6. Kết cấu luận văn
2.3.1. Diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được, là thành phần hàng đầu của môi trường sống và có ý nghĩa quyết định trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung. Với một huyện lâm nghiệp được xem là ngành kinh tế chủ đạo như Sơn Động thì rừng và đất rừng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc khoanh nuôi và bảo vệ vốn rừng trên địa bàn huyện được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Sự phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện được gắn liền với nhiệm vụ khoanh nuôi và bảo về rừng.
Huyện Sơn Động có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 60.409,6 ha chiếm 71,3% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, trong đó diện tích đất có rừng là 53.034,0 ha, đất chưa có rừng là 7.375,6 ha [Nguồn: 52, tr:1,2].
Số diện tích đất lâm nghiệp có rừng tập trung ở các xã: Tuấn Mậu, Thanh Luận, Tuấn Đạo, Bồng Am, Long Sơn, Dương Hưu, An Lạc, Hữu Sản, Phúc Thắng, Vân Sơn, Thạch Sơn, Yên Định, An Bá, Cẩm Đàn... hầu hết các xã trên
đều nằm ở vị trí giáp gianh với các huyện, tỉnh bạn như Lạng Sơn, Quảng Ninh... Vì vậy công tác bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Số diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Động tập trung chủ yếu ở các dạng chính: rừng tái sinh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng.
Căn cứ vào tình hình rừng và diện tích rừng hiện có trên địa bàn, năm 2000 Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Động đã giao cho Hạt kiểm lâm tiến hành rà soát, thống kê diện tích rừng và chọn diện tích rừng xã Phúc Thắng giao khoán bảo vệ làm điểm.
Qua rà soát tại xã Phúc Thắng với tổng diện tích 266,7 ha giao cho 22 hộ gia đình nhận khoán khoanh nuôi và bảo vệ, trong đó khoán bảo vệ rừng là 108 ha gồm 9 lô; khoán khoanh nuôi tái sinh rừng 158,7 ha gồm 23 lô.
Việc giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng được thực hiện theo các bước như: họp dân phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khoán rừng, quyền lợi, nghĩa vụ của người nhận khoán, điều kiện tham gia nhận khoán... đồng thời tổ chức bình xét công khai và lập danh sách các hộ gia đình có đủ điều kiện tham gia nhận khoán, mà việc bình xét này ưu tiên các hộ sinh sống sở tại và đã có trách nhiệm trông coi quản lý, bảo vệ rừng từ trước và có ý thức cao trong công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thông qua đề án giao đất và khoán bảo vệ rừng đối với các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng dưới nhiều hình thức như: bàn giao các lô rừng tại hiện trường cho từng hộ nhận khoán, lập biên bản bàn giao hiện trường, kí kết giúp hộ gia đình nhận rõ danh giới lô rừng mình phải bảo vệ, xây dựng và kí kết hợp đồng khoán, trong hợp đồng thể hiện rõ quyền lợi, nghĩa vụ 2 bên và quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của những hộ nhận giao khoán cũng như chế độ thù lao được hưởng trong suốt thời gian nhận chăm sóc và bảo vệ rừng. Chỉ trong một thời gian ngắn, với nguồn vốn đầu tư từ dự án 661của Chính phủ, diện tích rừng phục hồi
dự án trồng rừng Việt - Đức đầu tư bước đầu đạt hiệu quả. Các mô hình trồng bổ sung Trám trắng ở xã Cẩm Đàn, xã Thanh Luận, mô hình trồng Lim xanh ở An Lạc... bước đầu thành công và có thể nhân rộng trong thời gian tới.
Với cách làm như vậy, các hộ gia đình đều thể hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của mình khi được nhận khoán bảo vệ rừng và tin tưởng vào một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, người dân đã yên tâm và có trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán, vì họ hiểu rằng đã được Nhà nước giao khoán bảo vệ lâu dài và tổ chức giao khoán một cách hợp lí, bài bản. Qua đó, tích cực phát dọn danh giới lô, khoảnh và cắm mốc diện tích rừng được giao, thường xuyên tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác rừng trái phép, gia súc phá hoại, phòng cháy và chữa cháy rừng. Tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhằm giúp họ hiểu rõ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển sản xuất và quản lí bảo vệ rừng, để từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân.
Các hộ nhận khoán theo Quyết định số 202 ngày 2/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ qui định về việc khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng tái sinh và trồng rừng có quyền lợi được hưởng công khoán bằng tiền hoặc bằng hiện vật theo hợp đồng. Được tận thu sản phẩm của rừng nhận khoán theo qui định của Bộ Lâm nghiệp và hướng dẫn của chủ rừng. Được phép lựa chọn các hình thức nhận khoán, thời gian nhận khoán theo từng loại rừng và nội dung công việc phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nhà nước khuyến khích nhận khoán ổn định với thời gian 50 năm đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và với thời gian một chu kì kinh tế đối với rừng sản xuất. Được kết hợp sản xuất nông nghiệp khi rừng chưa khép tán hoặc dưới tán rừng và được hưởng toàn bộ sản phẩm do mình kết hợp sản xuất ra. Khi thời gian nhận khoán theo hợp đồng chưa kết thúc, do hoàn cảnh khách quan không nhận khoán nữa, hộ nhận khoán có thể
chuyển quyền nhận khoán cho hộ khác hoặc thanh toán phần hợp đồng trong thời gian đã thực hiện để chủ rừng lập hợp đồng khoán với hộ khác...
