐ nhằm hạn chế sinh - sẽ dẫn đến lượng sinh giảm, tránh tình trạng bùng nổ dân số nhưng nếu không kiểm soát và điều chỉnh tốt sẽ dẫn đến sự tăng tốc độ của quá trình già hóa dân số.

Nhóm chính sách tác động trực tiếp tới tử vong bao gồm: chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và chính sách phòng chóng tai nạn.

Chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm cả việc rèn luyện thân thể, đặc biệt chú trọng chính sách chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh và chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Chính sách phòng chống tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông, tai nạn của thiên tai, tai nạn lao động và các tai nạn thương tích đối với trẻ em.

Có thể khẳng định rằng, chính sách tác động trực tiếp tới tử vong là tổng hợp các chính sách kinh tế xã hội nhằm nuôi dưỡng, phát triển và bảo vệ sự sống của con người. Đối với quá trình già hóa dân số, thực hiện tốt nhóm chính sách này sẽ có tác động to lớn đến việc tăng tuổi thọ của người dân – một thành tựu mà bất kì quốc gia, xã hội nào cũng mong muốn – và đồng thời làm giảm tỷ suất chết – góp phần làm tăng tốc độ già hóa dân số.

Ngoài ra, một số các chính sách, chương trình thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội (nhằm đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi thông qua lao động và hưởng hưu trí), dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phát triển (nhằm đảm bảo dân số cao tuổi khỏe mạnh, tỷ lệtàn tật, thương tật và đau ốm thấp) và hoạt động cộng đồng, xã hội phong phú (nhằm khuyến khích người cao tuổi chủ động tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng và xã hội) cũng có tác động lớn đến xu hướng tăng tuổi thọ và từ đó tác động đến quá trình già hóa dân số.

Như vậy, có thể thấy chính sách dân số có tác động trực tiếp, cơ bản và sâu sắc tới quá trình già hóa dân số, có thể thúc đẩy, làm tăng tốc quá trình già hóa dân số, nhưng đồng thời cũng có thể có tác dụng kiềm chế, làm giảm tốc quá trình này. Đặc biệt, áp dụng chính sách dân số một cách linh hoạt có thể mang lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế - xã hội như kéo dài thời kì dân số vàng hay, nếu trong trường hợp già hóa dân số,sẽ thực hiện được “già hóa thành công” và tận dụng được cơ hội mà nó mang lại.

Một phần của tài liệu giải pháp chính sách khắc phục già hóa dân số việt nam (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)