Tập tính sinh sống và phát sinh gây hại của nhện đỏ nâu

Một phần của tài liệu Đề tài : Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái nhện đỏ nâu hại chè (oligonychus coffeae nietner) và biện pháp phòng trừ tại ba vì hà nội (Trang 58 - 60)

Theo dõi quá trình sinh sống, phát sinh gây hại của nhện đỏ nâu hại chè từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 6 năm 2011 chúng tôi nhận thấy có sự khác nhau về mật độ trên lá ở các tầng tán khác nhau của cây chè giữa các tháng trong năm. Do đặc điểm cây chè là cây thu hái phần búp non nên ngay từ những đợt thu hái đầu tiên đã tạo ra mặt phẳng tán chè, thường gọi là mặt mâm tán chè.

Kết quả ở bảng 3.12 cho thấy trong tất cả các kỳ điều tra đều phát hiện nhện đỏ nâu có mặt ở tất cả các tầng tán của cây chè. Nhưng nhìn chung các tháng có điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của nhện đỏ nâu (tháng 10/ 2010 đến tháng 3/ 2011) mật độ nhện ở tầng tán giữa là cao nhất còn tầng tán dưới cùng có mật độ nhện thấp nhất.Có thể do khi nhiệt độ hạ thấp cộng với các đợt gió mùa đông bắc hoặc mưa phùn lạnh khiến cho phần mặt mâm tán phía trên là phần chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên nhện đỏ có xu hướng di chuyển xuống các lá ở giữa của bộ tán chè. Còn ở tầng tán dưới cùng, phần gốc cây thì chủ yếu là các lá chè già cỗi, đây là nguồn thức ăn không thích hợp cho nhện nên mật độ nhện thấp. Tuy nhiên khi nhiệt độ tăng cao, cây chè sau thời kỳ ngủ nghỉ bắt đầu giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh và cho các lứa hái đầu tiên, phần mặt mâm tán phía

trên là phần các búp non bật lên mạnh nhất, sau khi hái còn chừa lại một lượng lá chừa nhất định. Đây là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho nhện, đặc biệt khi nhiệt độ tăng kéo theo mật độ nhện tăng mạnh, đó là nguyên nhân dẫn đến mật độ nhện ở tầng trên cùng tăng mạnh và cao nhất trên toàn bộ khung tán của cây chè. Mật độ nhện ở tầng tán giữa cũng tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn tầng trên cùng và mật độ nhện ở tầng dưới cùng vẫn thấp nhất.

Bảng 3.12. Vị trí sinh sống của nhện đỏ nâu qua các tháng trong năm tại Ba Vì, Hà Nội ( 10/2010 -6/2011)

Tháng điều tra Mật độ nhện ở các tầng tán (con/lá)

Tầng trên Tầng giữa Tầng dưới Trung bình 10 1,3 ± 0,19 1,7 ± 0,13 0,8 ± 0,12 1,2 11 1,4 ± 0,14 1,8 ± 0,13 0,8 ± 0,07 1,3 12 1,4 ± 0,17 1,8 ± 0,14 0,9 ± 0,08 1,4 1 1,6 ± 0,17 1,9 ± 0,12 0,8 ± 0,08 1,4 2 1,9 ± 0,23 2,0 ± 0,17 0,7 ± 0,08 1,6 3 2,0 ± 0,32 2,1 ± 0,19 0,8 ± 0,10 1,6 4 2,8 ± 0,38 2,8 ± 0,22 1,0 ± 0,12 2,2 5 4,6 ± 1,64 4,2 ± 1,23 1,8 ± 0,66 3,5 6 10,6 ± 1,51 8,1 ± 0,14 3,7 ± 0,81 7,5

Như vậy khi phun thuốc trừ nhện cần đảm bảo phun thuốc đến toàn bộ cây chè, đặc biệt là tập trung vào phần tán phía trên và ở giữa tán chè để cho số lượng nhện tiếp xúc với thuốc đạt cao nhất. Có như vậy thì thuốc mới phát huy được hiệu quả phòng trừ cao nhất.

Một phần của tài liệu Đề tài : Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái nhện đỏ nâu hại chè (oligonychus coffeae nietner) và biện pháp phòng trừ tại ba vì hà nội (Trang 58 - 60)