Phương pháp thi đấu

Một phần của tài liệu Tải Tài liệu bồi dưỡng Mô đun 2 môn Giáo dục thể chất THPT - HoaTieu.vn (Trang 77)

5. TÀI LIỆU ĐỌC

2.2.6. Phương pháp thi đấu

2.2.6.1. Khái niệm

Là cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ vận động theo các quy định của Luật. Trong quá trình GDTC, PP thi đấu được sử dụng cả dưới hình thức đơn giản và phức tạp để hình thành và phát triển năng lực thể chất.

Hình thức thi đấu đơn giản: như các dạng như đấu tập, thi thử (có thể sử dụng thi đấu ngay cả những bài tập riêng lẻ) nhằm kích thích hứng thú bền vững và tính tích cực trong việc tự giác tham gia các hoạt động của HS.

74

Hình thức thi đấu phức tạp: được sử dụng như một hình thức tương đối độc lập như thi kiểm tra, thi đấu thể thao để xác định thứ hạng ở các giải đấu khác nhau.

Đặc điểm cơ bản của PP thi đấu là so sánh sức lực trong điều kiện đua tranh thứ bậc, vị trí để đạt thành tích cao nhất. Ngoài ra, PP thi đấu còn có đặc điểm chuẩn hóa đối tượng thi đấu, quy tắc thi đấu và phương thức đánh giá thành tích. Tuy nhiên, khi sử dụng PP thì khó khăn trong việc điều chỉnh lượng vận động (tùy thuộc vào từng môn thể thao tự chọn/lựa chọn).

2.2.6.2. Cách tiến hành

+ Bước 1: GV chuẩn bị nội dung thi đấu/bài tập thi đấu, luật thi đấu và những yêu cầu về trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho thi đấu phù hợp. GV xác định mục tiêu và lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu, YCCĐ của chủ đề.

+ Bước 2: GV xác định mục tiêu, phân tích và giải thích về các nội dung có liên quan đến thi đấu/bài tập thi đấu, GV cần chỉ rõ cách thức và định hướng các bước thực hiện giúp HS hiểu và bước đầu thực hiện.

+ Bước 3: GV hướng dẫn HS thực hiện theo đúng tinh thần của Luật, tổ chức thi đấu/bài tập thi đấu và làm công tác trọng tài, HS chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể được giao. GV nên đặt một số câu hỏi hoặc tình huống giả định để kiểm tra quá trình thực hiện các nội dung của HS. GV quan sát và chỉ dẫn HS cách thức tự bảo hiểm và hỗ trợ cho các bạn (nếu cần).

+ Bước 4: Đánh giá bằng số điểm, thời gian thực hiện hoặc mức độ đạt được so với yêu cầu đề ra của chủ đề.

2.2.6.3. Định hướng sử dụng

Yếu tố đua tranh trong thi đấu cũng như điều kiện tiến hành tổ chức cuộc thi sẽ tạo nên cảm xúc và những biến đổi sinh lí đặc biệt làm tăng thêm tác dụng của PP thi đấu giúp phát triển phẩm chất chăm chỉ và trách nhiệm cho HS.

Trong một số trường hợp, GV khuyến khích HS làm quen với công tác trọng tài hay huấn luyện viên (chỉ đạo) giúp HS phát huy khả năng tổ chức, điều khiển quá trình thi đấu trong khuôn khổ trường/lớp hoặc vận dụng vào các tình huống thực tế (đặc biệt là đối với HS THCS). Bên cạnh đó, GV nên tăng dần các yêu cầu để HS nỗ lực hơn trong quá trình thực hiện nhằm đạt được mục tiêu của chủ đề góp phần phát triển NL giải quyết vấn đề và sáng tạo bởi các tình huống diễn ra trong thi đấu gần như không dự đoán trước.

Việc chuẩn hóa đối tượng thi đấu, quy tắc thi đấu và phương thức đánh giá thành tích… được sử dụng để đạt được mục tiêu phù hợp với các YCCĐ về thành phần NL hoạt động TDTT, qua đó góp phần hình thành và phát triển phẩm chất trung thực cho HS.

PP thi đấu còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giáo dục đạo đức, ý chí, tính kỉ luật cao góp phần hình thành phẩm chất nhân ái, trách nhiệm thể hiện qua việc tuân thủ các điều luật trong thi đấu, sự nỗ lực vượt lên chính mình và tinh thần tương thân tương ái trong các cuộc thi đấu...