Việc giao nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ và khoanh nuôi rừng tái sinh tới các hộ gia đình bước đầu đã đem lại hiệu quả, rừng đã được bảo vệ và phát triển tốt, cây rừng đã lớn lên cả về đường kính, chiều cao, cây tái sinh sinh trưởng và phát triển mạnh, tạo cho rừng nhiều tầng, nhiều lớp và có tác dụng to lớn để duy trì và điều hòa nguồn nước, chống thiên tai lũ lụt và bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy tốt tác dụng phòng hộ. Đến năm 2003, trên địa bàn huyện Sơn Động đã khoán khoanh nuôi tái sinh bảo vệ rừng trên 1000 ha trong đó tập trung ở các xã khu vực tây Yên Tử như: Tuấn Đạo, Long Sơn, Bồng Am, An Lạc, Thanh luận, Thanh Sơn. Các hộ yêm tâm bảo vệ diện tích rừng.
Quy định về khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi rừng tái sinh được ban hành bổ sung theo từng năm cho phù hợp với tình hình thực tế để bảo vệ rừng có hiệu quả hơn. Tháng 12 năm 2002 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã có Thông tư liên tịch số 144 về việc phối hợp giữa Kiểm lâm, Công an và Quân đội trong công tác bảo vệ rừng. Tháng 12 năm 2007 Hạt Kiểm lâm Sơn Động thực hiện chuyển đổi phương thức khoán bảo về rừng chu kì III giao cho Ban công an các xã vùng Tây Yên Tử bảo vệ.
Qua các phương thức giao khoán bảo vệ rừng ở Sơn Động. Nhìn chung các tổ chức, cá nhân nhận khoán khoanh nuôi và bảo vệ rừng đều có tinh thần trách nhiệm cao trong việc bảo vệ rừng. Vì mỗi tổ chức và cá nhân đều nhận thức rõ: “ Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý ”.
Sự phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Động gắn liền với công tác giao khoán khoanh nuôi và bảo vệ rừng, ít nhiều có sự chuyến biến về diện tích theo hướng tích cực.
BIỂU ĐỒ 2.3a: SỰ CHUYỂN DỊCH CỦA DIỆN TÍCH RỪNG PHÒNG HỘ QUA TỪNG GIAI ĐOẠN
[Nguồn: 52, tr 5-7]
Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách về phát triển kinh tế rừng, diễn biến tài nguyên rừng và đất có rừng của huyện Sơn Động có nhiều biến động, sự biến động này do nhiều yếu tố tác động như chính sách phát triển lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước, sự phân định địa giới hành chính, hoạt động sản xuất của con người, thiên tai... Mọi sự biến động về đất rừng đều ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện.
Trong giai đoạn từ năm 2002-2004 tổng diện tích rừng được khoanh nuôi và bảo vệ trên địa bàn huyện Sơn Động xấp xỉ 13.017 ha, giảm hơn 1.200 ha so với giai đoạn 2000-2002. Đây là giai đoạn huyện chủ trương triển khai mạnh mẽ các chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nguyên liệu lấy từ sản xuất lâm nghiệp là rất lớn, do vậy diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng giảm hơn so với giai đoạn trước. Cũng trong giai đoạn này mỗi năm trong toàn huyện khoanh nuôi và bảo vệ thêm được nhiều diện tích rừng.
BiỂU ĐỒ 2.3b: ĐẤT RỪNG VÀ DIỆN TÍCH RỪNG ĐÃ GIAO CHO CÁC GIA ĐÌNH VÀ CÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ
[Nguồn: 44-49, tr 75,54.77,55,55,74,58]
Quan sát biểu đồ 2.3b, có thể nhận thấy trong giai đoạn từ năm 2006- 2010 diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng ở huyện Sơn Động tăng lên rất nhanh và tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế của huyện nhà. Diện tích rừng khoanh nuôi và được bảo vệ ngày một tăng đồng nghĩa với việc diện tích đất lâm nghiệp tăng theo, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển, qua đó kinh tế của huyện trong giai đoạn này cũng có những bước chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và cải tạo môi sinh trong toàn huyện. Đồng thời diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng tăng lên cũng cho thấy công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng được đề cao. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các tổ chức nhận khoán, nuôi bảo vệ rừng ngày càng chặt chẽ hơn, đồng thời sự hiểu biết của nhân dân
về luật bảo vệ và phát triển rừng đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, số diện tích rừng được giao khoán ngày một tăng hơn.
Việc xã hội hóa công tác quản lí và bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả cụ thể, diện tích rừng được quản lí tốt hơn, hạn chế thấp nhất các hành vi phá hoại rừng, nâng cao được ý thức trách nhiệm của người dân, thu nhập cho người dân sống gần rừng cũng tăng hơn, đảm bảo ổn định cuộc sống. Song song với việc khoán khoanh nuôi và bảo vệ rừng, Đảng bộ và chính quyền huyện Sơn Động đã sớm có chủ trương giao đất, giao rừng, đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp đất cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất và các chính sách phù hợp với điều kiện từng xã, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định sản xuất.
Vì vậy, từ năm 2004 đến 2010 diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước và gần đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Mặt khác, diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng ngày càng tăng còn có tác dụng to lớn trong việc duy trì nguồn nước, điều hòa không khí, chống xói mòn đất, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho quê hương Sơn Động.