75

Việc so tài giữa cá nhân hoặc giữa tập thể trong thi đấu diễn ra một cách gay gắt đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực ý chí cao giúp HS phát triển NL tự chủ và tự học. Ở những môn thể thao đồng đội, PP thi đấu còn góp phần quan trọng giúp HS phát triển NL giao tiếp và hợp tác (khi HS kết hợp với nhau giải quyết nhiệm vụ đặt ra trong thi đấu). PP này thường được sử dụng ở hoạt động vận dụng trong giờ học GDTC giúp định hướng và phát triển thành phần NL hoạt động TDTT thông qua việc ứng dụng các hiểu biết được học vào thực tiễn quá trình thi đấu.

2.2.6.4. Điều kiện sử dụng

PP thi đấu được sử dụng để giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau như: phát triển tố chất thể lực, củng cố hoàn thiện kĩ năng kĩ xảo vận động và NL thể hiện chúng trong những điều kiện phức tạp khác nhau. Ngoài ra, khi sử dụng PP này còn cần phải đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc thích hợp và cá biệt hóa; nguyên tắc hệ thống; nguyên tắc tăng dần yêu cầu (tăng tiến).

Tuy nhiên, việc so tài trong thi đấu dễ hình thành nên những nét tính cách tiêu cực như: ích kỉ, háo danh, hiếu thắng vì vậy phải vận dụng PP này phải có chọn lọc và kết hợp với dạy học tích hợp; dạy học phân hóa để có thể phát huy hiệu quả tối ưu của PP thi đấu trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Tùy thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ của trường để tổ chức PP thi đấu cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của các môn thể thao tự chọn/lựa chọn.

2.2.6.5. Ví dụ minh họa

Hoạt động luyện tập, dùng PP sử dụng lời nói và PP trực quan kết hợp với PP thi đấu để tổ chức luyện tập bóng đá, qua đó giúp HS hoàn thiện kĩ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân.

+ Bước 1: GV chuẩn bị nội dung thi đấu/bài tập thi đấu, luật thi đấu và những yêu cầu về trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho thi đấu phù hợp. GV xác định mục tiêu và lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu chung của chủ đề.

+ Bước 2: Giáo viên giới thiệu nội dung thi đấu bóng đá với nhóm 10-12 HS (mỗi đội 5-6 em), yêu cầu:

Thi đấu trên phạm vi nửa sân bóng đá (đủ hai cầu môn, có thể dùng sân nhỏ như sân bóng rổ hoặc bóng chuyền). HS chỉ được sử dụng một “chạm”, sử dụng kĩ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân (bóng tới chân phải chuyền hoặc sút cầu môn ngay).

Toàn bộ thời gian thi đấu là 6 - 8 phút, đội nào ghi nhiều bàn thắng hơn đội đó chiến thắng. Các đội có thể yêu cầu thay người trong quá trình thi đấu, mỗi đội có 2 cầu thủ dự bị để thay người.

HS chủ động đưa ra các chiến thuật để ứng phó với các tình huống cụ thể trong sân thi đấu theo đúng tinh thần của luật.

HS tự giác, tích cực vận dụng kĩ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân để kết hợp với đồng đội thực hiện nhiệm vụ chung của hoạt động.

76

+ Bước 3: GV hướng dẫn HS thực hiện theo đúng tinh thần của Luật, tổ chức thi đấu và làm công tác trọng tài, HS tích cực thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể được giao. GV nên đặt ra tình huống giả định để kiểm tra nhanh quá trình thực hiện của HS. GV quan sát và chỉ dẫn HS cách thức tự bảo hiểm.

GV kết hợp với HTTC tập luyện theo nhóm và đề ra những yêu cầu khắt khe (có thể chưa đúng với Luật) nhưng hướng tới mục tiêu và YCCĐ của chủ đề là hoàn thiện kĩ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân. Các hoạt động vận động nhằm liên kết với đồng đội giúp học sinh nỗ lực tự bản thân để hợp tác và giải quyết vấn đề trong tình huống khó khăn hơn tập luyện một mình hay khi chưa có người phòng thủ.

+ Bước 4: Giáo viên nhận xét sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ, các HS cùng lớp chia sẻ và thảo luận thêm sau khi xem thi đấu về: luật, khâu chính và khâu chi tiết của kĩ thuật để củng cố và hoàn thiện kĩ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân; cách thức phối hợp nhóm và tổ chức đội bóng; Đánh giá bằng số điểm, thời gian thực hiện hoặc mức độ đạt được so với yêu cầu đề ra của chủ đề.

2.2.7. Kĩ thuật mảnh ghép

Kĩ thuật mảnh ghép là cách thức tổ chức hoạt động học tập hợp tác trong đó HS sẽ hoàn thành một nhiệm vụ phức hợp qua hai vòng. Đầu tiên, HS hoạt động theo nhóm để giải quyết các nhiệm vụ thành phần sao cho mỗi cá nhân trở thành chuyên gia của vấn đề được giao. Sau đó, chuyên gia thuộc các vấn đề khác nhau sẽ kết hợp trong nhóm mới, chia sẻ lại vấn đề đã tìm hiểu để cùng giải quyết nhiệm vụ phức hợp ban đầu.

2.2.7.1. Cách tiến hành

Vòng 1: Chuyên gia

Hoạt động theo nhóm, mỗi nhóm được phân công một nhiệm vụ cụ thể.

Khi thực hiện nhiệm vụ học tập, nhóm phải đảm bảo mỗi thành viên đều trở thành “chuyên gia” của lĩnh vực đã tìm hiểu và có khả năng trình bày lại kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhóm ở vòng 2.

Vòng 2: Các mảnh ghép

Hình thành nhóm mảnh ghép, sao cho các nhóm có tối thiểu một thành viên đến từ mỗi nhóm chuyên gia.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của vòng 1 được các thành viên trong nhóm mảnh ghép chia sẻ đầy đủ với nhau.

Sau khi tất cả các thành viên chia sẻ, các nhóm mảnh ghép thảo luận và thống nhất phương án giải quyết nhiệm vụ phức hợp ban đầu.

77

Hình minh hoạ sự sắp xếp HS hoạt động trong kĩ thuật mảnh ghép

2.2.7.2. Ưu điểm và hạn chế

+ Ưu điểm

Giải quyết được nhiệm vụ phức hợp dựa trên học tập hợp tác hiệu quả.

Kích thích sự tham gia tích cực của HS trong hoạt động nhóm, nâng cao vai trò cá nhân trong quá trình hợp tác.

Phát triển NL giao tiếp và hợp tác cho mỗi HS thông qua việc chia sẻ trong nhóm mảnh ghép.

Tạo cơ hội cho HS hiểu sâu một vấn đề. HS không những hoàn thành nhiệm vụ mà còn phải chia sẻ cho người khác.

+ Hạn chế

Thời gian hoạt động dài khi tổ chức cho HS thực hiện nhiệm vụ học tập với 2 nhóm khác nhau trong hai vòng.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ phức hợp phụ thuộc vào hiệu quả làm việc của nhóm chuyên gia và khả năng trình bày của mỗi cá nhân.

2.2.7.3. Ví dụ minh hoạ:

Dạy nội dung về Luật bóng rổ trong chủ đề Thể thao tự chọn lớp 6 (Môn bóng rổ)

HS cần giải quyết nhiệm vụ: Trình bày mối quan hệ giữa luật chạy bước với việc thực hiện kĩ thuật dẫn bóng? Phân tích và cho ví dụ minh hoạ một tình huống thực tế. (Mối quan hệ giữa luật kiểm soát bóng với việc thực hiện kĩ thuật dẫn bóng, mối quan hệ giữa luật chân trụ với việc thực hiện kĩ thuật dẫn bóng)

Vòng 1: Chuyên gia

Chủ đề A: Thế nào là chạy bước? Nêu ví dụ minh họa và phân tích.

Chủ đề B: Thế nào là kiểm soát bóng? Nêu ví dụ minh họa và phân tích.

Chủ đề C: Thế nào là hai lần dẫn bóng? Nêu ví dụ minh họa và phân tích.

78

Lớp có 32 HS, GV có thể chia thành 4 nhóm. Giao nhiệm vụ: nhóm 1 nhận chủ đề A; nhóm 2 nhận chủ đề B; nhóm 3 nhận chủ đề C; nhóm 4 nhận chủ đề D. Phát phiếu học tập cho HS, trên phiếu học tập có đánh số từ 1 đến 4. Thông báo cho HS thời gian làm việc cá nhân và theo nhóm. Khi thực hiện nhiệm vụ học tập, nhóm phải đảm bảo sao cho mỗi thành viên đều trở thành “chuyên gia” của chủ đề đã tìm hiểu và có khả năng trình bày lại kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhóm ở vòng 2.

Vòng 2: Các mảnh ghép

GV thông báo đổi và ghép nhóm mới: Mỗi nhóm đảm bảo có 8 thành viên và ít nhất có 2 thành viên trong các nhóm có 4 chủ đề khác nhau. GV thông báo thời gian làm việc nhóm mới. Các chuyên gia sẽ trình bày nội dung và ý kiến của nhóm mình ở vòng 1. Sau khi tất cả các thành viên chia sẻ, các nhóm mảnh ghép thảo luận và thống nhất phương án giải quyết nhiệm vụ phức hợp ban đầu. Đại diện các nhóm trình bày, chia sẻ kết quả.

2.2.8. Kĩ thuật phòng tranh

Kĩ thuật phòng tranh là cách thức tổ chức hoạt động học tập trong đó các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS được trưng bày như một phòng triển lãm tranh. Khái niệm “tranh” ở đây có thể được hiểu là sản phẩm học tập trực quan của HS. Vì vậy, tùy nội dung học tập, điều kiện học tập, sản phẩm "tranh" có thể được thực hiện bằng hình thức tranh vẽ hoặc sơ đồ, bảng biểu,... thậm chí các câu, cụm từ ngắn. HS di chuyển, quan sát các sản phẩm của HS khác, đặt câu hỏi và nêu ra nhận xét hoặc ý kiến góp ý. Sau đó, GV tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của cá nhân hoặc nhóm.

2.2.8.1. Cách tiến hành

GV giao nhiệm vụ học tập cho cá nhân hoặc nhóm. Có thể thiết kế nhiều nhiệm vụ khác nhau đủ cho các nhóm hoặc có thể lặp lại các nhiệm vụ ở các nhóm khác nhau.

HS thực hiện nhiệm vụ và trưng bày các sản phẩm học tập như một phòng triển lãm tranh.

HS di chuyển xung quanh lớp học tham quan phòng tranh. Trong quá trình “xem triển lãm”, HS đưa ra các ý kiến phản hồi hoặc bổ sung cho các sản phẩm.

HS quay trở lại vị trí ban đầu, tổng hợp ý kiến đóng góp và hoàn thành nhiệm vụ học tập của cá nhân hoặc nhóm.

GV tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân hoặc nhóm.

2.2.8.2. Ưu điểm và hạn chế

+ Ưu điểm

HS có cơ hội học hỏi lẫn nhau và ghi nhớ sâu kiến thức bài học.

HS được phát triển kĩ năng quan sát và phân tích, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo.

+ Hạn chế

Cần có không gian phù hợp để HS trưng bày sản phẩm học tập và di chuyển theo mô hình mong muốn.

79

Tốn nhiều thời gian để HS hoàn thành nhiệm vụ học tập.

2.2.8.3. Ví dụ minh hoạ:

Bài Các giai đoàn chạy cự li 100m trong chủ đề Chạy cự li ngắn 100m lớp 9

HS cần giải quyết nhiệm vụ: Trình bày các giai đoạn kĩ thuật trong chạy cự li ngắn 100m trên giấy A1 (khuyến khích sản phẩm là hình vẽ, sơ đồ, bảng tóm tắt kĩ thuật).

GV chia lớp thành 8 nhóm và phân công nhiệm vụ về nhà cho từng nhóm như sau:

Nhóm 1, 2: Phân tích kĩ thuật xuất phát thấp

Nhóm 3, 4: Phân tích kĩ thuật chạy lao sau xuất phát

Nhóm 5, 6: Phân tích kĩ thuật chạy giữa quãng

Nhóm 7, 8: Phân tích kĩ thuật về đích

HS thực hiện nhiệm vụ ở nhà và trưng bày các sản phẩm học tập tại lớp (trong giờ học tiếp theo) như một phòng triển lãm tranh. HS di chuyển xung quanh lớp học tham quan phòng tranh. Trong quá trình “xem triển lãm”, HS đưa ra các ý kiến phản hồi hoặc bổ sung cho các sản phẩm và quay lại vị trí lúc đầu, tổng hợp ý kiến đóng góp và hoàn thành nhiệm vụ học tập của nhóm. GV tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các nhóm.

2.2.9. Kĩ thuật Ổ bi

Kĩ thuật Ổ bi là cách thức tổ chức thảo luận nhóm, trong đó HS chia thành hai nhóm ngồi theo hai vòng tròn đồng tâm như hai vòng của một ổ bi và đối diện nhau để tạo điều kiện cho mỗi HS có thể chia sẻ với lần lượt các HS ở nhóm khác.

2.2.9.1. Cách tiến hành

GV nêu vấn đề cần thảo luận, hướng dẫn HS cách thức di chuyển (xoay đội hình)

Một phần của tài liệu Tải Tài liệu bồi dưỡng Mô đun 2 môn Giáo dục thể chất THPT - HoaTieu.vn (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)